• HỆ THỐNG GIÁO DỤC CHẤT LƯỢNG CAO

      NGUYỄN BỈNH KHIÊM - CẦU GIẤY

      Trường Tiểu Học Nguyễn Bỉnh Khiêm - Cầu Giấy

      Trường THCS&THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm - Cầu Giấy

    Lịch sử hình thành và phát triển

     

    Hệ thống Giáo dục Chất lượng cao Nguyễn Bỉnh Khiêm – Cầu Giấy

    Hành trình 28 năm không ngừng đổi mới để giữ vững niềm tin nâng tầm thương hiệu

    Lịch sử hơn 25 năm xây dựng và phát triển trường THCS và THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm - Cầu Giấy là lịch sử của sự không ngừng đổi mới và sáng tạo của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên toàn trường để tìm ra, khẳng định và làm tỏa sáng những giá trị khác biệt của nhà trường, là lịch sử của quá trình xây dựng niềm tin, thương hiệu và giữ vững niềm tin, nâng tầm thương hiệu của nhà trường. Đến nay, quá trình 25 năm xây dựng và phát triển của Trường THCS và THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm- Cầu Giấy được chia làm 5 giai đoạn chính.

    I. Giai đoạn một từ năm 1993 đến năm 1998: Thành lập trường, vượt qua sóng gió buổi ban đầu tự lực vươn lên

              Trường PTDL cấp 2-3 Nguyễn Bỉnh Khiêm được thành lập ngày 19/8/1993 do thầy Nguyễn Văn Hòa là người sáng lập trường làm phó Hiệu trưởng, thầy Nguyễn Văn Lê - Phó giáo sư, Tiến sĩ làm Hiệu trưởng. Năm học đầu tiên trường có 4 lớp THCS với 75 học sinh và phải đi thuê mượn cơ sở vật chất, không có địa điểm ổn định. Sau 5 năm, số lượng học sinh đã tăng gấp 10 lần so với năm đầu, đó là kết quả của việc xây dựng mô hình học tập bán trú đáp ứng yêu cầu của xã hội và chủ trương tự lực vươn lên từ giải pháp thuê đất của  dân lâu dài và  huy động vốn để xây trường, từ sự ra đời và khẳng định phương châm giáo dục “Chăm lo đến từng học sinh giúp cho mỗi trò đều tiến bộ”.

    Lễ Kỷ niệm 5 năm thành lập trường PTDL Nguyễn Bỉnh Khiêm(1998)

     

    II. Giai đoạn hai từ năm 1999 đến năm 2003: Củng cố và xác lập vị trí trong hệ thống các trường ngoài công lập .

              Nguyễn Bỉnh Khiêm được coi là ngôi trường mơ ước của nhiều nhà trường khi trở thành trường dân lập đầu tiên có cơ sở vật chất riêng, ổn định trên đất thuê lâu dài của dân. Tuy nhiên không dừng lại ở đó, nắm bắt thời cơ từ Nghị định 73/1999/NĐ-CP của chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục  thầy Nguyễn Văn Hòa xây dựng dự án xây trường mới và được Thành phố giao cho trường 7100m2 đất  tại phố Trần Quốc Hoàn để xây dựng trường mới. Cùng với sự ra đời của quan điểm dạy học trước hết là dạy học sinh nên người, nhà trường đã từng bước giành được lòng tin của cha mẹ học sinh, quy mô của trường năm học 1999-2000 lần đầu tiên vượt ngưỡng 1000 học sinh (1246 học sinh).

     

     

    III. Giai đoạn ba từ năm 2004 đến năm 2008: Xây dựng trường trên đất được thành phố cấp lâu dài, đổi mới mạnh mẽ để phát triển, phấn đấu đạt và giữ vững danh hiệu trường chuẩn quốc gia.

