• HỆ THỐNG GIÁO DỤC CHẤT LƯỢNG CAO

      NGUYỄN BỈNH KHIÊM - CẦU GIẤY

      Trường Tiểu Học Nguyễn Bỉnh Khiêm - Cầu Giấy

      Trường THCS&THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm - Cầu Giấy

    Tin tức & sự kiện

    [CÔNG LÝ & XÃ HỘI] Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm (Cầu Giấy, Hà Nội): Trường học hạnh phúc

  • Thứ tư, 09:07 Ngày 11/09/2019
  • Việc xây dựng trường học hạnh phúc luôn là mục tiêu, là nhiệm vụ trọng tâm của trường Nguyễn Bỉnh Khiêm. Học sinh đến trường không phải chỉ để học chữ, mà đến trường là để sống, để hạnh phúc.

    Đề cao các giá trị sống, giúp học sinh khám phá năng lực bản thân

    Cách đây gần 15 năm, tại trường Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận Cầu Giấy, Hà Nội) các giá trị sống đã được phổ biến. Từ đó đến nay, các lớp giá trị sống được mở đều đặn cho những thành viên mới, các thầy cô lại làm lan tỏa những giá trị đó đến học sinh. Chỉ các thầy cô nào đã qua lớp giá trị sống mới thật sự trở thành một giáo viên trường Nguyễn Bỉnh Khiêm.

    Đến nay, trường Nguyễn Bỉnh Khiêm khẳng định các giá trị sống cơ bản chi phối mọi hành động, trở thành các nguyên tắc ứng xử của mỗi thành viên trong nhà trường, đó là: Nhân ái – Trung thực – Tôn trọng – Trách nhiệm – An toàn – Sáng tạo. Qua nhiều năm kiên trì triển khai, đến nay toàn trường đã thực sự được nhúng, được hít thở trong bầu không khí của các giá trị sống cơ bản, một ngôi trường thân thiện, tràn ngập yêu thương.

    Cùng với việc đề cao các giá trị sống, nhà trường luôn chú trọng tới việc giảm áp lực, tạo hứng thú cho học sinh trong học tập, học sinh được hướng dẫn, phát hiện, khám phá năng lực của bản thân, trên cơ sở đó xây dựng mục tiêu phù hợp, phát triển tối đa khả năng của mỗi học trò. Nhà trường giáo dục cho học sinh có ước mơ, hoài bão để các con xây dựng tương lai cho chính mình chứ không phải đuổi theo thành tích, kết quả học tập.

    Việc giảm áp lực luôn đi cùng với việc tạo hứng thú trong học tập: các bài giảng luôn hướng về thực tiễn, tăng khả năng ứng dụng, thực hành. Đặc biệt, mô hình dạy học thông qua hoạt động trải nghiệm tại Trung tâm trải nghiệm sáng tạo của trường đóng vai trò quan trọng trong việc tạo hứng thú, giảm áp lực trong học tập cho học sinh. Việc học ngoài trời, được hòa mình giữa thiên nhiên sẽ giúp tâm hồn các con trầm tĩnh và thoải mái hơn, giúp các nhận thức sâu sắc hơn về cuộc sống bình yên, cảm nhận được các giá trị của cuộc sống để thấy hạnh phúc hơn, từ đó học tập và rèn luyện đạt kết quả cao hơn.

    Mọi hoạt động đều hướng về học sinh

    Xây dựng trường học hạnh phúc, hoạt động của thầy cô và nhà trường luôn hướng về học sinh. Học sinh được tạo nhiều cơ hội bày tỏ ý kiến cảm xúc của mình, thầy cô luôn tôn trọng, lắng nghe và chia sẻ với học sinh. Ngoài việc có thể dễ dàng gặp gỡ, bày tỏ ý kiến với các thầy cô lãnh đạo nhà trường, học sinh được thể hiện quan điểm cá nhân về các vấn đề trong trường, trong lớp qua việc lấy ý kiến khảo sát do phòng Tâm lý học đường của trường tiến hành, đây là việc làm thường xuyên trong năm; học sinh trả lời trực tuyến qua hệ thống máy tính và phòng Tâm lý sẽ tổng hợp báo cáo nhà trường.

