Thày Hòa - Người sáng lập trường
NGƯỜI TRUYỀN CẢM HỨNG, TẠO ĐỘNG LỰC PHÁT TRIỂN BẰNG VIỆC TIÊN PHONG TRONG CÁCH NGHĨ, CÁCH LÀM
Trường Trung học cơ sở và trung học phổ thông Nguyễn Bỉnh Khiêm Cầu Giấy từ chỗ chỉ có hơn 70 học sinh trong năm đầu, phải thuê mượn phòng học, đến nay kỷ niệm 25 năm thành lập (1993 – 2018) nhà trường đã có những bước phát triển vượt bậc về qui mô, khẳng định được thương hiệu, uy tín trong nhân dân và trong ngành Giáo dục của Thủ đô. Sự trưởng thành của nhà trường mang đậm dấu ấn, công lao của thầy Chủ tịch hội đồng quản trị - Tiến sĩ Nguyễn Văn Hoà - người luôn sáng tạo, tiên phong trong cách nghĩ, cách làm.
Trở lại những năm đầu thành lập, với việc thực hiện mô hình tổ chức dạy học bán trú, một hình thức học tập hoàn toàn mới trong thời kỳ này, thầy Hoà là người thiết kế kế hoạch dạy học ngày hai buổi, kết hợp hài hoà giữa học chính khoá theo chương trình của Bộ giáo dục – Đào tạo với học bán trú, rèn luyện kỹ năng, giúp học sinh củng cố và vận dụng kiến thức. Do làm tốt công tác tổ chức nhà trường, quản lý dạy học, chăm lo đến từng học sinh, nhà trường có nền nếp, học sinh có kỉ luật nên số lượng và chất lượng học sinh không ngừng tăng qua từng năm học. Năm học 1994 – 1995, số học sinh toàn trường đã gấp đôi so với năm học đầu tiên. Nhưng do phải thuê mượn cơ sở vật chất không ổn định nên phụ huynh chưa yên tâm gửi gắm con em lâu dài. Chính từ khó khăn này mà tầm nhìn, năng lực và bản lĩnh của một nhà quản lý thực thụ ở tiến sĩ Nguyễn Văn Hoà được bộc lộ. Thầy Hoà đã xây dựng phương án thuê đất dài hạn của dân để trường tự bỏ vốn đầu tư xây dựng. Một phương án lúc đó bị nhiều người cho là liều lĩnh, không khả thi. Trong những năm 1996 – 1999 thầy Hoà đã thuyết phục nhiều hộ gia đình, thuê được 2500 đất của dân, tự huy động vốn xây dựng được ngôi trường riêng đầu tiên cho trường THPT dân lập Nguyễn Bỉnh Khiêm gồm 2 toà nhà 3 tầng kiên cố với 40 phòng học và phòng làm việc, tổng số vốn lên đến 3 tỷ đồng. Nhờ có ngôi trường tự xây này mà uy tín của trường được nâng cao, sĩ số của trường đã phát triển và dần dần đi vào ổn định, từ chỗ chỉ có 500 học sinh (năm học 1996 – 1997) lên tới 1.400 học sinh (vào năm học 2003 – 2004) và hiện tại là 2195 học sinh (năm học 2018 - 2019).
Không dừng lại ở đó, năm 1999, khi Nghị định 73/CP của Chính phủ ra đời, thầy Hoà đứng ra lập dự án xây dựng trường mới để xin Thành phố giao đất lâu dài. Đến năm học 2005 – 2006, ngôi trường mới khang trang đã hoàn thành trên diện tích 7.100m2 trên đường Trần Quốc Hoàn, Cầu Giấy, Hà Nội với số vốn đầu tư lên tới 27 tỷ đồng. Để có được ngôi trường khang trang, hiện đại như bây giờ phải khẳng định xuất phát từ tư tưởng dám nghĩ, dám làm và tầm nhìn chiến lược của thầy Hoà.
