Lịch sử hình thành và phát triển
Hệ thống Giáo dục Chất lượng cao Nguyễn Bỉnh Khiêm – Cầu Giấy
Hành trình 31 năm không ngừng đổi mới để giữ vững niềm tin nâng tầm thương hiệu
Lịch sử hơn 25 năm xây dựng và phát triển trường THCS và THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm - Cầu Giấy là lịch sử của sự không ngừng đổi mới và sáng tạo của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên toàn trường để tìm ra, khẳng định và làm tỏa sáng những giá trị khác biệt của nhà trường, là lịch sử của quá trình xây dựng niềm tin, thương hiệu và giữ vững niềm tin, nâng tầm thương hiệu của nhà trường. Đến nay, quá trình 25 năm xây dựng và phát triển của Trường THCS và THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm- Cầu Giấy được chia làm 5 giai đoạn chính.
I. Giai đoạn một từ năm 1993 đến năm 1998: Thành lập trường, vượt qua sóng gió buổi ban đầu tự lực vươn lên
Trường PTDL cấp 2-3 Nguyễn Bỉnh Khiêm được thành lập ngày 19/8/1993 do thầy Nguyễn Văn Hòa là người sáng lập trường làm phó Hiệu trưởng, thầy Nguyễn Văn Lê - Phó giáo sư, Tiến sĩ làm Hiệu trưởng. Năm học đầu tiên trường có 4 lớp THCS với 75 học sinh và phải đi thuê mượn cơ sở vật chất, không có địa điểm ổn định. Sau 5 năm, số lượng học sinh đã tăng gấp 10 lần so với năm đầu, đó là kết quả của việc xây dựng mô hình học tập bán trú đáp ứng yêu cầu của xã hội và chủ trương tự lực vươn lên từ giải pháp thuê đất của dân lâu dài và huy động vốn để xây trường, từ sự ra đời và khẳng định phương châm giáo dục “Chăm lo đến từng học sinh giúp cho mỗi trò đều tiến bộ”.
II. Giai đoạn hai từ năm 1999 đến năm 2003: Củng cố và xác lập vị trí trong hệ thống các trường ngoài công lập .
Nguyễn Bỉnh Khiêm được coi là ngôi trường mơ ước của nhiều nhà trường khi trở thành trường dân lập đầu tiên có cơ sở vật chất riêng, ổn định trên đất thuê lâu dài của dân. Tuy nhiên không dừng lại ở đó, nắm bắt thời cơ từ Nghị định 73/1999/NĐ-CP của chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục thầy Nguyễn Văn Hòa xây dựng dự án xây trường mới và được Thành phố giao cho trường 7100m2 đất tại phố Trần Quốc Hoàn để xây dựng trường mới. Cùng với sự ra đời của quan điểm dạy học trước hết là dạy học sinh nên người, nhà trường đã từng bước giành được lòng tin của cha mẹ học sinh, quy mô của trường năm học 1999-2000 lần đầu tiên vượt ngưỡng 1000 học sinh (1246 học sinh).
III. Giai đoạn ba từ năm 2004 đến năm 2008: Xây dựng trường trên đất được thành phố cấp lâu dài, đổi mới mạnh mẽ để phát triển, phấn đấu đạt và giữ vững danh hiệu trường chuẩn quốc gia.
Năm 2005 trường mới được khánh thành giai đoạn một, thầy Nguyễn Văn Hòa giữ vai trò Hiệu trưởng, thầy Đàm Tiến Nam là phó Hiệu trưởng, nhà trường đã có nhiều chủ trương đổi mới mạnh mẽ để phát triển như: chú trọng bồi dưỡng xây dựng đội ngũ giáo viên, đặc biệt là đội ngũ giáo viên chủ nhiệm, khẳng định mục tiêu giáo dục của trường Nguyễn Bỉnh Khiêm trước hết là dạy học sinh làm người. Nhà trường bước vào giai đoạn phát triển mới, được công nhận là trường Phổ thông đạt chuẩn quốc gia (2006), thành lập trường Trung cấp kinh tế công nghệ Nguyễn Bỉnh Khiêm (2005), trường Tiểu học Quốc tế Tương lai- nay là trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (2007) tạo thành hệ thống các trường Nguyễn Bỉnh Khiêm. Đặc biệt thực hiện mô hình “Cung ứng dịch vụ giáo dục trình độ chất lượng cao” năm 2007 nhà trường thành lập Khối Song ngữ với những mục tiêu cụ thể, trong đó tập trung vào nâng cao năng lực Tiếng Anh và tăng cường các nội dung về kỹ năng sống, hoạt động ngoại khóa cho học sinh. Năm học 2006-2007 nhà trường tuyển 657 học sinh lớp 10 nâng số học sinh toàn trường lên là 2147.