    Cùng với đó, tại trường Nguyễn Bỉnh Khiêm, mỗi giờ sinh hoạt lớp thay bằng kiểm điểm, đánh giá nhận xét hoặc phê bình thì học sinh được tổ chức để lần lượt lên nói về mình, nói về bạn bè, tạo thành một diễn đàn để bày tỏ, thể hiện mình. Học sinh được nói lên ý kiến, thầy cô tôn trọng, lắng nghe, điều đó đã tạo nên không khí dân chủ trong nhà trường, giúp nhà trường có cơ sở điều chỉnh các hoạt động trở nên thiết thực và đem lại hạnh phúc nhiều hơn cho học sinh.

    Một nội dung khác đặc biệt nữa ở trường Nguyễn Bỉnh Khiêm đó là trên con đường đem lại hạnh phúc và giúp học sinh nên người, mọi yếu tố đều đóng vai trò quan trọng, kể cả những yếu tố vốn bị coi là phụ.

    Thể dục, Giáo dục công dân, nghệ thuật… vốn bị coi là môn phụ trong nhà trường thì ở trường Nguyễn Bỉnh Khiêm luôn có một vị trí xứng đáng. Nhà trường, các thầy cô giáo cũng luôn đổi mới để môn học tạo hứng thú cho học sinh. GDCD không phải là giờ triết lý khô khan mà là những câu chuyện cuộc sống được chính học sinh tái hiện để mỗi người trải nghiệm; Thể dục không còn đáng chán nữa khi trở thành các giờ thể thao tự chọn nhằm phát huy hết năng lực thể chất của mỗi học sinh qua các nội dung bơi lội, bóng đá, bóng rổ, cầu lông,…

    Trong cuộc sống có những nhu cầu hết sức chính đáng và cần thiết nhưng lại không được quan tâm nhiều bởi tính “tầm thường” của nó. Nhà vệ sinh là một ví dụ. Với mục tiêu học sinh cảm nhận được hạnh phúc khi đến trường, công trình phụ ở trường Nguyễn Bỉnh Khiêm được coi là thành công trình chính, các nhà vệ sinh luôn được đầu tư xây dựng nâng cấp, để hôm nay học sinh coi là đạt tiêu chuẩn “5 sao”.

    Với mô hình học bán trú, bữa ăn trưa của học sinh tại trường có một vai trò quan trọng, hàng ngày tại trường có khoảng 1400 học sinh – giáo viên – nhân viên ăn trưa tại trường. Để mỗi học sinh có bữa trưa ngon miệng, hợp khẩu vị, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; ngoài nguồn rau được cung cấp bởi các trang trại của trường, nhà trường đã đầu tư xây dựng khu nấu ăn và nhà ăn hiện đại để học sinh được phục vụ ăn tự chọn, các học sinh thừa hoặc thiếu cân được quan tâm chăm lo xây dựng thực đơn theo chế độ dinh dưỡng phù hợp.

    Kết quả khảo sát chỉ số hạnh phúc của phòng Tâm lý học đường của trường cho thấy: Năm học 2015 – 2016: số học sinh cảm nhận được “hạnh phúc” khi đến trường là 88%, trong đó cảm nhận “rất hạnh phúc” là 12%; Năm học 2016 – 2017: số học sinh cảm nhận được “hạnh phúc” khi đến trường là 90%, trong đó cảm nhận “rất hạnh phúc” là 18%; Năm học 2017 – 2018: số học sinh cảm nhận được “hạnh phúc” khi đến trường là 93%, trong đó cảm nhận “rất hạnh phúc” là 25%; Năm học 2018 – 2019: số học sinh cảm nhận được “hạnh phúc” khi đến trường là 96,75%, trong đó cảm nhận “rất hạnh phúc” là 28,3%.

    Các học sinh đều cảm thấy vui vẻ, thoải mái khi đến trường, cảm thấy muốn đến lớp, yêu quý thầy cô giáo chủ nhiệm và dạy trên lớp vì đến trường có hứng thú, niềm vui, được làm những gì mình yêu thích và say mê, được tôn trọng cảm xúc, được lắng nghe, được ủng hộ, quan tâm của bạn bè và thầy cô giáo.

