• HỆ THỐNG GIÁO DỤC CHẤT LƯỢNG CAO

      NGUYỄN BỈNH KHIÊM - CẦU GIẤY

      Trường Tiểu Học Nguyễn Bỉnh Khiêm - Cầu Giấy

      Trường THCS&THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm - Cầu Giấy

    Tin tức & sự kiện

    CÔ LÀ BÁC SĨ CỦA CON!

  • Thứ năm, 14:20 Ngày 11/07/2019
  • Người giáo viên như người lái đò, những chuyến đò đâu chỉ có tri thức mà còn nhiều hơn thế là tình yêu thương vô bờ bến. Những người thầy người cô thường được mệnh danh như người mẹ người cha thứ 2 của các con học sinh. Nhưng tại Nguyễn Bỉnh Khiêm có một cô giáo còn là một bác sĩ trị liệu đa tài cho chính học sinh của mình. Một câu chuyện xúc động được chia sẻ bởi cô giáo Hoàng Ngọc Tân về công tác chủ nhiệm không chỉ có những nụ cười mà tràn đầy niềm lo lắng và cả những giọt nước mắt nhưng đã chèo lái thành công chuyến đò gian nan năm đó.

    Năm học 2014 - 2015, tôi nhận chủ nhiệm lớp 10A2. Lớp có đến 32 học sinh nam mà chỉ có 3 học sinh nữ. Tỉ lệ giới tính không bình thường như cảnh báo những bất thường trong công tác chủ nhiệm.

    Không nằm ngoài dự đoán của tôi. Ngay ngày đầu tiên Cô và trò gặp nhau,  đám con trai nhao nhao: sao lớp mình chỉ có ba đứa con gái!!! Con gái gì mà xấu thế...Cô ơi! Tuyển thêm mấy bạn gái xinh về lớp để chúng con có động lực học đi Cô? Ba cô gái bé nhỏ của tôi tái xanh cả mặt. Coi các bạn gái như vô hình, chúng cứ ầm ĩ bình phẩm từng bạn một. Tôi phải hít thật sâu lấy bình tĩnh, nhắc nhở các con trật tự ngồi xuống theo vị trí cô đã viết trên từng bàn. Ngay lập tức, sự sắp đặt của  tôi vấp phải  phản ứng quyết liệt của M. Con nhất định không chịu ngồi cùng bàn với T. Thái độ bướng bỉnh của M khiến tôi ngờ ngợ có điều gì uẩn khúc. Mệnh lệnh đầu tiên của GVCN phải thu hồi. Cuối buổi tôi yêu cầu M ở lại để tìm hiểu nguyên nhân. Câu chuyện của con khiến tôi choáng váng: Hóa ra T mắc chứng bệnh động kinh từ nhỏ. Cùng học cấp 2 nên M đã chứng kiến những lần bạn lên cơn động kinh và bị ám ảnh. Đó là lý do M từ chối không ngồi cùng bàn với bạn. Suốt những năm tháng cấp 2, T luôn bị các bạn xa lánh. Ai cũng tránh xa mỗi khi T đến gần. T "điên", T "động kinh" là hỗn danh các bạn đặt cho con.

                Nghe xong tôi thực sự lo lắng và dặn M giữ bí mật. Con hứa với tôi. Nhưng bọn trẻ có bao giờ giữ được bí mật đâu. Chỉ mấy hôm sau, cả lớp đã biết hết về bệnh tình của T. Chúng xì xào bàn tán, sợ hãi và xa lánh cô bé. Tệ hơn có kẻ còn trêu chọc, gán ghép… tạo thành một làn sóng tẩy chay. Ngay cả trước mặt cô giáo chủ nhiệm những trò đùa tai quái đó cũng không chấm dứt. Tôi biết rõ đó chỉ là sự bắt đầu. Tôi hiểu mình đang đối đầu với một trường hợp không hề đơn giản. Để có thể “bắt mạch kê đơn” hiệu quả điều trị dứt điểm những kẻ quấy phá và nhất là giúp T hòa nhập, tôi cần hiểu biết nhiều hơn vai trò một giáo viên chủ nhiệm.