IV. Giai đoạn bốn từ năm 2009 đến năm 2013: Chèo lái để vượt qua những khó khăn do suy thoái kinh tế, đổi mới mạnh mẽ để phát triển:
Đây là giai đoạn kinh tế trong nước và thế giới có nhiều khó khăn, khủng hoảng, tuy nhiên nhà trường đã có nhiều giải pháp để không những đứng vững mà còn phát triển lên một bước mới theo hướng hiện đại hóa, phát triển bền vững trong đó đặc biệt chú trọng tạo thêm điểm nhấn là sự khác biệt, là màu sắc đặc thù của trường Nguyễn Bỉnh Khiêm. Các giải pháp cơ bản được triển khai là: Tăng cường cơ sở vật chất theo hướng hiện đại hóa với việc lắp đặt những trang thiết bị hiện đại trong các phòng học, nâng trường từ 4 tầng lên 7 tầng, xây dựng khu giáo dục kỹ năng sống, lao động sản xuất tại xã Hương Sơn - huyện Bình Xuyên - tỉnh Vĩnh Phúc. Cùng với đó tiếp tục phát triển quy mô và các hình thức đào tạo theo hướng đa dạng hóa với các loại hình như: Song ngữ, Chất lượng cao, chuyên - chọn, đại trà, lớp cần quan tâm. Đặc biệt giai đoạn này nhà trường tập trung làm rõ những nét khác biệt nổi trội - đặt nền móng cho việc xây dựng thương hiệu nhà trường: xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, an toàn, chú trọng tạo hứng thú trong dạy học, coi trọng mục tiêu phát triển năng lực, dạy học sinh nên người, quan tâm giáo dục Tiếng Anh, giá trị sống, kỹ năng sống, đổi mới giáo dục thể chất, nghệ thuật. Những đổi mới đã đưa trường vượt qua thách thức khó khăn, vững chắc tiến lên, năm học 2008-2009 tuyển 758 học sinh lớp 10, trở thành năm có sĩ số học sinh THCS và THPT cao nhất, gần 2400 học sinh. Năm 2012 Hội đồng Quản trị trường được thành lập do thầy Nguyễn Văn Hòa là Chủ tịch và các ủy viên gồm cô Nguyễn Thu Hòa, thầy Nguyễn Đức Hiếu. Năm 2013 Sở GD và ĐT công nhận thầy Nguyễn Đức Hiếu là phó Hiệu trưởng. Đây cũng là giai đoạn nhà trường mở rộng hợp tác quốc tế với nhiều trường của các nước: Trung Quốc, Newzealand, Thái Lan, …
V. Giai đoạn năm từ năm 2013 đến năm 2018: Xây dựng trường đạt tiêu chí trường chất lượng cao, triển khai chiến lược phát triển trường Nguyễn Bỉnh Khiêm thành trường chất lượng cao tiêu biểu nhằm giữ vững niềm tin, nâng tầm thương hiệu:
Nghị quyết số 29 của Trung Ương Đảng khóa 11 tháng 11/2013 đã tiếp thêm niềm tin và sức mạnh để nhà trường thêm quyết tâm thực hiện mục tiêu giáo dục và các giá trị mà trường Nguyên Bỉnh Khiêm theo đuổi và đã đạt được, đó là giáo dục nhằm hình thành phẩm chất và phát triển năng lực người học, mục tiêu giáo dục là hướng tới dạy làm người, phát triển con người.
