• HỆ THỐNG GIÁO DỤC CHẤT LƯỢNG CAO

      NGUYỄN BỈNH KHIÊM - CẦU GIẤY

      Trường Tiểu Học Nguyễn Bỉnh Khiêm - Cầu Giấy

      Trường THCS&THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm - Cầu Giấy

    Báo chí

    [DÂN TRÍ] VÌ SAO HỌC SINH KHÔNG HÀO HỨNG QUAY TRỞ LẠI TRƯỜNG ĐỂ HỌC TRỰC TIẾP

  • Thứ hai, 19:29 Ngày 20/12/2021
  • Link bài viết: https://bitly.com.vn/ce0rjm

    Trong thời điểm dịch bệnh gây ra nhiều khó khăn nhất, học sinh không thể đến trường trong thời gian dài, xã hội càng thấy rõ hơn vai trò không gì thay thế được, cùng những giá trị lớn lao của nhà trường, đặc biệt là giá trị của những ngôi trường hạnh phúc, nơi học sinh đến trường không chỉ để học mà còn để trải nghiệm, để sống, để thích ứng, để hoàn thiện và khám phá những tiềm năng vô hạn của bản thân.

    Hiện tại, khi ngành giáo dục đang từng bước thực hiện kế hoạch đưa học sinh trở lại trường học, vấn đề cần đặt ra là thầy và trò cùng vượt qua những trở ngại về tâm lý, sự thích ứng với môi trường học tại trường một lần nữa.

    Một bộ phận học sinh không hào hứng quay trở lại trường sau thời gian dài học online

    Đối với vấn đề này, PGS.TS Trần Thị Lệ Thu - một nhà tâm lý giáo dục phổ thông có nhiều năm kinh nghiệm - đã phối hợp cùng với một Phòng tâm lý giáo dục thực hiện một cuộc khảo sát.

    Khảo sát được thực hiện với 401 học sinh tiểu học và 576 học sinh trung học cơ sở ở quận Cầu Giấy (Hà Nội) trong tháng 12/2021 cho thấy, hầu hết các em gặp khó khăn khi học trực tuyến. Cụ thể, các em gặp khó khăn cả về học tập, xã hội, thể chất, gia đình, giao tiếp tương tác, và mạng xã hội - game.

    Khi gặp khó khăn, các em nhận được sự hỗ trợ lớn nhất từ người thân trong gia đình (62,8% ở học sinh tiểu học và 35,1% ở học sinh THCS), tiếp sau đó là sự hỗ trợ của thầy cô giáo (lần lượt là 10,2% và 11,5%). Trong khi đó, trên thực tế, học sinh mong muốn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ lớn hơn từ giáo viên khi phải học trực tuyến. Theo khảo sát này, tỷ lệ học sinh muốn được giáo viên hỗ trợ là 29,7% đối với học sinh tiểu học và 28,1% với học sinh THCS.

    Đáng chú ý, khảo sát này cho thấy một con số đáng quan tâm là mức độ học sinh sẵn sàng quay trở lại trường học dựa trên thang điểm 10 là 6,42 điểm với học sinh THCS và 7,49 điểm với học sinh tiểu học.

    PGS.TS Trần Thị Lệ Thu đã phỏng vấn nhiều học sinh về lí do các em muốn hay không muốn trở lại trường học. "Một bộ phận học sinh bày tỏ thích học trực tuyến hơn học trực tiếp vì cho rằng học online hiệu quả, không sợ quên đồ dùng, không phải mặc đồng phục, trễ giờ… Các em nói rằng "chỉ cần lăn từ trên giường xuống là có thể vào lớp học". Trong khi đó, có những em rất muốn được trở lại trường để tương tác trực tiếp với thầy cô, bạn bè", bà Thu cho hay.

    Để lấy dẫn chứng, PGS.TS Lệ Thu đưa ra một video phỏng vấn các học sinh THCS và THPT. Một trong số các học sinh trong cuộc phỏng vấn (giấu mặt) chia sẻ: "Có kha khá các bạn trong lớp con gặp vấn đề trục trặc về đường truyền khi học online, nên không thể trả lời thầy cô khi được gọi tên, Việc này gây ức chế cho cả giáo viên và học sinh".

