• HỆ THỐNG GIÁO DỤC CHẤT LƯỢNG CAO

      NGUYỄN BỈNH KHIÊM - CẦU GIẤY

      Trường Tiểu Học Nguyễn Bỉnh Khiêm - Cầu Giấy

      Trường THCS&THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm - Cầu Giấy

    Báo chí

    [VNExpress] Mệt mỏi do học online, thầy - trò mong được hỗ trợ tâm lý

  • Thứ tư, 15:08 Ngày 22/12/2021
  • Link bài viết: https://bitly.com.vn/2v9i5u

    HÀ NỘI - Khảo sát cho thấy học sinh tiểu học và trung học cơ sở gặp nhiều vấn đề về học tập, thể chất; còn giáo viên luôn "căng thẳng, quá tải" khi dạy online.

    Tại Hội nghị trực tuyến "Giải pháp hỗ trợ tâm lý học sinh thích ứng tích cực với học tập trực tuyến và chuẩn bị cho việc chuyển sang dạy học trực tiếp" ngày 17/12, Phòng Tâm lý học đường của Hệ thống Giáo dục Nguyễn Bỉnh Khiêm - Cầu Giấy chỉ ra những vấn đề học sinh Tiểu học và THCS gặp phải khi học online.

    Khảo sát 401 học sinh tiểu học và 576 học sinh trung học cơ sở trên địa bàn quận Cầu Giấy, đơn vị trên nhận thấy trẻ tiểu học gặp nhiều khó khăn nhiều nhất về học tập, sau đó là các vấn đề liên quan đến xã hội và thể chất. Trong khi đó, các em THCS có nhiều áp lực với học tập, xã hội và gia đình.

    Các vấn đề liên quan đến học tập gồm: học online nhiều (mệt mỏi, đau lưng, mỏi mắt); đường truyền mạng không ổn định; khó tập trung (tiếng ồn bên ngoài, TV...); ngại phát biểu, tương tác với thầy cô trong giờ.

    Về thể chất, các em thấy bí bách khi ở nhà lâu; chỗ ở chật hẹp; giờ giấc sinh hoạt thất thường (thức khuya, dậy muộn); thiếu không gian vận động; phải ở trong vùng cách ly, phong toả.

    Liên quan đến xã hội, cả học sinh tiểu học và THCS đều nhận thấy đang phải đọc quá nhiều tin tức tiêu cực. Các em lo lắng về tình hình dịch bệnh, tiếp xúc nhiều với các hình ảnh, trường hợp thực tế tổn thương do Covid-19.

    Trong gia đình, học sinh cảm thấy khó nói chuyện, giao tiếp với bố mẹ; gặp nhiều bất hoà, mâu thuẫn; áp lực trước kỳ vọng của phụ huynh; lo lắng về sức khoẻ của người thân.

    Ngoài ra, học sinh cũng gặp không ít khó khăn liên quan đến giao tiếp tương tác với bạn bè. Các em cũng dành quá nhiều thời gian cho game, mạng xã hội dẫn đến gặp một số vấn đề như bị lừa đảo, xâm hại, bắt nạt trực tuyến...

    Khảo sát cho thấy hiện học sinh chủ yếu được sự hỗ trợ từ gia đình, người thân trước những khó khăn trên; 62,8% học sinh tiểu học xác nhận điều này, với học sinh THCS là 35,1%. Có 8,2% học sinh tiểu học và 12,7% học sinh THCS được khảo sát cho biết thiếu người hỗ trợ. Các em mong muốn nhận được sự giúp đỡ nhiều hơn không chỉ từ gia đình mà còn từ thầy cô và các chuyên gia tâm lý.

    Những khó khăn khi học online khiến phần lớn học sinh được khảo sát muốn đến trường học trực tiếp. Tính theo thang điểm 10, mức độ sẵn sàng đi học của học sinh THCS là 6,42; của Tiểu học thậm chí cao hơn, ở mức 7,49.

    Mức độ sẵn sàng đến trường dựa trên khảo sát học sinh.
    Mức độ sẵn sàng đến trường dựa trên khảo sát học sinh

    Không chỉ học sinh, giáo viên cũng gặp rất nhiều khó khăn khi dạy online. Trả lời câu hỏi từ PGS Trần Thị Lệ Thu, giảng viên Khoa Tâm lý - Giáo dục học (Đại học Sư phạm Hà Nội), về những khó khăn trong quá trình dạy trực tuyến, hàng chục giáo viên đưa ra câu trả lời như "căng thẳng, mệt mỏi, lo lắng, áp lực, quá tải công việc".