    Trước hết tôi trao đổi với gia đình T, được cha mẹ con cho biết cụ thể về tình hình bệnh lí của con. Tôi lên mạng tìm hiểu về căn bênh động kinh, tự trang bị cho mình những nhận biết lâm sàng và các bước sơ cứu cần thiết. Rồi sau đó bằng những kiến thức hiểu biết của mình, tôi tổ chức hơn một tiết sinh hoạt giúp cả lớp thấu hiểu và chia sẻ những điều không may mắn của T. Bằng những đoạn phim ngắn, video và cả tấm lòng sự thấu hiểu tôi đã giúp các con bước đầu cảm thông với những thiệt thòi không may mắn của bạn mình. Qua những tiết sinh hoạt đó, một số bạn trong lớp đã tự nguyện nhận nhiệm vụ mà tôi phân công: Đó là giúp đỡ và quan tâm tới T, có trách nhiệm báo ngay cho cô khi bạn có dấu hiệu bất thường. T không còn cô đơn trong tập thể lớp mà trở thành một thành viên đặc biệt nhận được sự quan tâm của tất cả bạn bè. T cũng không còn đơn độc trong cuộc chiến chống lại bệnh tật của mình. Tôi đã có cả 34 học sinh là đồng minh để hỗ trợ và giúp đỡ T.

     Dù có sự chuẩn bị kĩ càng về tinh thần, trang bị đầy đủ về kiến thức, nhưng lần đầu tiên chứng kiến T co giật toàn thân, mắt trợn ngược, miệng sùi bọt... tôi không khỏi hoảng sợ. Song trước sự hoảng loạn của các con học sinh, tôi nhận thức vai trò của mình. Lớn tiếng trấn an lớp (cũng là để trấn an mình) lấy lại bình tĩnh, tôi cố gắng thực hiện những kĩ năng sơ cứu cần thiết đã tự trang bị qua hướng dẫn trên mạng… Thấy vậy, một số con trong lớp vội đến hỗ trợ cô. Sự chủ động của cô trò chúng tôi đã được đền đáp. T dần tỉnh lại. Đây là lần đầu tiên nhưng không phải là lần cuối cùng. Suốt ba năm, những cơn động kinh của T đã trở thành chất xúc tác gắn kết cách thành viên trong lớp. Cùng việc ngày càng thành thục hơn trong kĩ năng sơ cứu, các con ngày càng yêu thương chia sẻ với nhau hơn, có trách nhiệm với bạn bè thầy cô hơn. Mác có câu: "Ai nắm được cái tất yếu, người đó có tự do". Câu nói đó nhấn mạnh vào tinh thần chủ động của mỗi cá nhân trong cuộc sống. Với cá nhân tôi câu nói đó còn chỉ rõ vai trò của người giáo viên chủ nhiệm: cần chủ động trong mọi tình huống sư phạm, biến những thách thức thành cơ hội thực hiện nhiệm vụ giáo dục của mình...

