• HỆ THỐNG GIÁO DỤC CHẤT LƯỢNG CAO

      NGUYỄN BỈNH KHIÊM - CẦU GIẤY

      Trường Tiểu Học Nguyễn Bỉnh Khiêm - Cầu Giấy

      Trường THCS&THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm - Cầu Giấy

    Báo chí

    [VNexpress] 'Xử lý hậu quả bạo lực học đường chỉ giải quyết phần ngọn'

  • Thứ bảy, 16:00 Ngày 12/12/2020
  • Các chuyên gia tâm lý cho rằng nếu cứ để bạo lực học đường xảy ra rồi đi giải quyết hậu quả thì không bao giờ giảm thiểu được vấn nạn này.

    Hơn 30 năm làm giáo dục và nghiên cứu về tâm lý, TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng giáo dục, đồng sáng lập trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), cho rằng trẻ tiểu học hiếu động, học sinh THCS muốn định hình phong cách, các em THPT lại khao khát khẳng định mình, vì thế việc chấm dứt hoàn toàn xô xát trong trường học là không thể. Tuy nhiên, các trường phải ngăn xô xát đó trở thành bạo lực học đường thông qua "ba chữ ".

    Thứ nhất là tâm lý. Theo thầy Lâm, ban giám hiệu và giáo viên phải quan tâm và nắm được tâm lý lứa tuổi học sinh. "Ngoài làm chuyên môn, thầy cô cần trở thành nhà tâm lý để tổ chức những hoạt động giáo dục giá trị sống, kỹ năng mềm, giúp học sinh thích ứng với sự biến động của xã hội và thay đổi của chính các em", thầy nói.

    Tại trường THPT Đinh Tiên Hoàng, khi học sinh đánh nhau, các em được yêu cầu viết một bài suy ngẫm gồm một số câu hỏi: Tại sao lại để việc này xảy ra? Đánh nhau có hậu quả gì cho bản thân em, bạn bè, thầy cô, nhà trường và gia đình? Thầy Lâm cho rằng trước khi xử phạt, giáo viên cần cho học sinh nhận thức vừa làm gì và việc đó có tác động thế nào đến mọi người và chính em. Khi quan tâm và nắm được tâm lý học sinh, giáo viên và nhà trường cũng sẽ biết được hoàn cảnh của các em để kịp thời giúp đỡ.

     

    TS Nguyễn Tùng Lâm chỉ ra biện pháp ba chữ lý để ngăn bạo lực học đường. Ảnh: Thanh Hằng.

    TS Nguyễn Tùng Lâm chỉ ra biện pháp ba chữ "lý" để ngăn bạo lực học đường.

    Ảnh: Thanh Hằng.

    Biện pháp thứ hai là quản lý. Để giáo viên thực hiện nhiệm vụ giáo dục tâm lý của mình, ban giám hiệu cần làm tốt công tác quản lý, tạo điều kiện và phân công các bộ phận để cùng hỗ trợ thầy cô. Thầy Lâm lấy ví dụ một thầy giám thị trường Đinh Tiên Hoàng làm công tác giám sát, đảm bảo học sinh làm đúng yêu cầu nề nếp. Lực lượng bảo vệ cũng cần quản lý việc ra, vào trường nghiêm ngặt, không để học sinh gọi người từ ngoài vào đánh bạn. Nếu lớp có chuyện cần giải quyết, giáo viên chủ nhiệm được phép xin giờ của môn khác để xử lý.

    Ngoài ra, thầy Lâm khuyến khích các lớp sử dụng tiết sinh hoạt để tổ chức hoạt động tương tác, trò chuyện thay vì để trách mắng học sinh vi phạm nội quy, làm lớp bị trừ điểm thi đua. Thầy cho rằng việc tổ chức cho các em nhiều hoạt động vui chơi, giải tỏa năng lượng cũng là cách tích cực để ngăn bạo lực học đường.

    Thứ ba là pháp lý. Để ngăn chặn bạo lực học đường, thầy Lâm khẳng định các trường phải xây dựng nội quy chặt chẽ, phù hợp. Khi học sinh vi phạm, trường chiếu theo nội quy để xử lý, tránh để các em cảm thấy không phục hoặc vô lý. Các hình phạt giúp học sinh nhận thức hậu quả và học cách chịu trách nhiệm cho việc làm của mình.

    Tuy nhiên, thầy giáo khẳng định việc này phải làm khéo, mỗi học sinh cần có cách giáo dục khác nhau. "Để cân bằng giữa lý và tình là cả nghệ thuật sư phạm. Việc này khó nhưng cần có một hành lang pháp lý để xử phạt", thầy nói.

    Thạc sĩ Bùi Thị Nga, Trưởng phòng Tâm lý học đường, Hệ thống giáo dục Nguyễn Bỉnh Khiêm - Cầu Giấy (Hà Nội), cho rằng vấn đề bạo lực học đường phải được xử lý từ gốc rễ chứ không phải đến khi xảy ra mới tìm cách giải quyết hậu quả.

    Nhiều năm làm tâm lý học đường, cô Nga nhận thấy học sinh có hành vi bạo lực và những em bị bạo lực đều cần được trợ giúp. Những trẻ có xu hướng bạo lực có thể do không được quan tâm, ghi nhận điểm mạnh, bị chê bai dẫn đến thái độ ghen ghét bạn bè, không tự giải quyết mâu thuẫn rồi lựa chọn sử dụng bạo lực với người khác. Đôi khi, một số em lại nghĩ hành vi bạo lực thể hiện sức mạnh.