    Một học sinh khác thẳng thắn tâm sự: "Con ngại bật camera, khi thấy mình trên camera con thường phải tìm cách "né camera", khiến cho con mất tập trung khi học online".

    "Con sẵn sàng trở lại trường để được năng động hơn, đỡ gặp cảm giác trống vắng, chán chường ở học ở nhà", một bạn khác nói.

    So sánh học online và học trực tiếp, TS. Hoàng Hữu Niềm - Chủ tịch Hội khoa học Tâm lý - Giáo dục Hà Nội nói: "Rõ ràng dạy online không hiệu quả hơn dạy trực tiếp, nhưng phải tiến hành do yêu cầu của hoàn cảnh xã hội. Do vậy tâm lý của thầy và trò bị ảnh hưởng rất nhiều".

    Ông Niềm cho rằng sở dĩ tỷ lệ học sinh muốn đến trường chỉ ở mức khá 6-7/10 điểm theo khảo sát của PGS.TS Lệ Thu một phần do nỗi sợ hãi dịch bệnh, không hẳn là do các em thích học online hơn học trực tiếp.

    "Trong thời gian học online vừa qua, có những mặt tích cực và hạn chế, song tôi cho rằng mặt hạn chế nhiều hơn. Vì thế, xét về nội dung dạy học, tâm lý học, phương pháp giảng dạy, dạy trực tiếp vẫn có nhiều ưu điểm hơn.

    Tôi cho rằng thời gian chuyển đổi học trực tiếp và trực tuyến trong hai năm vừa qua vẫn là còn quá ngắn. Áp lực nặng nhất là đội ngũ thầy cô giáo vì các giáo viên chưa được chuẩn bị đầy đủ về kiến thức và phương pháp để dạy trực tuyến. Các cơ quan quản lý cũng hướng dẫn, tập huấn dạy online chưa đầy đủ với việc dạy học trực tuyến. Học online, chủ yếu là nhờ các trường tự xoay sở và giáo viên nỗ lực sáng tạo, ứng biến. Tuy vậy, số lượng thầy cô sáng tạo không phải là nhiều mà đa số là những người bị động".

    TS. Nguyễn Văn Hòa - chủ tịch Hội đồng quản trị trường THCS & THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm cho rằng muốn học sinh hạnh phúc, không căng thẳng thì bản thân người thầy phải giảm bớt căng thẳng, giảm bớt kỳ vọng. "Bản thân tôi cũng đã từng phản đối học online nhưng khi bình tĩnh lại tôi đã nhận thấy phương thức học tập này là cần thiết trong giai đoạn dịch bệnh. Từ đó, tôi có sự điều chỉnh chính mình và điều chỉnh chương trình học trong trường cho phù hợp, tháo gỡ các khó khăn, căng thẳng do học online cho thầy và trò".

    "Học sinh không bật camera, không bật mic thầy cô cũng có thể chấp nhận, để rồi có thể trao đổi với học sinh sau. Làm thế nào để tạo ra môi trường học tập thoải mái cho học trò mới quan trọng", ông Hòa chia sẻ.

    TS. Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam lưu ý rằng với việc học online, thầy cô cần giảm sự kỳ vọng đối với học sinh. "Không thể nào học online mà yêu cầu cao như học trực tiếp. Chúng ta cần phải hiểu học trò, hiểu khó khăn của các em để dẫn dắt các em qua giai đoạn thích ứng với điều kiện khó khăn.

    Chúng ta cũng không lấy tiêu chuẩn điểm cao để đánh giá tất cả học trò. Đó là yêu cầu không chính đáng, không thực tiễn. Không thể lấy yêu cầu của thầy cô để làm thước đo học trò. Nếu nhà giáo tâm huyết, tận tình với học sinh thì sẽ tìm ra cách để giải phóng tinh thần cho các em".

    "Tất nhiên, học là phải thi, kiểm tra nhưng cách đánh giá ra sao phải chính xác, đầy đủ và phù hợp với học sinh", TS. Nguyễn Tùng Lâm nói thêm.