    Một người bạn làm ngành Y từng ghen tỵ với tôi: Cùng nghề Thầy, nhưng thầy giáo toàn tiếp xúc với hoa tươi. Còn thầy thuốc suốt đời chỉ gặp toàn hoa héo. Tôi có ngờ đâu có những khi, tôi không chỉ là thầy giáo mà còn là cả thầy thuốc. Có những hôm, bệnh tình của T trở nên nguy kịch. Không ít lần tôi nhận những cuộc gọi khẩn cấp từ học sinh, từ đồng nghiệp và từ cả bộ phận y tế của trường. Nhớ một lần đi học không có mặt ở trường, cô Dung y tế gọi điện: “Chị ơi! Học sinh lớp chị nguy kịch lắm. Chị đến ngay đi”. Chưa cất điện thoại thì chuông lại reo, học sinh gọi báo: “Cô ơi! Cô ở đâu về lớp ngay, T bị nặng lắm…”. Tôi hỏi: “con làm các thao tác cô hướng dẫn các con những lần trước chưa?”  “rồi cô ạ… Nhưng lần này không như mấy lần trước đâu cô, gần 5 phút chưa dừng lại ạ, phải mang bạn xuống y tế rồi ạ”. Tay chân tôi bủn rủn, đầu óc quay cuồng…Từ chỗ học về trường gần 10km, có đi nhanh vào giờ tan tầm lúc 4h cũng phải mất 30 phút. Tôi vội báo cho bố con, rồi nhanh chóng trở về. Tôi không nhớ bằng cách nào, chỉ gần 20 phút sau đã có mặt tại phòng y tế. Ơn trời, mọi chuyện đã ổn. Nhìn thấy tôi hớt hải chạy tới, con ôm lấy òa khóc: "Không có cô ở trường, con sợ quá". Tôi xúc động: "Đừng sợ gì nhé con, có cô đây rồi." Chứng kiến cảnh đó, bố mẹ T ghẹn ngào: "Cám ơn cô, chúng tôi đã đúng khi chọn trường Nguyễn Bỉnh Khiêm cho con. Con gái tôi đã được yêu thương, được bảo vệ khi đến trường. Suốt bao nhiêu năm qua đến bây giờ chúng tôi mới có cảm giác an tâm khi con ra khỏi nhà".

     Bẵng đi một thời gian dài không thấy con trở bệnh tôi đã mừng thầm. Nhưng chưa được bao lâu thì con lại có những dấu hiệu nghiêm trọng hơn. Không phải bệnh lí mà là tâm lí mà người ta gọi là "khủng hoảng tuổi dậy thì". Con thường xuyên đăng ảnh gợi cảm lên mạng và kết giao với bạn trai từ khắp nơi. Có hôm đầu giờ truy bài thấy con cầm điện thoại tủm tỉm cười.Tôi đến bên nhẹ nhàng hỏi thì con bảo đang nhắn tin cho bạn trai (con trả lời rất vô tư).

    Tôi hỏi con thích ai à?

    Con hồn nhiên: “Con đang yêu cô ạ. Có 8-9 anh người yêu cơ nhé. Bạn con nhắn tin thì con phải trả lời chứ cô.”

    Tôi hỏi: “sao con lại thích nhiều người thế?”

    Con hờn dỗi: “Phải có nhiều anh nhắn tin. Anh này làm con buồn thì có anh khác nói chuyện làm con vui thì con mới học được chứ ạ!”

    Cả lớp cười ồ lên. Tôi thì không thể cười được vì hiểu rằng lại một thách thức mới đang đến với mình. Khi lên cơn động kinh, sẽ có những triệu chứng lâm sàng báo trước. Còn những sự cố tâm lí tình cảm, lại là giống như những quả bom nổ chậm, khi đã phát nổ cứu chữa là vô phương. Vậy là tôi phải dành nhiều thời gian gần gũi và quan tâm sát sao con hơn. Với một nữ sinh bình thường, việc kết bạn trên mạng đã là sự liều lĩnh. Đối với con, nó còn tiềm ẩn những nguy cơ hiểm họa khôn lường.

    Tôi đã không sai khi quá lo xa. Và đó là ngày hôm nay tôi vẫn nhớ: 20 tháng 10 năm 2016. Trong giờ Toán thấy con có tâm trạng không yên và thường xuyên sử dụng điện thoại. Tôi có nhắc con  tập trung học nhưng con vẫn không hề để tâm. Sự bất an và vẻ bồn chồn của con khiến tôi lo lắng. Bằng linh cảm tôi nhận thấy con có vấn đề khá nghiêm trọng, nhưng chưa biết cách nào để tìm hiểu. Thấy con liên tục dùng điện thoại  tôi quyết định thu điện thoại của con. Sau đó tiếp tục giảng bài. Lúc quay lại thấy màn hình con hiện lên một loạt tin của bạn con ghi là “Anh iu” nhắn cho với nội dung sau: “Anh đã đến chỗ hẹn, chờ em lâu lắm rồi, đang rất đói mà sao vẫn chưa ra? Em bảo tan học ra ngay, bắt chờ đến mấy tiếng rồi. Bao giờ thì ra? Mệt mỏi, đói và nóng...”