              Năm 2005 trường mới được khánh thành giai đoạn một, thầy Nguyễn Văn Hòa giữ vai trò Hiệu trưởng, thầy Đàm Tiến Nam là phó Hiệu trưởng, nhà trường đã có nhiều chủ trương đổi mới mạnh mẽ để phát triển như: chú trọng bồi dưỡng xây dựng đội ngũ giáo viên, đặc biệt là đội ngũ giáo viên chủ nhiệm, khẳng định mục tiêu giáo dục của trường Nguyễn Bỉnh Khiêm trước hết là dạy học sinh làm người. Nhà trường bước vào giai đoạn phát triển mới, được công nhận là trường Phổ thông đạt chuẩn quốc gia (2006), thành lập trường Trung cấp kinh tế công nghệ Nguyễn Bỉnh Khiêm (2005), trường Tiểu học Quốc tế Tương lai- nay là trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (2007) tạo thành hệ thống các trường Nguyễn Bỉnh Khiêm. Đặc biệt thực hiện mô hình “Cung ứng dịch vụ giáo dục trình độ chất lượng cao” năm 2007 nhà trường thành lập Khối Song ngữ với những mục tiêu cụ thể, trong đó tập trung vào nâng cao năng lực Tiếng Anh và tăng cường các nội dung về kỹ năng sống, hoạt động ngoại khóa cho học sinh. Năm học 2006-2007 nhà trường tuyển 657 học sinh lớp 10 nâng số học sinh toàn trường lên là 2147.

    Lễ đón nhận danh hiệu trường Phổ thông chuẩn quốc gia(2006)
    Lễ Kỷ niệm 15 năm thành lập Trường(2008)
    Thày Chủ tịch Nguyễn Văn Hòa trong lễ đón nhận danh hiệu trường Chuẩn Quốc gia

     

    IV. Giai đoạn bốn từ năm 2009 đến năm 2013: Chèo lái để vượt qua những khó khăn do suy thoái kinh tế, đổi mới mạnh mẽ để phát triển:

              Đây là giai đoạn kinh tế trong nước và thế giới có nhiều khó khăn, khủng hoảng, tuy nhiên nhà trường đã có nhiều giải pháp để không những đứng vững mà còn phát triển lên một bước mới theo hướng hiện đại hóa, phát triển bền vững trong đó đặc biệt chú trọng tạo thêm điểm nhấn là sự khác biệt, là màu sắc đặc thù của trường Nguyễn Bỉnh Khiêm. Các giải pháp cơ bản được triển khai là: Tăng cường cơ sở vật chất theo hướng hiện đại hóa với việc lắp đặt những trang thiết bị hiện đại trong các phòng học, nâng trường từ 4 tầng lên 7 tầng, xây dựng khu giáo dục kỹ năng sống, lao động sản xuất tại xã Hương Sơn - huyện Bình Xuyên - tỉnh Vĩnh Phúc. Cùng với đó tiếp tục phát triển quy mô và các hình thức đào tạo theo hướng đa dạng hóa với các loại hình như: Song ngữ, Chất lượng cao, chuyên - chọn, đại trà, lớp cần quan tâm. Đặc biệt giai đoạn này nhà trường tập trung làm rõ những nét khác biệt nổi trội - đặt nền móng cho việc xây dựng thương hiệu nhà trường: xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, an toàn, chú trọng tạo hứng thú trong dạy học, coi trọng mục tiêu phát triển năng lực, dạy học sinh nên người, quan tâm giáo dục Tiếng Anh, giá trị sống, kỹ năng sống, đổi mới giáo dục thể chất, nghệ thuật. Những đổi mới đã đưa trường vượt qua thách thức khó khăn, vững chắc tiến lên, năm học 2008-2009 tuyển 758 học sinh lớp 10, trở thành năm có sĩ số  học sinh THCS và THPT cao nhất, gần 2400 học sinh. Năm 2012 Hội đồng Quản trị trường được thành lập do thầy Nguyễn Văn Hòa là Chủ tịch và các ủy viên gồm cô Nguyễn Thu Hòa, thầy Nguyễn Đức Hiếu. Năm 2013 Sở GD và ĐT công nhận thầy Nguyễn Đức Hiếu là phó Hiệu trưởng. Đây cũng là giai đoạn nhà trường mở rộng hợp tác quốc tế với nhiều trường của các nước: Trung Quốc, Newzealand, Thái Lan, …

     

    V. Giai đoạn năm từ năm 2013 đến năm 2018: Xây dựng trường đạt tiêu chí trường chất lượng cao, triển khai chiến lược phát triển trường Nguyễn Bỉnh Khiêm thành trường chất lượng cao tiêu biểu nhằm giữ vững niềm tin, nâng tầm thương hiệu:

              Nghị quyết số 29 của Trung Ương Đảng khóa 11 tháng 11/2013 đã tiếp thêm niềm tin và sức mạnh  để nhà trường thêm quyết tâm thực hiện mục tiêu giáo dục và các giá trị mà trường Nguyên Bỉnh Khiêm theo đuổi và đã đạt được, đó là giáo dục nhằm hình thành phẩm chất và phát triển năng lực người học, mục tiêu giáo dục là hướng tới dạy làm người, phát triển con người.

