• HỆ THỐNG GIÁO DỤC CHẤT LƯỢNG CAO

      NGUYỄN BỈNH KHIÊM - CẦU GIẤY

      Trường Tiểu Học Nguyễn Bỉnh Khiêm - Cầu Giấy

      Trường THCS&THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm - Cầu Giấy

    Tin tức & sự kiện

    [BÁO GIÁO DỤC&THỜI ĐẠI] “Phép màu” nào trong ứng xử của thầy với trò (Phỏng vấn Thầy CT HĐQT Nguyễn Văn Hòa)

  • Thứ bảy, 10:59 Ngày 02/03/2019
  • Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại

    “Phép màu” nào trong ứng xử của thầy với trò

    TS Nguyễn Văn Hòa (ngoài cùng bên phải) chia sẻ quan điểm giáo dục với lãnh đạo một trường học Hàn Quốc

    TS Nguyễn Văn Hòa (ngoài cùng bên phải) chia sẻ quan điểm giáo dục với lãnh đạo một trường học Hàn Quốc

    GD&TĐ - Một mùa xuân mới lại đến, giáo dục trong phạm vi nhà trường đang chờ đón nhiều điều tốt đẹp. Nhưng đâu đó, vẫn còn không ít băn khoăn về ứng xử tình huống sư phạm của thầy cô giáo. Chia sẻ một góc nhìn từ trường tư, TS Nguyễn Văn Hòa (Chủ tịch HĐQT hệ thống giáo dục Nguyễn Bỉnh Khiêm - Hà Nội) cho rằng: Không có “phép màu” nào để tránh được những lỗi lớn trong tình huống sư phạm, nếu thầy cô không tự rèn luyện mình.

    Ứng xử bằng cái tình của người thầy

    * Ở trường tư, dường như tâm lý ứng xử của thầy cô trước những hiện tượng cá biệt trong học sinh khác với trường công?

    - Chính vì trường tư có sự thỏa thuận giữa phụ huynh và nhà trường trong nhiều vấn đề. Nhà trường trở thành nơi cung cấp dịch vụ GD, dịch vụ GD càng chất lượng thì đòi hỏi của phụ huynh và HS đối với nhà trường, đối với thầy cô giáo càng cao.

    Ở trường tư có nhiều vấn đề đặt ra hàng ngày. Một vấn đề nổi cộm, bắt nguồn từ giao tiếp ứng xử là văn hóa trong nhà trường. Chuyện xảy ra thường xuyên, là có những HS “quậy phá”, không chịu học hành, mâu thuẫn, xung đột trong lớp, đánh nhau, cãi nhau, cãi lại thầy cô, thậm chí “chửi” GV. GV bị HS xúc phạm, “kiện” lên thầy hiệu trưởng, đòi trả lại “danh dự nhà giáo”, cao trào có GV xin nghỉ việc vì quá bức xúc trước ứng xử của HS.

    Rồi chuyện HS nhỏ bị ngã, bị sứt đầu, mẻ trán khi chơi đùa với bạn, chòng ghẹo nhau… cha mẹ hùng hổ kéo cả nhà đến trường đòi “công bằng”. Hay đến chuyện cô giáo trẻ không làm chủ được cảm xúc, quát nạt, mắng mỏ HS, khi trò quá nghịch ngợm, phá phách trong giờ học, thành ra chuyện “bạo lực” học đường… Rồi chính thầy hiệu trưởng bị cha mẹ HS “kiện”, vì trường không bảo đảm được an toàn cho con cái họ khi ở trường.

    Nhiều lúc hiệu trưởng trở thành “quan tòa”, hay cũng là “tội đồ” trước những kỳ vọng về con em mà phụ huynh đặt ra. Nhưng “xử kiện” chuyện trẻ con rất khó. Có những tình huống sư phạm làm gì có đủ lý lẽ để bào chữa, khi cái lý không nằm trong quy định nào, chỉ nằm trong “kỳ vọng” của những người làm cha mẹ. Khi giao tiếp, ứng xử với HS, GV, phụ huynh, cái lý mà người hiệu trưởng phải dùng chính là cái tình của người làm thầy.

    * Trong thực tế hoạt động giáo dục ở nhà trường, có những GV bất lực với HS chưa chăm ngoan và hành động sai lầm khi xử lý tình huống sư phạm. Từ góc nhìn quản lý cơ sở giáo dục, thầy nghĩ gì về thực tế này?

