• HỆ THỐNG GIÁO DỤC CHẤT LƯỢNG CAO

      NGUYỄN BỈNH KHIÊM - CẦU GIẤY

      Trường Tiểu Học Nguyễn Bỉnh Khiêm - Cầu Giấy

      Trường THCS&THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm - Cầu Giấy

    Báo chí

    [GIÁO DỤC VIỆT NAM] Tôi đã làm giáo viên chủ nhiệm 2 lớp cùng một lúc ​

  • Thứ tư, 09:33 Ngày 27/11/2019
  • (Link bài viết: https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/toi-da-lam-giao-vien-chu-nhiem-2-lop-cung-mot-luc-post204829.gd)

    Còn 3 tháng nữa là học sinh thi tốt nghiệp, sợ không đủ thời gian chăm sóc các em nên tôi quyết định dời ngày cưới của mình lại cho đến khi các em thi xong.

    “Suy nghĩ của tôi về một giáo viên chủ nhiệm tốt phải là một người rất gần gũi với học sinh, khi mình gần gũi thì các em sẽ cởi mở với mình về tất cả mọi vấn đề trong cuộc sống, phải vừa là bạn và cũng vừa là thầy.

    Tôi luôn dạy học trò về cách thể hiện tình cảm với người khác, nên ngược lại mình cũng không che dấu tình cảm dành với học trò, nhưng tuyệt đối không được phép thể hiện hay dành sự ưu ái đặc biệt đối với bất cứ một học trò nào.

    Có lần tôi đã bị vấp phải chuyện khó xử khi tỏ ra hơi thiên vị một em học sinh có tính cách đặc biệt ở trong lớp, mặc dù tôi đã làm công tác chủ nhiệm cả 10 năm rồi, sau sự việc đó thì bản thân tôi đã nhận ra mình có lỗi với học sinh và đó cũng là bài học cho tôi”, cô Bình nhớ lại.

    Cô Hoàng Thu Bình: Tôi quan niệm ở trên lớp là giáo viên phải nghiêm khắc, nhưng ngoài đời sống lại phải rất tình cảm, luôn cởi mở và quan tâm đến học sinh.

    Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Hoàng Thu Bình - giáo viên dạy môn ngữ Văn trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hà Nội, chia sẻ:

    “ Tôi nhớ có năm trong lớp tôi làm chủ nhiệm có một em học sinh với tính cách đặc biệt, từ lòng thương yêu em đó bị thiệt thòi, không giữ được cảm xúc nên tôi đã quá bênh vực em trước lớp, trong khi chính em đó cũng mắc lỗi.

    Em đó tên là N.T. em này thỉnh thoảng lại hét to trong lúc cả lớp đang học, đôi khi trong giờ ngủ trưa cũng vậy nên đã gây ảnh hưởng đến nhiều bạn khác.

    Đa số học sinh trong lớp đều có phản ứng và tôi có bênh N.T. ở trước lớp rằng: Các con không nên làm như vậy với bạn N.T. vì bạn hơi đặc biệt, bạn không giữ được bình tĩnh.

    Sau lần đó học sinh N.T. lại bị các bạn trêu chọc trong phòng Tin học nên tôi quyết định nhắc nhở 4 bạn đã trêu N.T. ở trước lớp.

    Bình thường thì tôi hay gặp riêng các em để trao đổi, nhưng lần này tôi cũng muốn làm thí điểm việc nhắc nhở trước lớp với mong muốn tất cả các bạn ở trong lớp không trêu chọc N.T. nữa. Hôm đó trong lúc nhắc nhở tôi có bênh em N.T. hơi quá

    Vì rất nghe lời giáo viên chủ nhiệm nên các em không có phản ứng ngay trước lớp, nhưng đến giờ ra chơi thì có một học sinh trong lớp nói với tôi rằng thực ra trong sự việc này thì bạn N.T. cũng sai.

    Sau khi nghe học sinh nói vậy, tôi có gặp và hỏi em N.T, tôi nghe và phân tích rồi sau đó học sinh N.T, cũng đã nhận ra cái sai của mình.