Đồng thời với việc chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, tiến sĩ Nguyễn Văn Hoà còn tập trung nghiên cứu, tìm tòi, xây dựng phương châm giáo dục – đào tạo mang sắc thái riêng của trường Nguyễn Bỉnh Khiêm, đó là: “Chăm lo tới từng học sinh, giúp cho mỗi trò đều tiến bộ”. Đi cùng với phương châm này là một hệ thống mục tiêu, phương pháp đào tạo, những nguyên tắc ứng xử, yêu cầu rèn luyện với học sinh được cụ thể hoá, được thể chế hoá, tuyên truyền và quán triệt thành sự thống nhất cao trong tư tưởng, tình cảm, thói quen làm việc, nề nếp giáo dục và dạy học của từng thầy cô giáo và cán bộ công nhân viên của trường. Quan điểm thấu suốt trong tư tưởng chỉ đạo của thầy Hiệu trưởng và của mọi cán bộ lãnh đạo trong trường Nguyễn Bỉnh Khiêm là: “Trong nhà trường phổ thông, trước hết, hãy dạy học sinh biết làm người”. Chính phương châm đào tạo mà trường Nguyễn Bỉnh Khiêm và thầy Hoà kiên trì thực hiện từ 25 năm nay đã tạo nên sức thuyết phục lớn lao với cha mẹ học sinh và tăng thêm niềm tin cho những ai đã gửi con em vào trường.
Bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên luôn luôn là mối quan tâm hàng đầu và là sự trăn trở của thầy Chủ tịch Hội đồng quản trị. Bên cạnh việc mời một số giáo viên dạy giỏi, nhiều kinh nghiệm về giảng dạy tại trường, thầy Hoà còn luôn chú trọng trong việc đào tạo, bồi dưỡng để tăng số lượng giáo viên cơ hữu, gắn bó và đồng cảm với những quan điểm giáo dục của nhà trường, trực tiếp phát động và tổ chức các hoạt động chuyên đề về đổi mới phương pháp giảng dạy bộ môn. Thầy thường tâm sự: “Có chủ trương và công tác tổ chức tốt, có trường đẹp và hiện đại mà chưa có đội ngũ đủ mạnh, trường ta chưa thể mạnh được”. Từ chỗ số lượng giáo viên cơ hữu chỉ chiếm 20% trong những năm học đầu tiên, đến nay đã đạt 70%. Nhiều giáo viên trẻ đã trở thành những giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp Thành phố, có uy tín cao đối với cha mẹ học sinh và học sinh. Thầy Hoà không chỉ thành công trong việc đưa ra những biện pháp giúp nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên mà còn rất thành công trong việc phát hiện, khai thác thế mạnh của từng người, đặt họ đúng chỗ, giao cho họ đúng việc; động viên kịp thời để tất cả hợp thành một đội ngũ thống nhất, có tâm huyết, tài năng, nhiệt tình đóng góp cho việc xây dựng trường.
Không chỉ khởi xướng các hoạt động đổi mới, thầy Hoà còn trực tiếp theo sát các tổ chuyên môn, đôn đốc, dự giờ, kiểm tra bằng nhiều kênh khác nhau, phát hiện những nhân tố mới, những giáo viên chưa thực sự tích cực, kiên quyết thực hiện đổi mới trong giáo dục và dạy học. Cách đây gần hai mươi năm, khi xuất hiện hình thức kiểm tra trắc nghiệm khách quan và yêu cầu xác định mục tiêu bài học trên sách giáo khoa trung học cơ sở, dự đoán chủ trương tổ chức thi bằng hình thức trắc nghiệm khách quan của Bộ Giáo dục – Đào tạo, thầy đã tự biên soạn tài liệu về trắc nghiệm khách quan, về xác định mục tiêu bài học, về cách soạn giáo án đổi mới, phương pháp tổ chức hoạt động cho học sinh, trực tiếp lên lớp hướng dẫn giáo viên thực hiện. Trong giai đoạn hiện tại, thầy vẫn tiếp tục những việc làm đó, liên tục cập nhật những thay đổi cho phù hợp với thực tiễn và chuẩn bị tích cực để sẵn sàng cho cuộc đổi mới giáo dục sắp tới. Thực hiện đề án thành lập và phát triển khối song ngữ, thành lập khối Chuyên Anh, tăng cường các hoạt động hợp tác với các tổ chức giáo dục quốc tế, liên kết với các trường trong và ngoài khu vực...thầy quyết tâm thực hiện sáng tạo và hiệu quả việc xây dựng môi trường tiếng Anh nổi trội nhằm trang bị hành trang cho học sinh trở thành những công dân toàn cầu. Hiện thực hóa ước mơ của bao học sinh về việc được học âm nhạc nghệ thuật theo đúng sở trường, năng khiếu, quan tâm đến việc bồi đắp tâm hồn nhân văn cho học trò, thầy đưa chương trình giáo dục âm nhạc nghệ thuật vào nội dung dạy học... Đối với các chủ trương đổi mới giáo dục của Bộ, của Sở Giáo dục – Đào tạo thầy Hoà cùng tập thể lãnh đạo trường triển khai thực hiện một cách nghiêm túc, kịp thời và đầy sáng tạo như: thí điểm thay sách giáo khoa THCS, thí điểm phân ban THPT, cuộc vận động “Xây dựng nhà trường văn hoá, nhà giáo mẫu mực, học sinh thanh lịch”, cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”, vận dụng sáng tạo Nghị quyết 29 TW Đảng về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, chuẩn bị cho chương trình giáo dục phổ thông mới. Không những thế, thầy Hòa luôn là người chủ trương đề xuất những đổi mới trong từng năm học, từng giai đoạn, đặc biệt là các chủ trương để định hướng thầy cô thay đổi và chấp nhận sự khác biệt, đưa và ứng dụng tâm lí học vào hoạt động giáo dục...