    Muốn học sinh có tâm lý khỏe mạnh, trước hết giáo viên phải có tâm lý vững vàng

    Ông Đàm Tiến Nam - Hiệu trưởng Trường THCS & THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm - Cầu Giấy (Hà Nội) cho rằng, trong năm qua chúng ta đã chứng kiến, đã trải qua nhiều thời khắc khốc liệt do đại dịch Covid 19 gây ra. Trong lĩnh vực giáo dục, sự khốc liệt của làn sóng Covid-19 thứ tư ở Việt Nam đã khiến học sinh phải dừng đến trường và trải qua giai đoạn học trực tuyến kéo dài nhất từ trước đến nay. Sức khỏe và sự an toàn là ưu tiên hàng đầu, nên việc học trực tuyến là sự lựa chọn tốt nhất khi dịch bệnh có những diễn biến phức tạp.

    Tuy nhiên, việc học trực tuyến trong thời gian kéo dài mang lại rất nhiều thách thức. Khi ngày ngày học sinh ở nhà, đối diện với máy tính, với điện thoại, việc giao tiếp, trải nghiệm, hoạt động tập thể vô cùng hạn chế thì vấn đề đáng lo nhất với cha mẹ học sinh, với thầy cô giáo không nằm ở chất lượng dạy học trực tuyến, cũng không nằm ở việc học sinh sẽ bị thiếu hụt kiến thức mà chính là lo ngại về sức khỏe tinh thần, các vấn đề tâm lý mà mỗi học sinh gặp phải.

    "Đến hôm nay, việc học trực tuyến vẫn đang diễn ra ở các trường tiểu học và trung học cơ sở, nên chúng tôi cho rằng cần sớm có những giải pháp chăm lo sức khỏe tinh thần cho các con học sinh. Bài học và kiến thức chúng ta có thể bổ sung, củng cố khi học sinh trở lại học trực tiếp, nhưng tâm trạng lo lắng, căng thẳng, cảm giác bị cô lập, ngại tiếp xúc, kỹ năng giao tiếp bị hạn chế, động lực học tập bị mai một… Nu như để đến khi học sinh trở lại trường mới bắt đầu triển khai thì có thể sẽ là quá muộn".

    Đồng tình với quan điểm của thầy Nam, PGS.TS Trần Thị Lệ Thu chia sẻ: "Khi tôi phỏng vấn ngẫu nhiên các phụ huynh, họ cho rằng không chỉ nên chăm sóc sức khỏe tâm lý cho học sinh hay phụ huynh mà còn cần chăm sóc sức khỏe cho thầy cô.

    Chính vì vậy, tôi muốn đưa ra thông điệp là "Thầy cô tự trợ giúp mình trước khi giúp đỡ học sinh". Chính bản thân tôi là một chuyên gia tâm lý cũng dành thời gian hàng tuần để trị liệu để chắc chắn rằng mình "khỏe" để giúp mọi người".

    Bà Lệ Thu đưa ra những dấu hiệu "cảnh báo" thầy cô khi không khỏe về mặt tâm lý. Bà Thu nhấn mạnh rằng thầy cô giáo cần tự mình quan sát, theo dõi cảm xúc của chính mình trong thời gian hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng, để thấy được rằng có đang có những dấu hiệu sau đây: Cảm thấy mệt mỏi, cơ thể dần trễ nải, ăn uống không ngon như trước; Khó ngủ hoặc ngủ nhiều quá; Nghĩ nhiều quá, dễ lo lắng, khó thư giãn; Khó tập trung; Dễ cáu giận; Hay thở gấp… Đây là những biểu hiện thông thường của tình trạng căng thẳng quá độ, theo bà Thu.

    Dựa theo khảo sát các thầy cô giáo, bà Thu đưa ra một số biện pháp thích hợp để giúp các thầy cô giáo thư giãn là: ngủ đủ, quản lý thời gian sáng suốt, ăn uống phù hợp, tập hít thở sâu, đẩy lui tức giận bằng cách chuyển hóa năng lượng, nói ra những lo lắng của mình, nghỉ ngơi thư giãn…

    Bà Thu nhấn mạnh, trong thời kỳ dịch bệnh, học sinh cần được quan tâm giúp đỡ hơn để vượt qua những tin tức tiêu cực trên mạng xã hội, vượt qua những lo lắng về tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp và thậm chí cả việc tiếp xúc với những ca bệnh hay ảnh hưởng trực tiếp từ bệnh dịch.