Năm 2015, sau một năm xây dựng đề án và chuẩn bị các tiêu chí, trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm được UBND Thành phố công nhận là trường THPT Chất lượng cao, không dừng lại ở đó nhà trường tiếp tục đặt ra các tiêu chí cao hơn và tự hoàn thiện để vươn lên tầm cao mới trở thành trường chất lượng cao tiêu biểu. Tháng 1-2016 nhà trường công bố chiến lược phát triển và kế hoạch 5 năm 2016-2020, tầm nhìn đến năm 2030, cùng với việc triển khai đề án dạy và học tiếng Anh nổi trội (năm 2016), Đề án củng cố và phát triển khối THCS trước đó (năm 2013) vận dụng sáng tạo việc đổi mới thiết kế chương trình giáo dục chú trọng ứng dụng tâm lý học vào hoạt động giáo dục, xây dựng phòng tâm lý học đường với 4 cán bộ có trình độ chuyên môn, thương hiệu trường Nguyễn Bỉnh Khiêm được khẳng định trong cha mẹ học sinh và toàn xã hội.
Năm 2016 thầy Nguyễn Văn Hòa thôi không đảm nhận vai trò Hiệu trưởng để tập trung vào công việc xây dựng đường lối chiến lược phát triển nhà trường trong vai trò Chủ tịch HĐQT, thầy phó Hiệu trưởng Đàm Tiến Nam được Sở giáo dục công nhận là Hiệu trưởng nhà trường .
Thực hiện tư tưởng “đi trước đón đầu” trong thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, nhà trường tiếp tục có nhiều đầu tư xây dựng cơ sở vật chất với việc xây dựng vườn trường 3 hecta (Hoài Đức năm 2013), xây dựng nhà thể chất, bể bơi, sân vận động, hoàn thiện các phòng hoạt động và khánh thành trung tâm Trải nghiệm sáng tạo (Vĩnh Yên 9/2016), xây dựng phòng tập Gym… Bước sang năm 2018 nhà trường tiếp tục xây dựng khu bếp ăn hiện đại khu vệ sinh chất lượng cao mang đến cho giáo viên và học sinh môi trường sinh hoạt thoải mái, tiện ích.
Giai đoạn từ năm 2016-2018 nhà trường thực hiện chương trình đổi mới học phí để tăng nguồn thu nhằm tiếp tục đầu tư xây dựng và nâng cao chất lượng dạy học, tuy nhiên công tác tuyển sinh vẫn gặp nhiều thuận lợi, số lượng học sinh toàn trường hàng năm duy trì ở mức 2.200 học sinh. Học sinh lớp 12 tham gia kỳ thi THPT Quốc Gia đạt tỷ lệ đỗ cao, môn Văn luôn nằm trong top 5 trường dẫn đầu Hà Nội. Nhà trường tiếp tục mở rộng hợp tác quốc tế với các trường thuộc các nước trong khu vực và các trường Quốc tế ở Việt Nam. Việc xây dựng và thực hiện quy ước văn hóa Nguyễn Bỉnh Khiêm cùng với triển khai phong trào vận động: “Thầy cô thay đổi”, “Chấp nhận sự khác biệt” để học sinh thay đổi, cha mẹ học sinh thay đổi tạo ra một sự phối hợp đồng bộ các hoạt động giáo dục giáo dục nhằm mang lại hạnh phúc cho học sinh đã góp phần làm tỏa sáng những giá trị tạo nên sự khác biệt của trường Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Năm 2018 khi bước sang tuổi 25, nhà trường đã nhận được sự tin tưởng, tín nhiệm của PHHS và xã hội, đáp lại niềm tin đó trong năm học 2017 - 2018 và 2018 - 2019 nhà trường đã xây dựng và tiếp tục nhấn mạnh chủ đề năm học là “Giữ trọn niềm tin- nâng tầm thương hiệu” nhằm mục tiêu đưa hệ thống các trường Nguyễn Bỉnh Khiêm phát triển ổn định, bền vững và bước lên một tầm cao mới, tiếp tục tạo những mốc son chói lọi trên con đường phát triển, hoàn thành sứ mệnh giáo dục để phát triển con người.