    Thảo trước đó có nhắn tin cho bạn: “Cứ chờ em chỗ đấy, chiều em phải đi học 4h50’ mới tan thì em nói với bố chở qua nói là hôm nay đi xem hội chợ ngày 20/10 ở đấy nhé. Hihi”

    Cứ thế nội dung tin nhắn được gửi đến rất nhiều. Tôi thực sự rất lo lắng trong đầu nảy ra vô vàn những ý nghĩ xuất hiện và liên tưởng đến vụ bắt cóc nào đó. Tôi không biết bắt đầu giải quyết từ đâu. Mặt con đỏ bừng, chân tay luống cuống và cảm giác sợ hãi bắt đầu bừng lên trên gương mặt con. Kết thúc giờ học tôi cầm điện thoại con tắt nguồn đi và gọi con lại đưa điện thoại cho con và coi như không biết gì. Vì nếu truy hỏi con thì có thể với tâm trạng lúc đó không biết con sẽ xảy ra chuyện gì.

    Sau đó, tôi gọi cho bố con và  nhắc bác đón con ngay tận cổng. Trao đổi về việc con rủ bạn trai quen trên mạng đến để gặp gỡ. Sợ nhất con bị lừa (vì nhiều lúc con không được tỉnh táo). Bảo bác theo dõi và đi sau con khi con xin đi công viên gặp bạn.

    Ngày hôm sau, khi con đến lớp tôi có gọi con ra tâm sự, động viên và hỏi han con. Con có chia sẻ: sau khi ra gặp bạn ở công viên Nghĩa Đô, bạn đi không mang theo tiền: không có tiền ăn, tiền mua vé xe về. Bạn con chờ con đưa tiền cho để con mua vé xe về Bắc Cạn vào sáng nay.... Tôi cũng mừng là mình phát hiện ra sự việc và báo cho gia đình để giải quyết ổn thỏa.

    Thỉnh thoảng con lại cho tôi chạy tuốt bơ. Vào khoảng 14h20 phút một ngày thứ 5 của tháng 12 năm 2016, mẹ con gọi cho tôi vừa nói vừa khóc: “Cô ơi! Từ lúc con đi học về mặt mũi lầm lì, đi vào phòng đóng chặt cửa gọi không thưa, không ăn cơm mãi sau con nói vọng ra: “con muốn chết thôi, con không muốn sống nữa. Cô ơi! Hôm nay, ở lớp con có làm sao không cô? Sao con chị giờ thế này hả cô? Cô có cách gì không đến giúp anh chị ngay nhé. Con làm sao thì anh chị không sống được đâu cô ạ. Anh, chị nói thế nào cũng không mở cửa!”

    Thấy tình hình căng thẳng, tôi vội điện cho thầy Nam xin nghỉ họp GVCN và nói có học sinh cấp cứu. Rồi sau đó đến ngay nhà con. Sau một hồi phân tích khuyên bảo, thì con bắt đầu mở của và cùng nói chuyện với cô và bố mẹ. Hóa ra là con nghĩ bạn trai có bạn gái mới bỏ con. Vì vậy con muốn chết. Sau khi hiểu ra, con hứa với cô, với bố mẹ không suy nghĩ dại dột nữa.