    Từ sau đó trở đi thì cách xử lý của tôi ở trước lớp cũng cẩn thận hơn, tôi thường suy xét, hỏi và trao đổi kỹ với các em rồi sau đó mới đưa ra quyết định”.

    Được phân công làm chủ nhiệm khi vừa ra trường

    “ Tôi thường quan niệm ở trên lớp là giáo viên phải nghiêm khắc, nhưng ngoài đời sống lại phải rất tình cảm, luôn cởi mở và quan tâm đến học sinh.

    Khi vừa ra trường thì năm đi dạy đầu tiên tôi đã được phân công làm công tác chủ nhiệm, lúc đó tôi đem tất cả nhiệt huyết, tính cách và đam mê tuổi trẻ của mình để dạy học sinh.

    Tôi cố gắng để làm sao giữa mình với học sinh không có khoảng cách, chính vì vậy tôi bị nhầm lẫn giữa công việc, đúng ra là làm bạn nhưng vẫn phải làm thầy, nhưng tôi vui vẻ và gần gũi quá nên công tác chủ nhiệm năm đầu tiên của tôi bị vấp.

    Vấp ở đây là thừa nhiệt huyết nhưng thiếu kinh nghiệm, học sinh rất yêu quý tôi nhưng các em lại không vào nếp, có nhiều em nghịch ngợm, khó bảo nhưng tôi xử lý chưa chắc tay, có những trường hợp cần phải nghiêm một chút thì tôi lại không làm, dẫn đến việc các em cứ lặp đi lặp lại những sự việc đó.

    Tự thấy mình chưa đủ kinh nghiệm nên tôi đã chủ động xin nghỉ công tác chủ nhiệm khi hết học kỳ 1, thầy Hòa Hiệu trưởng cũng đồng ý và để tôi có thời gian củng cố kinh nghiệm.

    Được sự động viên, dìu dắt của thầy Hòa cũng như ban giám hiệu đã giúp tôi nhận ra mọi việc, đó cũng là bài học đầu đời giáo viên mà tôi không bao giờ quên, nó khiến tôi thấy mình cần phải cố gắng hơn nữa”, cô Bình cho biết.

    Tôi cố gắng để làm sao giữa mình với học sinh không có khoảng cách.

    Thay đổi chính mình vì học sinh.

    “Lần thứ 2 tôi tiếp tục làm chủ nhiệm lớp sau 1 năm tạm nghỉ, lúc này trong tôi vẫn tràn đầy nhiệt huyết và lòng yêu nghề, nhưng bản thân tôi cũng hơi lo và run vì bản thân còn quá trẻ nên khi giao tiếp với phụ huynh, liệu phụ huynh có tin tưởng vào một giáo viên chủ nhiệm mới vừa ra trường, không hề có kinh nghiệm.

    Trong buổi họp phụ huynh đầu tiên, tôi tự tin trao đổi với các bác phụ huynh rằng các em đang được dẫn dắt bởi một giáo viên chủ nhiệm nhưng đồng thời cũng là một người bạn của các em.

    Các bác hãy tin tưởng khi các em được một người thầy rất tự tin về mặt kiến thức, có nhân cách, lòng yêu nghề dẫn dắt.

    Để chinh phục được lòng tin của phụ huynh thì chỉ có một con đường là chinh phục học sinh trước đã. Nhớ lại năm đầu tiên tôi quá say mê và lòng sau mê đó vẫn còn trong tôi nhưng giờ đây tôi đã có thêm kinh nghiệm.

    Thời gian đầu tôi quan niệm mình học được bao nhiêu thì đem ra truyền thụ lại hết cho các em, đáng lẽ ra với cách dạy mới phải là sự tương tác 2 chiều.

    Tôi cứ say sưa truyền thụ lại kiến thức một cách hồn nhiên, học sinh cũng say sưa nghe giảng nhưng kết quả là các em lại không hề nhớ những bài mà tôi vừa giảng.

    Việc này tôi chỉ phát hiện ra được trong kỳ thi khi điểm số của các em không khả quan, nhưng điều quan trọng thứ 2 là học sinh của mình lúc đầu như thế nào thì sau một thời gian vẫn không hề thay đổi.