    Học sinh THCS luyện trống đón xuân 

    - Đã làm người thầy đứng trên bục giảng, GV phải biết cách chuyển hóa cảm xúc của bản thân. GV cần hiểu rằng đối tượng GD ở nhà trường phổ thông là trẻ con. Trẻ con thì lúc thế này, lúc thế khác, trẻ này khác với trẻ kia, GV phải chấp nhận sự khác biệt của HS. GV không thể nóng vội trong GD trẻ con, phải kiên trì, yêu thương, phải biết chuyển những cảm xúc nặng nề thành nhẹ nhàng hơn, để tâm lý của chính bản thân GV thoải mái hơn trong công việc dạy học, trong giao tiếp ứng xử với HS. GV cảm thấy nhẹ nhàng, hạnh phúc khi dạy học thì HS mới được hưởng sự nhẹ nhàng trong giao tiếp, ứng xử của GV.

    Khi GV trong một lúc nào đó không còn là chính họ nữa, hiệu trưởng không phải người chỉ giơ tay quyết định xử phạt GV này, kỷ luật HS kia vì những lỗi phạm phải. Hiệu trưởng đúng nghĩa phải là người gỡ rối những phức tạp, làm sao cho mỗi học trò đều thay đổi, tiến bộ. Giúp GV có thêm hiểu biết về tâm lý giáo dục (TLGD), biết ứng xử cho phải lẽ, chủ động rèn luyện khả năng chuyển hóa cảm xúc, phải công bằng ngay trong lớp, trong giảng dạy và phải luôn tự mình thay đổi, để ngày càng tốt đẹp hơn trong mắt học trò. Từ hiệu trưởng đến GV trong trường tư phải khiến cho mỗi học trò đều cảm nhận được hạnh phúc khi đến trường, mỗi bậc phụ huynh đều cảm thấy hài lòng về nhà trường, tin tưởng thực sự ở các thầy cô giáo.

    Thầy cô tâm lý… học trò được nhờ

    Hoạt động ngoài trời giúp trẻ giải tỏa căng thẳng

    * Có những GV sai phạm với HS về ứng xử rồi mới ngộ ra và xin lỗi… Theo thầy có “phép màu” nào để GV không phạm phải lỗi lớn trong tình huống sư phạm?

    - Không có phép màu nào. Điều tôi học hỏi được về TLGD là cần phải biết quản lý cảm xúc của chính mình và quản lý cảm xúc đó như thế nào. Với GV, đó là phương pháp truyền cảm hứng, là phương pháp dạy học, quản lý lớp học trên cơ sở của TLGD.

    Bản thân tôi cũng phải học cách quản lý cảm xúc để thay đổi chính mình, từ đó mới có thể quản lý nhà trường hiệu quả hơn. Các thầy cô giáo ở trường tôi cũng như vậy, thầy cô phải thay đổi để đáp ứng đòi hỏi của TLGD. Nhà trường xác định thay đổi diện mạo GD thông qua việc xây dựng được văn hóa giao tiếp ứng xử, văn hóa nhà trường, có như vậy mới giữ trọn được niềm tin với cha mẹ HS và xã hội.

    Để thật sự có uy tín nhà trường phải thường xuyên bồi dưỡng GV, giúp GV nắm bắt tâm lý của học trò, thay vì chỉ nghiêm khắc hay dùng các biện pháp xử phạt HS nặng tay. GV ngoài việc phải nỗ lực thay đổi bản thân, được bồi dưỡng và tự bồi dưỡng những kỹ năng tâm lý trong ứng xử tình huống học đường, GV cùng hiệu trưởng phải giúp cha mẹ HS hiểu được tâm lý của con trẻ, để phụ huynh cũng là GV, nhà tâm lý của chính con mình ở nhà, từ đó cùng chia sẻ, đồng hành với GV, nhà trường trong việc dạy HS nên người. GD một HS, dạy dỗ nên người một HS không chỉ là trách nhiệm của một phía, đó là trách nhiệm chung của phụ huynh, thầy cô và mỗi nhà trường.

    * Tâm lý học trò ngày nay có những biến đổi như thế nào so với trước kia, thưa thầy?

    - Do sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế, xã hội, ngày nay tâm lý lứa tuổi có những đặc điểm khác hẳn thời kỳ cách đây 50 năm. Chỉ cần sau 20 năm sự biến đổi như vũ bão của nền kinh tế tạo ra những sự biến đổi xã hội to lớn, cũng tạo ra những biến đổi không nhỏ trong tâm lý con người, nhất là tâm lý tuổi học đường.