    Từ thực tiễn dạy học online, cô giáo tiểu học Phạm Thị Bích Ngọc chia sẻ kinh nghiệm: "Người dạy có vai trò vô cùng quan trọng trong việc kích thích hứng thú học tập, từ đó là sự chủ động và tự giác học tập của học sinh. Vì vậy, đòi hỏi việc soạn bài phải kỹ hơn và xác định rõ nội dung nào online, nội dung nào sẽ giao nhiệm vụ tự học, nội dung nào để học sinh tự thảo luận… Cấu trúc bài học online phải chia thành nhiều hoạt động: Khởi động tạo hứng thú, gợi sự tò mò khám phá kiến thức; Thảo luận chia sẻ sự hiểu biết và trải nghiệm của các thành viên; rút ra kết luận và quy luật để vận dụng trong tình huống mới; Đánh giá và tự đánh giá. Để tạo ra bài học hứng thú giúp trò tự học thì thời gian online trực tiếp chỉ khoảng 15 phút, sau đó giao các nhiệm vụ.

    Đối với học sinh tiểu học, ý thức tự giác, tự học đang hình thành, vai trò của giáo viên càng trở nên quan trọng. Việc lựa chọn phần mềm phù hợp, dễ sử dụng với các tính năng ưu việt; thiết kế bài giảng hấp dẫn, đẹp mắt là một giải pháp hiệu quả để thu hút học sinh.

    Giáo viên có lời giảng tự nhiên và luôn có những câu chuyện thực tế cuộc sống được lồng ghép trong bài dạy, giúp học sinh cảm thấy học online không có nhiều sự khác biệt với học trên lớp".

    Cô giáo dạy THCS Phùng Ngọc chia sẻ: "Học sinh lớp 6 là những bạn học sinh đầu cấp, các con có sự thay đổi lớn từ môi trường học tập và thay đổi ở chính bản thân. Ở độ tuổi này, các con có nhiều sự thay đổi trong tâm sinh lý, bước tới tuổi dậy thì (khủng hoảng tuổi dậy thì); có nhiều biểu hiện, thay đổi bất thường. Hơn nữa, môi trường học tập thay đổi, phương pháp học tập khác biệt, thầy cô bạn bè mới.

    Khi học tập trực tiếp, các con đã rất cần đến sự hỗ trợ của thầy cô, nên khi học trực tuyến, nhiều vấn đề khó khăn, thách thức mà chúng ta cần tìm giải pháp phù hợp".

    Biện pháp mà cô Ngọc đặt ra để hỗ trợ học sinh học trực tuyến là: Thiết lập quy chế chung của lớp học, truyền đạt bài học về sự tôn trọng giữa thầy và trò; Cùng phụ huynh học sinh nhìn nhận vấn đề về sự thay đổi tâm lý lứa tuổi, khủng hoảng tuổi dậy thì; Tổ chức lớp học để mỗi thành viên đều đảm nhận nhiệm vụ, gắn trách nhiệm của con với tập thể lớp (ngoài vai trò lớp trưởng, lớp phó, tổ trưởng tổ phó... bổ sung thêm vị trí ban cán sự các môn học; với mỗi hoạt động của nhà trường phân chia thành các ban để hoàn thành nhiệm vụ. Bên cạnh đó, cô cũng thành lập "tài khoản văn minh", luôn theo sát từng học sinh, có bảng theo dõi hàng ngày, tích lũy điểm qua các tuần để khen thưởng, vinh danh.

    Giáo viên tâm lý học đường Bùi Bích Liên cho rằng từ kết quả khảo sát của PGS.TS Lệ Thu đưa ra, có thể thấy được học sinh rất khao khát được gia đình, thầy cô lắng nghe ý kiến. Chính vì vậy, các trường có thể tổ chức các chương trình tập huấn về tâm lý dành cho giáo viên, bên cạnh đó tổ chức các chương trình phòng ngừa bệnh tâm lý cho học sinh, hoặc các chuyên đề về giáo dục hướng nghiệp, phòng ngừa tác hại của mạng xã hội… Đây là một trong những biện pháp lâu dài để học sinh có tâm lý khỏe mạnh không chỉ trong thời kỳ học online mà cả khi các em quay trở lại trường học.

    Bài viết liên quan
    Tư vấn online 0987.266.630