Có một điều không phải ai cũng biết về người thầy giáo phúc hậu, gần gũi và luôn cười, người thầy đáng kính và rất thân thiết của nhiều thế hệ học sinh Nguyễn Bỉnh Khiêm lại xuất thân là một người lính, thiếu uý, chính trị viên đại đội thời kỳ chống Mỹ cứu nước, với 14 năm trong quân ngũ, trong đó có 10 năm chiến đấu tại chiến trường miền Nam. Là học sinh giỏi Toán toàn miền Bắc năm 1964, thầy thuộc lứa thanh niên đầu tiên gia nhập quân đội sau sự kiện vịnh Bắc bộ năm 1964, là người đã viết thư bằng máu xin tình nguyện đi chiến đấu ở chiến trường miền Nam và là một trong những người lính tốt nghiệp lớp 10 trở lại ghế trường đại học muộn mằn (1997), sau khi chiến tranh kết thúc. Thầy tâm sự: “Mình lúc nào cũng bị muộn, 32 tuổi mới học đại học, 36 tuổi mới đứng trên bục giảng, 49 tuổi mới thi cao học, 56 tuổi mới bảo vệ luận án tiến sĩ, 62 tuổi lại tự học tiếng Anh... để theo kịp học trò. Nhưng nghĩ cho cùng, chắc như thế không phải là muộn. Những năm tháng chiến đấu trong quân đội, với hang chục nhiệm vụ từng trải, với bao nhiêu lần kề bên cái chết thực sự là trường đại học đối với mình. Mình vẫn sống được mà trở về trong ngày chiến thắng đã là hạnh phúc lắm rồi. Có bao nhiêu đồng chí cùng mình lăn lộn trong những năm tháng ở chiến trường đã ngã xuống. Mình muốn làm tất cả những gì có thể làm để chứng tỏ rằng người lính đã thắng trong chiến đấu sẽ không lùi bước trước thử thách của thời bình”.
Là một nhà quản lý giáo dục xuất thân và thành đạt từ một người lính, một Đoàn viên thanh niên Cộng sản giác ngộ lý tưởng sống vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì Chủ nghĩa xã hội, thầy chủ tịch hội đồng quản trị Nguyễn Văn Hoà luôn quan tâm tới việc dạy học sinh biết làm người, bồi dưỡng cho học sinh sống có ước mơ, lý tưởng, phát huy được hết năng lực bản thân. Phương châm của thầy trong giáo dục là: chăm lo đến từng học sinh, giúp cho mỗi trò đều tiến bộ; học sinh đi học phải được hạnh phúc, cha mẹ học sinh phải được hài lòng. Các buổi toạ đàm, giao lưu truyền thống với các nhân chứng lịch sử, với những tấm gương lao động và học tập tiêu biểu được tổ chức thường xuyên trong từng khối lớp, trong toàn trường và thầy Chủ tịch hội đồng quản trị đã nhiều lần trở thành nhân vật chính cho những buổi giao lưu. Những mẩu chuyện của thầy bao giờ cũng hấp dẫn học sinh và để lại những ấn tượng sâu sắc, truyền cảm hứng cho học sinh phấn đấu học tập, phát triển bản thân mỗi ngày.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Hoà đã từng bước đưa trường THCS & THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm phát triển vượt bậc, trường và bản thân thầy đã nhiều lần được nhận bằng khen của UBND Thành phố. Tháng 5 năm 2006, trường được công nhận là “Trường đạt chuẩn Quốc gia giai đoạn 2001 – 2010”. Tháng 11/2015 trường được UBND Thành phố Hà Nội công nhận trường phổ thông đạt tiêu chí trường Chất lượng cao. Năm 2000 thầy Hoà đã được chọn báo cáo điển hình tại Đại hội thi