              Năm 2015, sau một năm xây dựng đề án và chuẩn bị các tiêu chí, trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm được UBND Thành phố công nhận là trường THPT Chất lượng cao, không dừng lại ở đó nhà trường tiếp tục đặt ra các tiêu chí cao hơn và tự hoàn thiện để vươn lên tầm cao mới trở thành trường chất lượng cao tiêu biểu. Tháng 1-2016 nhà trường công bố chiến lược phát triển và kế hoạch 5 năm 2016-2020, tầm nhìn đến năm 2030, cùng với việc triển khai đề án dạy và học tiếng Anh nổi trội (năm 2016), Đề án củng cố và phát triển khối THCS trước đó (năm 2013) vận dụng sáng tạo việc đổi mới thiết kế chương trình giáo dục chú trọng ứng dụng tâm lý học vào hoạt động giáo dục, xây dựng phòng tâm lý học đường với 4 cán bộ có trình độ chuyên môn, thương hiệu trường Nguyễn Bỉnh Khiêm được khẳng định trong cha mẹ học sinh và toàn xã hội.

     

              Năm 2016 thầy Nguyễn Văn Hòa thôi không đảm nhận vai trò Hiệu trưởng để tập trung vào công việc xây dựng đường lối chiến lược phát triển nhà trường trong vai trò Chủ tịch HĐQT, thầy phó Hiệu trưởng Đàm Tiến Nam được Sở giáo dục công nhận là Hiệu trưởng nhà trường .

    Thực hiện tư tưởng “đi trước đón đầu” trong thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, nhà trường tiếp tục có nhiều đầu tư xây dựng cơ sở vật chất với việc xây dựng vườn trường 3 hecta (Hoài Đức năm 2013), xây dựng nhà thể chất, bể bơi, sân vận động, hoàn thiện các phòng hoạt động và khánh thành trung tâm Trải nghiệm sáng tạo (Vĩnh Yên 9/2016), xây dựng phòng tập Gym… Bước sang năm 2018 nhà trường tiếp tục xây dựng khu bếp ăn hiện đại khu vệ sinh chất lượng cao mang đến cho giáo viên và học sinh môi trường sinh hoạt thoải mái, tiện ích.

              Giai đoạn từ năm 2016-2018 nhà trường thực hiện chương trình đổi mới học phí để tăng nguồn thu nhằm tiếp tục đầu tư xây dựng và nâng cao chất lượng dạy học, tuy nhiên công tác tuyển sinh vẫn gặp nhiều thuận lợi, số lượng học sinh toàn trường hàng năm duy trì ở mức 2.200 học sinh. Học sinh lớp 12 tham gia kỳ thi THPT Quốc Gia đạt tỷ lệ đỗ cao, môn Văn luôn nằm trong top 5 trường dẫn đầu Hà Nội. Nhà trường tiếp tục mở rộng hợp tác quốc tế với các trường thuộc các nước trong khu vực và các trường Quốc tế ở Việt Nam. Việc xây dựng và thực hiện quy ước văn hóa Nguyễn Bỉnh Khiêm cùng với triển khai phong trào vận động: “Thầy cô thay đổi”, “Chấp nhận sự khác biệt” để học sinh thay đổi, cha mẹ học sinh thay đổi tạo ra một sự phối hợp đồng bộ các hoạt động giáo dục giáo dục nhằm mang lại hạnh phúc cho học sinh đã góp phần làm tỏa sáng những giá trị tạo nên sự khác biệt của trường Nguyễn Bỉnh Khiêm.

              Năm 2018 khi bước sang tuổi 25, nhà trường đã nhận được sự tin tưởng, tín nhiệm của PHHS và xã hội, đáp lại niềm tin đó trong  năm học 2017 - 2018 và 2018 -2019 nhà trường đã xây dựng và tiếp tục nhấn mạnh chủ đề năm học là “Giữ trọn niềm tin- nâng tầm thương hiệu” nhằm mục tiêu đưa hệ thống các trường Nguyễn Bỉnh Khiêm phát triển ổn định, bền vững và bước lên một tầm cao mới, tiếp tục tạo những mốc son chói lọi trên con đường phát triển, hoàn thành sứ mệnh giáo dục để phát triển con người.

    Tư vấn online 0987.266.630