    Năm học lớp 12 cũng sắp đi qua. Tâm lý của con đã thoải mái hơn và chú tâm vào học. Nhưng vấn đề khác lại nảy sinh. Khi cô Chuật dạy môn Văn cho lớp gặp tôi và trao đổi: “Cháu ơi! T có khi môn Văn rất gay đấy cháu ạ. Không biết viết văn gì cả mà cứ ngây ngây, ngô ngô”.... Sau một hồi trao đổi tình hình về con, tôi và cô cùng nhau cố gắng giúp con trong môn Văn. Với sự tận tình hết lòng vì học sinh, cô Chuật giúp cho con môn Văn dần có kết quả. Bài thi của con đã tiến bộ hơn nhưng những áp lực thi cử lại làm con nhiều khi “quay quay” trong phòng thi. Khi học sinh cùng lớp báo về, tôi lại xin thầy Nam cho coi thi trực tiếp phòng con để có gì còn ứng phó và có tôi con yên tâm hơn.

    Thầy Nam đã biết trường hợp này nên đồng ý ngay. Thầy luôn quan tâm, hỏi han qua tôi về sức khỏe của T. Thầy và tôi cùng lo lắng cho con khi kỳ thi THPTQG đang đến gần. Sợ nhất khi vào phòng thi con lại phát bệnh. Trước kì thi chưa đến 2 tháng, con đã làm cho tôi, Thầy Nam một phen bấn loạn. Chuyện là hôm đó, con cùng cả lớp lên phòng tin kiểm tra thông tin cá nhân trên cổng thông tin điện tử của Bộ GD để phục vụ cho kỳ thi. Do mãi chưa đăng nhập được mà các bạn trong lớp đã làm được hết. Thấy vậy tôi và Quang Tú, Minh Hồng cùng hỗ trợ cho con đăng nhập. Nhưng do không kiểm soát được, bệnh cũ của con lại tái phát. Con lăn đùng ra phòng mắt trợn ngược lên, toàn thân co giật, miệng sùi bọt mép…. Cả phòng tin hôm đó bị một phen hoảng loạn. Không chần chừ chậm trễ một giây, tôi ôm T vào lòng, kêu thêm mấy học sinh giúp sức đặt bạn lên chỗ thoáng, nhanh chóng thực hiện những động tác sơ cứu. Khi tỉnh lại, tôi khuyên bảo đủ kiểu con mới đồng ý rời phòng tin học, còn không nhất quyết đòi ở lại làm cho xong. Con luôn nói sẽ không ngừng cố gắng để không phụ lòng cô.

    Cứ tưởng mọi khó khăn đã dần qua… Vậy mà, một chiều thứ 6, trời mưa nhẹ, con bước vào lớp với gương mặt mệt mỏi, trên tay cầm bánh mỳ đang ăn dở. Trên áo và gương mặt con loang lổ vết  máu. Tôi sợ hãi vô cùng, chạy đến bên con. Máu chảy nhiều dính đầy tóc, bết khô lại. Tôi khóc nức nở, sợ con bị ai đánh. Thấy tôi khóc con khóc to hơn. Trên mí mắt phải có một vết thương nhỏ. Hỏi con con chỉ khóc và  lắc đầu như đứa trẻ . Tôi cùng Minh, Quang Huy lau vết thương cho con và gọi ngay gia đình đến cùng tôi đưa con đi bệnh viện. Hóa ra con bị bệnh tái phát và ngã, gọng kính chọc vào mí mắt và chảy máu nhiều. Nhưng do không ý thức được vì thế không biết mình bị làm sao. Nhìn thấy học sinh như thế tôi quặn thắt lòng. Thương con quá! Không biết, mai này con sẽ ra sao? May mắn, con bị nhẹ không ảnh hưởng đến mắt và chỉ bị khâu 3 mũi. Tối hôm đó, khi con đỡ hơn con có nhắn tin cho tôi: “Con chào cô ạ, con xin cảm ơn cô vì hôm nay đã chăm sóc con như bác sĩ vậy, nếu lúc đó không có cô thì con không biết làm gì cả nên con cảm ơn cô <3”.

    Tôi có nhắn tin lại: “Con đỡ chưa? Tối nay nghỉ không phải học nhé. Con thoải mái tư tưởng đi con nhé! Cô chỉ làm những gì mà mình cần làm và cô rất yêu con!”