    Vấn đề này là do học sinh chưa được thoải mái thể hiện quan điểm, chưa được tương tác với giáo viên trong giờ học, học sinh cứ nghe kiến thức một chiều, tôi cứ giảng và học sinh không được phản biện. Đó là sai lầm của tôi, tất cả là do tôi thiếu kinh nghiệm thực tế.

    Trong buổi họp phụ huynh đầu tiên, tôi tự tin trao đổi với các bác phụ huynh rằng các em đang được dẫn dắt bởi một giáo viên chủ nhiệm nhưng đồng thời cũng là một người bạn của các em.

    Tôi nhận ra mình phải thay đổi, phát cho mỗi học sinh một phiếu thăm dò ý kiến về các em muốn một tiết học Văn như thế nào, các em mong muốn điều gì ở một cô giáo dạy Văn?

    Các em viết rằng con muốn một tiết học sôi nổi, con thích được thể hiện quan điểm cá nhân, con thích có sự tương tác giữa giáo viên với học trò trong tiết học và có thể là khi ở nhà thông qua mạng xã hội.

    Con muốn những tiết học văn cần phải nhiều hơn, con muốn được thuyết trình, con muốn được xem những Clip, con muốn được bổ sung về phim ảnh…thực sự là một giờ học rất phong phú, có như vậy học sinh sẽ rất nhớ kiến thức và ham học.

    Tôi đã nhận ra sớm rằng kiến thức thì các em có thể tham khảo bằng nhiều cách, nhưng quan trọng nhất ở giáo viên chủ nhiệm là khơi gợi được nguồn cảm hứng ở các em.

    Trong những tiết học sau tôi giao bài cho học sinh và đặt những câu hỏi gợi mở, có nhiều tiết học tôi chấp nhận “cháy” giáo án trước những phản biện của học trò.

    Tôi chấp nhận những quan điểm trái chiều của học sinh, tôi nghĩ rằng 35 học sinh ngồi trong lớp chắc chắn là 35 kiến thức tổng hợp, thậm chí là tốt hơn cả cô giáo.

    Dù phản biện đúng hay chưa đúng thì bao giờ tôi cũng tôn trọng ý kiến của học sinh, tôi để chính các em nhận xét về những ý kiến của các bạn, tôi là người sau cùng hệ thống lại và đưa ra ý kiến chốt.

    Sau một thời gian thay đổi thì tôi nhận thấy các em học sinh có tiến bộ, các em đều rất mạnh dạn diễn đạt, nhớ kiến thức rất sâu, không còn ngại học môn Văn, đó cũng là điều tôi rất mừng.

    Có một khóa học sinh tôi nhớ nhất vì lúc đó tôi đang dạy 3 lớp 12 và làm công tác chủ nhiệm của 2 lớp cùng một lúc, nghĩ các em chỉ còn 3 tháng nữa là thi tốt nghiệp kết thúc 12 năm phổ thông, trong khi ngày cưới của tôi đã định trước.

    Nhưng nếu tôi cưới đúng ngày đã định thì 3 tháng còn lại của các em tôi sợ mình không chăm sóc được, điều đó sẽ ảnh hưởng đến kết quả 12 năm đèn sách, trong khi mình đã dẫn dắt các em bao năm rồi. Tôi quyết định dời ngày cưới lại cho đến khi các em thi xong tốt nghiệp.

    Thời điểm đó tôi yêu cầu một số học sinh học yếu phải ở lại lớp đến 19h 30 để tôi kèm cặp thêm, theo quy định thì nhà trường cắt toàn bộ điện lúc 18h, tôi và các em học bằng đèn Led của điện thoại. Kết quả là năm đó các em thi tốt nghiệp đều đạt điểm tốt.

    Năm đó các em thi xong tốt nghiệp trung học phổ thông vào tháng 6 thì lễ cưới của tôi được tổ chức sau đó 1 tuần lễ”, cô Bình chia sẻ.

    Tùng Dương

     

    Bài viết liên quan
    Tư vấn online 0987.266.630