• HỆ THỐNG GIÁO DỤC CHẤT LƯỢNG CAO

      NGUYỄN BỈNH KHIÊM - CẦU GIẤY

      Trường Tiểu Học Nguyễn Bỉnh Khiêm - Cầu Giấy

      Trường THCS&THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm - Cầu Giấy

    Báo chí

    [GIÁO DỤC VIỆT NAM] THẦY CÔ PHẢI THAY ĐỔI ĐỂ KHÔNG PHẢI THỢ DẠY ĐƠN THUẦN

  • Thứ tư, 14:36 Ngày 27/11/2019
  • Mục tiêu xây dựng trường học hạnh phúc đang là vấn đề cấp thiết đối với giáo dục hiện nay. Để xây dựng trường học hạnh phúc vai trò của người thầy rất quan trọng.

    Từ vị thế của người truyền đạt kiến thức thì người thầy trở thành người truyền cảm hứng cho học trò.

    Hoàn thành sứ mệnh của một người truyền cảm hứng khó khăn hơn nhiều so với vai trò của một giáo viên đơn thuần truyền đạt kiến thức.

    Trong khi các thầy cô chúng ta được đào tạo phương pháp dạy học còn chưa được đào tạo dạy học trò hạnh phúc. Đây là thách thức lớn đối với sứ mệnh của các thầy cô giáo hiện nay.

    Nói về điểm thách thức này, thầy Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch hội đồng quản trị hệ thống trường chất lượng cao Nguyễn Bỉnh Khiêm cho rằng, cho đến bây giờ, các trường sư phạm chưa thay đổi được phương pháp, mục tiêu đào tạo giáo viên.

    Người ta vẫn chỉ đào tạo những người thầy ra để dạy theo sách giáo khoa. Những người thầy ra trường để truyền đạt kiến thức. Các cô thầy ra trường chỉ để truyền đạt hết kiến thức được học trong nhà trường.

    Trong khi theo thầy Hòa, kiến thức đạt được của thầy cô trong nhà trường bao nhiêu thì trẻ con có thể tự học.

    Cho nên mới có câu nói, thầy cô giáo nếu chỉ là người giảng dạy thì dừng lại ở thầy cô giáo giỏi.

    Nhưng thầy cô giáo biết minh họa  là thầy cô giáo tuyệt vời.

    Còn thầy cô giáo vĩ đại là người biết truyền cảm hứng.

    “Nhà trường sư phạm phải đào tạo ra nhà giáo dục chứ không phải đào tạo ra giáo viên.

    Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã từng nói là đào tạo những người truyền cảm hứng cho học trò.

    Học trò tự thân vận động, tự các em mở mang, tìm hiểu kiến thức, kỷ năng sau này trưởng thành có ý chí lập thân, lập nghiệp, làm giàu cho Tổ quốc, làm hạnh phúc cho cuộc đời của các em.

    Do đó, các trường sư phạm phải thay đổi phương pháp” – thầy Nguyễn Văn Hòa nhấn mạnh.

    Thách thức đào tạo giáo viên để xây dựng trường học hạnh phúc là rất lớn, thầy Hòa phân tích: “Kể ra phải bắt đầu từ các trường sư phạm vì đây là nơi đào tạo giáo viên.

    Như giáo viên chúng ta hàng triệu người đã được đào tạo từ lâu giờ đào tạo lại thì rất khó.

    Chính vì vậy, quá trình thay đổi xây dựng trường học hạnh phúc là một quá trình lâu dài.

    Đó là quá trình tự thân các thầy cô giáo phải tự thay đổi, làm mới chính mình. Phải làm mới theo chiều hướng không chỉ dạy học sinh kiến thức mà quan tâm đến cảm xúc học sinh.

    Và thầy Hòa tin rằng, từ vai trò người truyền đạt kiến thức sang vai trò người truyền cảm hứng các thầy cô có thể học được, miễn là các cấp quản lý, các thầy hiệu trưởng bắt tay vào việc.

    “Chính các thầy hiệu trưởng, các nhà giáo dục là người đầu tiên phải truyền cảm hứng cho các con, truyền cảm hứng cho các thầy cô giáo để tự thay đổi bản thân để các thầy cô giáo hạnh phúc, thì trường mới hạnh phúc” – thầy Hòa nhấn mạnh.

    Ngoài việc người thầy phải thay đổi làm mới mình, theo thầy Hòa để xây dựng trường học hạnh phúc đó là quá trình lâu dài, khó khăn nhưng quyết tâm là làm được.

    “Trường tôi (trường Nguyễn Bỉnh Khiêm – PV) xây dựng trường học hạnh phúc từ đơn sơ, học sinh dưới chuẩn nhưng vì xây dựng trường học hạnh phúc, học sinh được vui vẻ mà kết quả học sinh trường tôi giỏi giang hơn, uy tín cao hơn.

    Tôi rất vui mừng chính vì xây dựng trường học hạnh phúc, trường tôi khang trang, hiện đại. Tôi nghĩ không phải chỉ có tiền mới làm được mà còn tấm lòng. Những cái ta có thể làm được ngay đó là bắt đầu sự thay đổi.

    Về cơ sở vật chất bắt đầu từ trường sạch sẽ, đẹp đẽ, thơm tho, cái đó học sinh được tham gia, các thầy cô giáo được tham gia và phụ huynh tham gia làm cho trường của mình sạch hơn, đẹp hơn và đáng sống hơn.

    Các thầy cô giáo thay đổi, tự mình thay đổi được, thầy cô giáo thay đổi, thì nhà trường thay đổi.

    Chúng ta có tiền vạn, tiền tỉ, có đầu tư cơ sở vật chất rất nhiều, tập huấn rất nhiều, nói rất nhiều nhưng thầy cô giáo không thay đổi thì không bao giờ có được trường học hạnh phúc”.

    Cuối cùng thầy Hòa nhấn mạnh: “Các thầy cô giáo phải tự thay đổi bản thân mình, dũng cảm thay đổi mình. Các thầy cô có hạnh phúc thì học trò mới hạnh phúc.

    Mong rằng, các thầy hiệu trưởng là người thay đổi đầu tiên, là người truyền cảm hứng cho thầy cô giáo của mình, truyền cảm hứng cho phụ huynh học sinh của mình.

    Các thầy hiệu trưởng sẽ làm đầu tàu để chuyển con tàu hạnh phúc đi đến chân trời xa”.

    Trinh Phúc

     

    Bài viết liên quan
    Tư vấn online 0987.266.630