• HỆ THỐNG GIÁO DỤC CHẤT LƯỢNG CAO

      NGUYỄN BỈNH KHIÊM - CẦU GIẤY

      Trường Tiểu Học Nguyễn Bỉnh Khiêm - Cầu Giấy

      Trường THCS&THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm - Cầu Giấy

    Tin tức & sự kiện

    [BÁO DÂN TRÍ] Sản phẩm Bật, tắt điện bằng tiếng vỗ tay của học sinh được trường đầu tư trăm triệu đồng

  • Thứ ba, 11:33 Ngày 26/03/2019
  • Nguồn: Báo Dân trí

    Sản phẩm "bật, tắt điện bằng tiếng vỗ tay" của học sinh được trường đầu tư trăm triệu đồng

    Dân trí - Sản phẩm “Công tắc điều khiển thiết bị điện bằng tiếng vỗ tay” giành giải Nhì tại Đại hội học sinh giỏi và ngày hội tuổi trẻ sáng tạo trường Nguyễn Bỉnh Khiêm được Chủ tịch HĐQT và Hiệu trưởng hứa đầu tư 100 triệu đồng để nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn.

    Học sinh Đỗ Hoàng Anh và Đỗ Công Đinh lớp 12A2 trình diễn sản phẩm “Công tắc điều khiển thiết bị điện bằng tiếng vỗ tay” tại Đại hội học sinh giỏi và ngày hội tuổi trẻ sáng tạo trường Nguyễn Bỉnh Khiêm. Đây là một sản phẩm mang hơi hướng công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo), có tính ứng dụng cao vào thực tiễn.

    Theo như Đỗ Hoàng Anh trình bày, công tắc này có thể lắp đặt trong các mạng điện gia đình. Nhóm tác giả đã thiết kế một mô hình mô phỏng một bức tường trong gia đình có lắp hệ thống công tắc thông minh.

    Công tắc sẽ đóng/ngắt dòng điện xoay chiều 220V của gia đình tới một ổ cắm điện. Tại ổ cắm đó, nhóm học sinh lắp một bóng đèn LED 3W và một dây đèn nháy trang trí để đại diện cho các thiết bị tiêu thụ điện trong gia đình.

    Khi công tắc hoạt động, cảm biến âm thanh sẽ ghi nhận các âm thanh xung quanh nó. Khi cảm biến phát hiện được âm thanh có mức cường độ âm lớn hơn 70dB (tạo bởi tiếng vỗ tay to) thì sẽ phát tín hiệu về mạch xử lí (Arduino), mạch xử lí tiếp nhận tín hiệu và ra lệnh cho Relay (thường gọi là: rơ-le) thực hiện đóng/ngắt nguồn điện 220V vào ổ cắm điện.

    Theo thử nghiệm thực tế, công tắc này nhạy với âm thanh tiếng vỗ tay ở khoảng cách lên tới 3mét.

    Sản phẩm bật, tắt điện bằng tiếng vỗ tay của học sinh được trường đầu tư trăm triệu đồng - 1

    Nguyên lý hoạt động của sản phẩm

    Nhóm tác giả học sinh chia sẻ: "Trên thực tế, với mỗi ngôi nhà lại có cách bố trí công tắc điện khác nhau, do vậy, khi chúng ta bước vào một ngôi nhà hay căn phòng không quen thuộc vào buổi tối thì việc đi tìm công tắc đèn ở đâu sẽ gặp khó khăn, đặc biệt là đối với trẻ em, người lớn tuổi.

    Ở những nhà xưởng sản xuất, những hộ gia đình nhỏ hay các trường mầm non cũ thì các loại ổ cắm thường không có lớp nhựa bảo vệ bên trong ổ cắm, sẽ rất nguy hiểm cho người già, trẻ nhỏ khi “lần mò” tìm vị trí công tắc điện.

    Với những người trẻ, khi đã nằm yên vị trên giường hay ngồi thư giãn tại một chiếc ghế sofa êm ấm, ta chợt nhớ ra quên chưa tắt điện, tắt quạt không dùng tới thì thường có tâm lí “mặc kệ”. Điều ấy dẫn tới điện năng bị lãng phí không hề nhỏ".

    Đó là khởi nguồn ý tưởng của nhóm học sinh lớp Toán, giúp các em giành được giải Nhì cuộc thi sáng tạo trẻ cấp trường.

    Cũng có cùng chung ý tưởng sáng tạo bắt nguồn từ thực tiễn cuộc sống, ứng dụng các nguyên tắc vật lý kết hợp với toán học, nhóm học sinh là tác giả của "Đóng mở barie đường sắt bằng cảm biến" cũng được đánh giá rất cao tại Đại hội học sinh giỏi và ngày hội tuổi trẻ sáng tạo. Nhóm này giành được giải Nhất cuộc thi sáng tạo.

    Sản phẩm bật, tắt điện bằng tiếng vỗ tay của học sinh được trường đầu tư trăm triệu đồng - 2

    Mô hình của sản phẩm Đóng mở barie đường sắt bằng cảm biến

    Một sản phẩm khác cũng hữu ích không kém cho đời sống đó là máy phân loại rác thải. Tuy nhiên sản phẩm này còn cần nghiên cứu thêm để có thể sàng lọc rác thải hữu cơ và vô cơ.

    Bên cạnh đó, học sinh còn đưa ra rất nhiều ý tưởng ở lĩnh vực khoa học xã hội như làm phim, sáng tác ca khúc. Đặc biệt là sản phẩm "Đề án tâm lý học đường online" của các học sinh lớp 12 Song Ngữ...

    Chứng kiến sự năng động và sáng tạo của học trò trong Ngày hội tuổi trẻ sáng tạo, thầy Hiệu trưởng Đàm Tiến Nam trường THCS&THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm - Cầu Giấy hứa đầu tư 100 triệu đồng để nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn với điều kiện các em kết hợp cùng với phòng nghiên cứu của trường thử nghiệm và sản phẩm sao cho sản phẩm có thể sử dụng được ít nhất trong môi trường học đường.

    Tiến sĩ Nguyễn Văn Hoà - Chủ tịch HĐQT nhà trường khẳng định: "Trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0 này, các học sinh cần phải được đào tạo từ trong nhà trường.

    Trước đây chúng tôi đã có những hoạt động thúc đẩy sự sáng tạo của học sinh nhưng trong vài năm gần đây thì hoạt động này được đẩy mạnh hơn nhiều.

    Tôi có thể đầu tư hàng trăm triệu đến hàng tỉ đồng để tạo môi trường làm việc sáng tạo cho học sinh, tôi gọi là xưởng trường. Các con được thực hành ngay tại trường và đưa ý tưởng sáng tạo của mình ra ứng dụng ngay tại trường, phục vụ cho nhà trường và xã hội".

    Sản phẩm bật, tắt điện bằng tiếng vỗ tay của học sinh được trường đầu tư trăm triệu đồng - 3

    Nhiều sản phẩm sáng tạo khác thu hút sự trải nghiệm và kích thích đam mê khoa học của học sinh.

    Sản phẩm bật, tắt điện bằng tiếng vỗ tay của học sinh được trường đầu tư trăm triệu đồng - 4

    Những thí nghiệm hoá học được trình bày tại Ngày hội sáng tạo trẻ

    Sản phẩm bật, tắt điện bằng tiếng vỗ tay của học sinh được trường đầu tư trăm triệu đồng - 5

    Trao thưởng cho những sản phẩm sáng tạo khoa học xuất sắc.

    Mai Châm

    Bài viết liên quan
    Tư vấn online 0987.266.630