    Cũng có trường hợp các em trước đây không có hành vi bạo lực. Tuy nhiên gần đây, do không được bố mẹ để ý, thầy cô lại chỉ quan tâm điểm số, các em gây hấn với bạn hoặc người khác để lôi kéo sự quan tâm của bố mẹ, thầy cô. Khi các con có các vấn đề về bạo lực, họ lại coi là hành vi chống đối nên gây áp lực, trừng phạt mà không cần tìm hiểu nguyên nhân hay mong muốn thực sự của trẻ.

    Một số trẻ sống trong môi trường từng bị bạo lực gia đình hoặc chứng kiến hành vi bạo lực ở môi trường xung quanh, có thể học tập những hành vi này và không nhận thức được nó không phù hợp. Vì vậy, các em sử dụng bạo lực như là cách để giải quyết những mâu thuẫn và đạt được mong muốn của mình.

     

    Cô Bùi Thị Nga chia sẻ giải pháp để giải quyết bạo lực học đường từ gốc rễ. Ảnh: Dương Tâm.Cô Bùi Thị Nga chia sẻ giải pháp để giải quyết bạo lực học đường từ gốc rễ. Ảnh: Dương Tâm.

    Với những bạn bị bạo lực, có một số không biết cách tìm kiếm trợ giúp từ thầy cô, bố mẹ hay bạn bè nên lựa chọn "im lặng" và "bỏ qua". Điều đó vô tình tiếp tay cho hành vi bạo lực gia tăng. Vì vậy, các em cần được trang bị kiến thức, kỹ năng trong giao tiếp, ứng xử phù hợp, biết cách tìm kiếm giải pháp để giải quyết mâu thuẫn và khi gặp phải tình huống bạo lực có thể chủ động tìm kiếm sự trợ giúp từ những người xung quanh.

    "Hiện một số trường mới tập trung các môn văn hóa mà quên mất cần được chú trọng giáo dục nhân cách cho trẻ. Trẻ cần được giáo dục về giá trị sống, kỹ năng sống tích cực như yêu thương, tôn trọng và chấp nhận sự khác biệt, kỹ năng lắng nghe, giao tiếp, tìm kiếm giải pháp khi gặp mâu thuẫn", cô Nga nói, cho rằng đây là bước đi đầu tiên làm giảm hành vi bạo lực.

    Cũng theo cô Nga, để hỗ trợ được tốt nhất cho học sinh, các bên liên quan phải cùng vào cuộc, phối hợp chặt chẽ với nhau, gồm lãnh đạo nhà trường, gia đình, thầy cô giáo và chuyên viên tâm lý học đường.

    Về phía nhà trường, cô Nga nhấn mạnh việc tạo ra môi trường an toàn, được yêu thương, được tôn trọng, được hiểu và cảm thông. Môi trường đó phải được đẩy mạnh giáo dục những giá trị sống, kỹ năng tích cực giúp các em có đủ hiểu biết và kỹ năng để lựa chọn cách giải quyết phù hợp cho vấn đề mình gặp phải.

    Nhà trường cũng cần đẩy mạnh tập huấn chuyên đề về tâm lý - giáo dục dành cho các thầy cô giáo và cán bộ công nhân viên, giúp cho mỗi thầy cô trở thành nhà tâm lý giáo dục để hướng dẫn, trợ giúp cho học sinh khi các em gặp khó khăn.

    Chẳng hạn ở trường Nguyễn Bỉnh Khiêm, các thầy cô giáo được thường xuyên tham gia các buổi tập huấn về đặc điểm tâm lý lứa tuổi của trẻ để hiểu tâm lý từng độ tuổi, từ đó biết cách quan tâm, khích lệ các em, có phương pháp giáo dục phù hợp phòng ngừa nguy cơ bạo lực.

    Với phụ huynh, cô Nga cho rằng cần phối hợp chặt chẽ với nhà trường, tham gia hội thảo dành cho phụ huynh để hiểu hơn về đặc điểm tâm lý của con ở mỗi giai đoạn, quan tâm và đồng hành cùng con. Thông qua đó, cha mẹ cũng được biết con học gì ở trường, giáo dục con các cần kỹ năng nào là cần thiết để nhận diện hành vi bạo lực, hậu quả của những hành vi đó và điều chỉnh cho phù hợp.

    "Làm tốt những việc trên, bạo lực học đường sẽ giảm. Tuy nhiên, việc học sinh có những xích mích, hành vi bạo lực trong trường học vẫn có thể xảy ra", cô Nga nói. Khi có tình huống đó, tổ hỗ trợ học sinh nên được thành lập, gồm các thầy cô giáo dục đạo đức học sinh, thầy cô chủ nhiệm, bộ môn và chuyên viên tâm lý học đường. Các bên phải cùng tìm hiểu về đặc điểm tâm lý của học sinh, nguyên nhân ẩn sau những hành vi bạo lực, mong muốn thực sự của các em và tìm ra những biện pháp giáo phù hợp.

    Dương Tâm - Thanh Hằng

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

    Bài viết liên quan
    Tư vấn online 0987.266.630