    Nhiều thầy cô cho biết giảm cảm hứng với công việc do những vấn đề liên quan đến sức khoẻ, tương tác với học sinh và hiệu quả của bài giảng online. Nhiều giáo viên cảm thấy khó tập trung và mất kiên nhẫn.

    Quan sát giáo viên tại trường THPT Kinh Đô (huyện Đông Anh), Hiệu trưởng Hoàng Hữu Niềm, cho rằng giáo viên phải chịu áp lực rất lớn từ việc đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao trình độ công nghệ đến những đòi hỏi từ phụ huynh.

    "Mọi nội dung về giáo dục học, tâm lý học, phương pháp giảng dạy hiện có mới chỉ phục vụ hình thức dạy trực tiếp. Vì vậy có thể nói các thầy cô chưa hề được chuẩn bị về mặt kiến thức cũng như phương pháp để dạy online", thầy Niềm nói, bày tỏ sự đồng cảm với giáo viên.

    Nhà giáo này cho rằng các thầy cô và nhà trường cần giảm kỳ vọng vào việc học trực tuyến, không nên lấy dạy và học trực tiếp làm thước đo để so sánh, đồng thời phải chủ động, sáng tạo phương pháp tổ chức dạy học nhằm tạo hứng thú cho học sinh.

    Đồng tình với thầy Niềm, thầy Nguyễn Văn Hoà, người sáng lập Hệ thống Giáo dục Nguyễn Bỉnh Khiêm - Cầu Giấy, nhấn mạnh mong muốn giảm kỳ vọng khi dạy online. Thầy Hoà chia sẻ thời gian đầu triển khai hình thức dạy học trực tuyến, phụ huynh phản ứng rất dữ dội, thậm chí chống đối đóng học phí học online khiến nhiều nhà trường lúng túng. Bản thân thầy ban đầu cũng căng thẳng trước việc chuyển đổi từ trực tiếp sang trực tuyến.

    Sau khoảng một tháng, thầy Hoà tự điều chỉnh cảm xúc với quan điểm học online học sinh vẫn có thể hạnh phúc nếu thầy cô hạnh phúc. Bớt cầu toàn, thầy yêu cầu giáo viên trong trường dạy được đến đâu tốt đến đó, từng bước thay đổi và nâng cao hiệu quả các tiết học. Thầy cô được khuyến khích tương tác với học sinh.

    "Là người đứng đầu, tôi giảm sự căng thẳng thì chính giáo viên của tôi cũng bớt áp lực, trở nên hạnh phúc hơn. Giáo viên hạnh phúc thì học sinh và phụ huynh sẽ hạnh phúc", thầy Hòa nói. Đến giờ, phụ huynh trường Nguyễn Bỉnh Khiêm hầu như không còn nói về hiệu quả, không chê trách gì về chất lượng học online nữa mà đặt sự thoải mái, hạnh phúc của con mình lên hàng đầu.

    Để học sinh, giáo viên giảm mệt mỏi, trở nên hạnh phúc hơn, thầy Hòa đề xuất phát triển bộ phận tư vấn tâm lý học đường. Đây là bộ phận quan trọng nhưng rất thiếu ở các trường phổ thông. Với các trường đã có đội ngũ tư vấn tâm lý học đường, thầy Hòa cho rằng cần liên kết lại, thường xuyên trao đổi chuyên môn, cùng nhau đưa ra các giải pháp hỗ trợ tâm lý cho cả học sinh và giáo viên.

    Ba năm học qua, các nhà trường đều bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19. Học sinh nhiều lần phải dừng đến trường, chuyển sang học trực tuyến, trong đó có đợt kéo dài hơn 7 tháng (từ tháng 5 đến nay). Hiện, khoảng 50 tỉnh, thành vẫn phải cho học sinh học kết hợp trực tiếp và trực tuyến hoặc học trực tuyến hoàn toàn.

    Bài viết liên quan
    Tư vấn online 0987.266.630