    Chỉ số hạnh phúc được nâng cao giúp cho kết quả học tập của học sinh cũng được nâng cao qua từng năm học, qua việc học sinh tự đánh giá, đồng thời kết hợp với đánh giá của giáo viên và cha mẹ học sinh cho kết quả có 89% học sinh có tiến bộ khi học tập tại trường Nguyễn Bỉnh Khiêm.

    Thay đổi để cảm nhận hạnh phúc

    Bên cạnh những số liệu rất thuyết phục, nhà trường còn đón nhận nhiều niềm vui khi được đón nhiều đoàn khách từ TP Hồ Chí Minh, từ trường Hermann thành phố Vinh, từ các trường của các tỉnh Hưng Yên, Hải Phòng,… đến thăm, tìm hiểu về kinh nghiệm xây dựng trường học hạnh phúc. Nhiều học sinh đến xin học tại trường khi chưa biết tên trường mà chỉ nói với bố mẹ là con muốn được học tại ngôi trường Hạnh phúc.

    Trước hết, đó là vai trò của đội ngũ thầy cô giáo, cán bộ, nhân viên làm việc ở trường, đặc biệt là các thầy cô giáo chủ nhiệm. Từ quan niệm thầy cô giáo hạnh phúc sẽ mang lại hạnh phúc cho học sinh, nhà trường luôn chú ý quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, các hoạt động đổi mới trong nhà trường được tổ chức đổi mới nhằm giảm những áp lực không cần thiết trong công việc. Nhà trường tổ chức các chuyên đề tâm lý giúp các thầy cô chuyển hóa chính mình, thay đổi bản thân, chấp nhận sự khác biệt và hơn hết đó là cảm nhận được hạnh phúc khi đến trường. Chương trình “Thầy, cô chúng ta đã thay đổi” được giới thiệu để mỗi thầy cô tự cảm nhận, tự thay đổi bản thân để phù hợp với yêu cầu của giáo dục hiện đại và nhà trường.

    Cùng với sự thay đổi để cảm nhận được hạnh phúc của các thầy cô giáo, trường Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng hướng tới tạo nên những sự thay đổi ở cha mẹ học sinh. Qua các chuyên đề tâm lý, các buổi họp cha mẹ học sinh theo hướng đổi mới với nhiều hoạt động kết nối được tổ chức cha mẹ đã hiểu con hơn, chia sẻ nhiều hơn với những khó khăn của các con, đánh giá đúng năng lực để không kỳ vọng quá cao, gây sức ép căng thẳng cho học sinh. Việc làm cho PHHS thay đổi, trở thành những người đồng hành của giáo viên có ý nghĩa rất quan trọng trong việc xây dựng nhà trường hạnh phúc, đem lại hạnh phúc cho học sinh.

    Giúp cho thầy cô giáo và cha mẹ học sinh trường Nguyễn Bỉnh Khiêm thay đổi có vai trò lớn của khoa học tâm lý giáo dục. Tại trường Nguyễn Bỉnh Khiêm, phòng Tâm lý học đường với 5 nhân viên có chuyên môn tốt được đưa vào hoạt động từ năm 2009 luôn nhận được sự hợp tác, phối hợp của giáo viên, cán bộ nhân viên đã phát huy tốt vai trò của mình, góp phần tháo gỡ nhiều băn khoăn, lo lắng của giáo viên, tạo ra một luồng không khí tươi mới, mang lại cho giáo viên những kỹ năng quản lý cảm xúc để thay đổi chính mình, hoàn thiện bản thân để trở thành một nhà tâm lý, nhà giáo dục hạnh phúc, đem lại hạnh phúc cho học sinh, cho phụ huynh.

    Học sinh đến trường không phải chỉ để học chữ, mà đến trường là để sống, để hạnh phúc. Việc xây dựng trường học hạnh phúc luôn là mục tiêu, là nhiệm vụ trọng tâm của trường Nguyễn Bỉnh Khiêm.

     

    Bài viết liên quan
    Tư vấn online 0987.266.630