VI. Giai đoạn năm từ năm 2018 đến năm 2023: Củng cố và phát triển thương hiệu
Hai năm 2018 và 2019, kinh tế và xã hội ở Hà Nội vẫn ổn định. Khả năng tài chính chưa bị xáo trộn, các phụ huynh học sinh vẫn rất hứng thú đối với các trường ngoài công lập. Các phụ huynh tiếp tục tìm kiếm những trường tư thục có chất lượng giảng dạy tốt hơn và trang bị cho học sinh với kiến thức và kỹ năng cần thiết. Chương trình giáo dục mới ra đời (2018) làm thay đổi căn bản toàn diện về giáo dục, hướng đến việc phát triển phẩm chất và năng lực cho học sinh thay cho việc cung cấp kiến
thức như trước kia. Chương trình giáo dục mới cũng chú trọng đến việc giáo dục STEAM và phát triển chương trình nhà trường, nhờ vậy mà mỗi trường đều có cơ hội thể hiện sự khác biệt của mình. Trong giai đoạn này, công nghệ và học tập trực tuyến phát triển thêm một bước mới, thuận lợi cho việc tổ chức các hình thức học tập linh hoạt.
Dịch COVID-19 đã có tác động lớn và đa chiều đối với hệ thống giáo dục ngoài công lập trên khắp thế giới và Hệ thống Giáo dục Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng không ngoại lệ. Để ngăn chặn sự lây lan của virus, hầu hết các trường học đã phải tạm thời đóng cửa, làm gián đoạn quá trình học tập trực tiếp và các hoạt động học ngoại khóa. Để duy trì quá trình giảng dạy, nhiều trường học ngoài công lập đã chuyển sang hình thức học trực tuyến. Học trực tuyến yêu cầu phải sử dụng phương pháp và công cụ khác biệt so với học truyền thống, phải nâng cấp máy móc, trang bị và cũng đòi hỏi học sinh và giáo viên thích nghi với việc sử dụng công nghệ thông tin để tiếp tục quá trình học tập. Dịch Covid - 19 còn khiến cho các trường ngoài công lập trong đó có Hệ thống Giáo dục Nguyễn Bỉnh Khiêm đối mặt với nguy cơ năng lực tài chính bị sụt giảm vì giảm học phí, giảm nguồn thu.
Trong 5 năm phát triển theo chủ đề “giữ trọn niềm tin nâng tầm thương hiệu ở tầm cao mới”, phát triển chương trình “Thầy cô thay đổi vì một trường học hạnh phúc”, xây dựng trường học hạnh phúc ở tầm cao mới, trường Nguyễn Bỉnh Khiêm có bước “cất cánh” từ năm 2019 nhưng lại phải đối mặt với muôn vàn khó khăn sau đó. Dịch bệnh Covid - 19 kéo dài, lịch trình năm học 2019 - 2020, 2020 - 2021, 2021 - 2022 bị ngắt quãng. Suốt hơn 2 năm kể từ 2020 đến tháng 4 năm 2022, học sinh không
được đến trường. Năm học 2021 - 2022 hoạt động dạy học Online suốt 7/9 tháng. Cùng với dịch bệnh Covid - 19, trường Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng giống các trường ngoài công lập khác phải đối mặt với bão táp phản ứng học phí Online của một bộ phận cha mẹ học sinh (CMHS), suốt từ tháng 7 năm 2021 đến tháng 12 năm 2021. Trong vô vàn khó khăn của những năm dịch bệnh Covid - 19, Lãnh đạo và các thầy cô giáo, cán bộ nhân viên của hệ thống giáo dục Nguyễn Bỉnh Khiêm luôn giữ vững đoàn kết, thống nhất cùng nhau vượt qua bão táp. Lãnh đạo vững tay lái, thầy cô, cán bộ nhân viên đồng tâm, ra sức chèo chống, con thuyền giáo dục Nguyễn Bỉnh Khiêm vẫn lướt sóng tiến lên không ngừng nghỉ. Hết bão táp Covid - 19,