    “Vâng ạ! Con đỡ rồi ạ. Đêm hôm nay con chúc cô ngủ ngon và có một giấc mơ đẹp”.

    Sau hôm đó, tôi qua nhà nói chuyện với bố con thì được biết hôm đó bố bận trưa không đưa con đi học mà con tự đi, tự mua bánh mỳ ăn, sau đó đến trường và mệt quá . Con choáng và ngã. Qua sự việc, tôi nhắc nhở gia đình phải đưa đón con cẩn thận, có khi đưa con lên tận lớp học để tránh sự việc tiếp diễn.

    Rồi ngày thi cũng đến, tôi gặp thầy Nam trao đổi về tình hình con và sợ nhất là con bị “quay quay” trong phòng thi. Thầy hỏi han về sức khỏe con và kiến thức con như thế nào? Có yên tâm khi làm bài không?

    Tôi khẳng định con đủ kiến thức đi thi. Chỉ sợ con áp lực và không có ai quen trong phòng con lại phát bệnh ra thì hỏng thi thôi ạ! Thầy chỉ cách cho tôi và tôi làm theo sự hướng dẫn của thầy. Ngày thi nào tôi cũng ngồi ở cổng trường Nguyễn Tất Thành chờ con đến động viên con thật bình tĩnh làm bài và lúc con về hỏi han tình hình bài thi. Thi xong môn Toán rất khả quan và con tinh thần khá vững để làm bài thi tiếp theo. Tôi mừng lắm và mong cả kỳ thi con sẽ gặp may mắn... và tôi đã mỉm cười khi ngày báo kết quả con đỗ vào trường Đại học Nội Vụ.

    Chuyến đò của thầy trò chúng tôi đã cập bến. Xúc động xiết bao giờ phút chia tay. Ba năm trước con đã tới với tôi trong dáng vẻ âu lo ngơ ngác. Để giờ đây con trưởng thành tự tin hạnh phúc và trưởng thành hơn! Cha mẹ con nói chưa khi nào ngay cả trong giấc mơ đẹp nhất, dám nghĩ con đỗ được Đại học. Còn con chỉ mỉm cười và nói: cảm ơn cô, cô là bác sĩ của đời con!

    Ngôi trường Nguyễn Bỉnh Khiêm luôn là ngôi nhà thứ hai của con. Dù đi đâu con luôn nhớ mãi nơi đây. Đây là nơi đã cho con thêm niềm tin và tiếp cho con động lực sống mỗi ngày. Để con có được như hôm nay. Con thực sự hạnh phúc vì đã được gặp các thầy (cô) và các bạn. Những năm tháng cấp 3 thật hạnh phúc. Con yêu cô rất nhiều. Cô ơi! Khi nào có niềm vui cô nhớ báo cho chúng con nhé”.

     Hạnh phúc lớn nhất của thầy cô là khi giúp được các con học sinh của mình trưởng thành. Và tôi nhớ mãi câu nói của con: “CÔ LÀ BÁC SĨ CỦA CON.”

    Bác sĩ! Giờ tôi đã hiểu người ta thường nói: Bác sĩ giỏi không chỉ chữa được bệnh mà còn thay đổi cả số mệnh của con người. Nghĩa là họ trợ giúp người bệnh không chỉ bằng đơn thuốc đơn thuần mà bằng cả tấm lòng lương y như từ mẫu. Đó cũng là điểm gần gũi giữa nghề giáo và nghề y. Người thầy cô cần giáo dục dạy dỗ học sinh bằng những phương pháp khoa học và cả tấm lòng hết mực săn sóc thương yêu. TÂM TRONG TRÍ SÁNG - đó là hai điều không thể thiếu làm nên thương hiệu: Giáo viên chủ nhiệm Nguyễn Bỉnh Khiêm.

    Cảm ơn hội nghị đã cho tôi cơ hội chia sẻ câu chuyện của mình.

    Hoàng Ngọc Tân - Giáo viên chủ nhiệm THPT

    Bài viết liên quan
    Tư vấn online 0987.266.630