    Các hoạt động GD trong nhà trường, nền GD của đất nước nếu không được xây dựng trên cơ sở những đặc điểm tâm lý lứa tuổi, không lường trước và tính đến những biến đổi tâm lý, xu hướng phát triển trong thời kỳ mới thì không thể đạt được kết quả cao. Điều này đặt ra nhiệm vụ đầu tiên, quan trọng của TLGD trong nhà trường là phải nâng cao nhận thức của các thầy cô giáo, cán bộ quản lý và cha mẹ HS về tâm lý lứa tuổi. Vận dụng sáng tạo những đặc điểm và quy luật tâm lý vào các hoạt động GD. Theo tôi, đây phải là nhiệm vụ thường xuyên của mỗi nhà trường.

    * Để phát triển, các trường cũng phải cạnh tranh, giữ uy tín một cách sòng phẳng trong đánh giá của chính phụ huynh và xã hội. Theo thầy, văn hóa nhà trường và tâm lý giáo dục nếu đi đúng hướng sẽ giúp ích gì cho nhà trường trong xu thế GD hiện nay?

    - Ở góc độ trường tư, tôi và ban giám hiệu đã nhận thức sâu sắc nếu không có sự khác biệt trong văn hóa nhà trường, không có khác biệt trong phương pháp GD, không đạt được những kết quả GD nổi trội thì khó lòng tồn tại và càng không thể nói đến phát triển bền vững. Muốn đổi mới và có sự khác biệt để phụ huynh và xã hội đánh giá cao, nhà trường trước hết phải nắm vững nhu cầu xã hội hiện đại về GD, nắm vững nghiệp vụ sư phạm, tức là phải có hiểu biết đầy đủ về khoa học TLGD và biết vận dụng sáng tạo khoa học TLGD trong mọi hoạt động của nhà trường.

    Không chỉ các nhà quản lý GD, ngay chính các thầy cô giáo, cán bộ nhân viên trong nhà trường, những người trực tiếp hàng ngày, hàng tuần tiếp xúc, dạy học, tác động tâm lý đến HS, cần phải có sự hiểu biết sâu sắc về các quan điểm, nội dung và phương pháp GD hiện đại, biết vận dụng khoa học TLGD vào việc dạy học và GD HS, tâm lý, chừng mực cử chỉ với HS ngay cả trong giao tiếp đơn giản nhất.

    Cũng cần xác định chính cha mẹ HS là những người làm công tác GD ở gia đình. Cha mẹ HS có hiểu biết về TLGD thì mới có sự đồng cảm, phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả trong GD HS. Nhà trường và GV nên thường xuyên gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, xây dựng chuyên đề tâm lý lứa tuổi cho cha mẹ HS được tham gia chia sẻ. Đặc biệt là cần có sự gần gũi trong phối hợp GD giữa nhà trường và gia đình, giữa giáo viên chủ nhiệm với cha mẹ HS.

    Ở trường tôi, mỗi học kỳ, ở mỗi lớp và từng khối HS, thường xuyên tổ chức điều tra tâm lý, làm phiếu trao đổi với HS và cha mẹ HS, với GV về những vấn đề TLGD. Tạo cơ hội thực tế cho HS chia sẻ những mong muốn, niềm tin, sự hài lòng và chưa hài lòng về các vấn đề GD của GV và nhà trường, hay về các vấn đề liên quan đến bán trú, hoạt động bổ trợ GD. Thậm chí, chúng tôi đã thực hiện việc cho HS bộc lộ suy nghĩ, đánh giá về hiệu quả GD từng môn học, từng hoạt động của nhà trường, cảm nghĩ về từng GV…

    Những “phiếu hỏi” được phát ra giúp HS giải tỏa bức xúc chưa bày tỏ được với GV, với cán bộ của nhà trường, giúp nhà trường hiểu rõ tâm tư của HS và cha mẹ HS hơn. Từ chính tiếng nói của HS để thiết kế các hoạt động GD phù hợp, bố trí GV phù hợp, giúp cho các hoạt động và phương pháp GD hợp lý hơn, khoa học hơn, hiệu quả hơn.

    Xin cảm ơn thầy!

    Bắc Sơn (Thực hiện)

    Bài viết liên quan
    Tư vấn online 0987.266.630