đua toàn quốc ngành Giáo dục vì những thành tích thực hiện xã hội hoá giáo dục. Liên tục trong những năm gần đây, thầy Hòa tham gia nhiều báo cáo tại các hội nghị, diễn đàn về đổi mới giáo dục trong cả nước; là cố vấn biên soạn sách giáo khoa chương trình giáo dục phổ thông mới; cố vấn cho các kênh truyền hình giáo dục của Trung ương; chủ tịch câu lạc bộ các trường ngoài công lập của thành phố Hà Nội. Trong vai trò Chủ tịch hội đồng quản trị nhà trường, thầy đã xây dựng chiến lược phát triển và kế hoạch 5 năm 2016 - 2020, tầm nhìn 2030 cho hệ thống các trường Nguyễn Bỉnh Khiêm, đây là những văn bản có tính chất định hướng để các trường Nguyễn Bỉnh Khiêm phát triển ổn định, bền vững và bước lên một tầm cao mới.
Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm trong 25 năm qua đã đạt được những thành tựu đáng kể. Đến nay, trường đã phát triển thành quy mô một hệ thống giáo dục gồm trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm Cầu Giấy và trường THCS&THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm Cầu Giấy. Ngoài cơ sở khang trang ở Trần Quốc Hoàn, trường còn có thêm hai trung tâm trải nghiệm sáng tạo ở Vĩnh Yên và Hoài Đức. Có thể nói, thầy Hòa đã luôn đi trước đón đầu xu thế, việc xây dựng và đưa vào hoạt động các Trung tâm trải nghiệm sáng tạo này đã hiện thực hóa quan điểm giáo dục của thầy Hòa: "dạy học sinh biết làm người, phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực học sinh, học đi đôi với hành, lí thuyết gắn liền với thực tiễn". Nhưng với tiến sĩ Nguyễn Văn Hoà - chủ tịch hội đồng quản trị hệ thống giáo dục thì ngôi trường lý tưởng vẫn đang ở phía trước. Trong tầm nhìn hướng đến tương lai, trường Nguyễn Bỉnh Khiêm phải là một ngôi trường lớn, đẹp và hiện đại hơn nữa; có bản sắc riêng, có phong cách riêng, có thương hiệu nổi tiếng ở Hà Nội và toàn quốc. Trong thời đại 4.0, chuẩn bị cho hội nhập giáo dục, không ngừng tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm giáo dục tiên tiến, tiến sĩ Nguyễn Văn Hoà lại là người mở đường, thực hiện các chương trình liên kết giáo dục giữa trường Nguyễn Bỉnh Khiêm với các trường THPT ở Thái Lan, Trung Quốc, Singapore, Hàn Quốc, Newzealand, …
Bằng tài năng, tầm nhìn, kinh nghiệm thực tiễn, lời nói đi đôi với việc làm, là người đề ra các chiến lược phát triển lâu dài, các quyết sách, lập kế hoạch, chương trình hành động cho mỗi giai đoạn, biết huy động trí tuệ tập thể và xây dựng khối đoàn kết, tiến sĩ Nguyễn Văn Hoà đang dần từng bước làm cho ngôi trường Nguyễn Bỉnh Khiêm trong mơ ước trở thành hiện thực, giữ trọn niềm tin và tỏa sáng thương hiệu trong giai đoạn phát triển phía trước.
Người viết: Hiệu trưởng Đàm Tiến Nam
Bài viết đã in trong tạp chí "Gương mặt nhà giáo Thủ đô" năm 2007 - NXB Hà Nội, hiệu đính và chỉnh sửa tháng 11 năm 2018.
Copyright © 2018 Bản quyền thuộc về NGUYỄN BỈNH KHIÊM - CẦU GIẤY | Thiết kế và phát triển bởi P.A Việt Nam
Đang Online: 176 | Tổng lượt online : 23,054,549