trời hửng sáng, ánh nắng chan hòa, cả nước bừng dậy, trường Nguyễn Bỉnh Khiêm đầy sức sống lại tiếp tục vươn lên mãnh liệt và đạt được nhiều thành tựu xứng tầm với 30 năm lịch sử Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Vượt lên mọi khó khăn, trường Nguyễn Bỉnh Khiêm luôn giữ vững các hoạt động giáo dục, bảo đảm chất lượng giáo dục trong mọi hoàn cảnh như đã cam kết với học sinh và cha mẹ học sinh trong những thời điểm cam go nhất, nhanh chóng thích ứng và chứng tỏ bản lĩnh trường Nguyễn Bỉnh Khiêm trong dạy học Online. Thương hiệu trường Chất lượng cao vẫn được giữ vững, chiếm trọn niềm tin của học sinh và cha mẹ học sinh cùng các cấp chính quyền. Trong hoàn cảnh dịch bệnh kéo dài, khối THCS phát triển trong 3 năm 2020 đến 2022 đạt 27 lớp, sĩ số 800 học sinh, THPT 3 năm 2020 đến 2022 đạt 61 lớp với 2075 học sinh. Đến Khi dịch bệnh được khống chế, từ tháng 5 năm 2022 trường đã lấy lại sức mạnh tuổi 30, trở lại hoạt động trên tầm cao mới. Tuyển sinh năm 2023 thành công, đưa qui mô lên mức 116 lớp 3646 học sinh. Thành công này chính là nguồn động lực lớn lao để nhà trường đẩy nhanh thực hiện dự án xây dựng trường Nguyễn Bỉnh Khiêm - Tây Hồ (triển khai từ năm 2020) mức đầu tư 1000 tỉ VNĐ, trong đó có hơn 100 thầy cô giáo trường Nguyễn Bỉnh Khiêm góp vốn cho dự án.
Thành tựu nổi bật:
* Vượt qua dịch bệnh Covid - 19 một cách an toàn, phát triển chương trình “thầy cô thay đổi vì một trường học hạnh phúc”, xây dựng trường học hạnh phúc ở tầm cao mới, có bước bứt phá “cất cánh” từ năm 2020.
* Giữ vững hoạt động giáo dục, bảo đảm chất lượng giáo dục, giữ vững đội ngũ, giữ vững nhà trường với thương hiệu trường học hạnh phúc.
* Từ tháng 5 năm 2022 trường đã lấy lại sức mạnh tuổi 30, trở lại hoạt động trên tầm cao mới.
* Tuyển sinh ba năm liền 2021, 2022, 2023 đạt hiệu quả cao dẫn đến năm 2022 -2023 sĩ số 3570 học sinh. Năm học 2023 - 2024 sĩ số đạt 3646 học sinh. Học sinh đến trường là hạnh phúc, mỗi trò đều tiến bộ, thầy cô thay đổi, cán bộ nhân viên thay đổi, thầy cô hạnh phúc, cha mẹ học sinh hài lòng.
* Từ tháng 12 năm 2020 triển khai dự án NBK - Tây Hồ, mức đầu tư 1000 tỉ. Tháng 6 năm 2023 Thành Ủy Hà Nội duyệt chủ trương điều chỉnh quy hoạch phân khu Nam Thăng Long - trong đó có dự án Nguyễn Bỉnh Khiêm - Tây Hồ. Ngày 8 tháng 9 năm 2023 Ủy Ban Nhân Dân thành phố Hà Nội ký quyết định phê duyệt quy hoạch 1/500 đã được Thành ủy duyệt chủ trương. Dự án Nguyễn Bỉnh Khiêm - Tây Hồ có cơ hội triển khai để hoàn thành dự án, mở ra bước phát triển mới, nâng tầm trường Nguyễn Bỉnh Khiêm hướng tới tương lai.
* Nhiều năm liền thi tốt nghiệp THPT đạt tỉ lệ đỗ 100%. Các năm 2022, 2023 thi tốt nghiệp lớp 12, môn Văn, môn Toán đạt điểm cao, đứng trong top 10 của Hà Nội. Tỉ lệ học sinh đạt điểm cao tốt nghiệp, điểm cao 3 môn xét tuyển Đại học, điểm 9 trở lên môn Toán, Môn văn, môn Tiếng Anh, điểm 10 môn Kinh tế và Pháp luật ở mức cao nhất trong 30 năm trường Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Copyright © 2018 Bản quyền thuộc về NGUYỄN BỈNH KHIÊM - CẦU GIẤY | Thiết kế và phát triển bởi P.A Việt Nam
Đang Online: 19 | Tổng lượt online : 23,014,348