• HỆ THỐNG GIÁO DỤC CHẤT LƯỢNG CAO

      NGUYỄN BỈNH KHIÊM - CẦU GIẤY

      Trường Tiểu Học Nguyễn Bỉnh Khiêm - Cầu Giấy

      Trường THCS&THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm - Cầu Giấy

    Báo chí

    [Giaoduc.net] Hạnh phúc vỡ òa khi cậu học trò bị gắn mác tự kỷ biết nói lời yêu thương

  • Thứ ba, 09:45 Ngày 20/04/2021
  • Link bài viết: https://bit.ly/3vnAfgg

    Kể về hành trình hơn 20 năm dạy học, mang yêu thương đến với học trò, cô Vũ Thị Tuyết Nga - Giáo viên làm công tác chủ nhiệm của Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội) đã có rất nhiều trải nghiệm, nhiều kỷ niệm đẹp, hạnh phúc khi nhìn thấy học trò trưởng thành.

    Mỗi đứa trẻ mang một cá tính, thường thì chúng rất hiếu động và cũng rất thông minh. Nhưng đôi lúc cũng sẽ có những học sinh "đặc biệt" - nhút nhát, thậm chí không trả lời cô giáo, cả ngày không nói chuyện với bạn. Đó sẽ là thử thách rất lớn và chỉ có tấm lòng của "người mẹ" mới mở ra cánh cửa đưa đứa trẻ đến với hạnh phúc, yêu thương.

    Cô Nga nhớ lại: "Tôi nhớ khi vào một năm học mới có vị phụ huynh dẫn một cậu bé vào lớp trao cho tôi, chị đẹp dịu dàng nhưng có đôi mắt rất buồn. Chị chào cô giáo thay con, mang giúp con cặp sách về chỗ ngồi, chị cúi xuống khẽ khàng dặn con và mỉm cười chào tôi ra về.

    Tôi lặng lẽ quan sát cậu bé ấy, con không nói một câu nào với mẹ, chẳng trả lời tôi dù chỉ một tiếng. Con ngồi yên ở vị trí, tôi có cảm giác như con không xê dịch khỏi chỗ ngồi một li nào cả. Ngày học đầu tiên con không chịu viết một chữ, không nói một câu nào với các bạn.

    Lặng lẽ đi ăn, lặng lẽ vào chỗ ngủ, tôi hỏi gì con cũng không trả lời. Chiều tan học, mẹ con chờ tôi ở cửa lớp, những giọt nước mắt của chị không ngừng rơi khi chia sẻ: Con đã có một thời gian dài không nói chuyện với bất kì ai, con có thể nổi nóng mà chẳng cần lý do gì. Những năm học tiểu học, chị đã mất nhiều công sức để con hoà nhập với các bạn nhưng vô hiệu, không những không hoà nhập mà con còn luôn im lặng.

    Thầy cô giáo và các bạn đều “gán” cho con mắc chứng tự kỉ, dù chưa thật rõ ràng nhưng chị cũng nghĩ đến điều ấy, vì vậy việc thay đổi môi trường học tập lên cấp 2 lại càng khiến chị lo lắng hơn, song chị vẫn hy vọng thầy cô giáo ở ngôi trường này sẽ có một phương pháp giáo dục phù hợp để cải thiện tình hình của con. Chị nắm chặt tay tôi như muốn trao gửi tất cả tình yêu thương, niềm hy vọng của người mẹ!”.

    Cô Vũ Thị Tuyết Nga: "Các chàng trai của tôi đều có những khả năng nổi trội chưa được đánh thức". Ảnh: Tùng Dương.

    Cô Nga kể tiếp: “Tôi trấn an chị và cũng là tự nhủ với mình: Vào đây con sẽ khác, dù những ngày tiếp theo của con ở trường tôi biết sẽ thật sự khó khăn với tôi. Con như một “pháo đài” bất khả xâm phạm, không làm ảnh hưởng đến các bạn xung quanh, không giáo viên nào phải nhắc vì đến lớp con chỉ ngồi một chỗ, con không ghi bài, không nói chuyện với ai kể cả các bạn. Tôi cũng chưa dám tiếp cận nhiều hay trò chuyện với con vì nếu cố tôi sợ con nổi giận.

    Mẹ con chia sẻ rằng con có trí nhớ rất tốt, có khả năng chơi đàn Piano, tôi ngỏ ý muốn con thể hiện một tiết mục Piano trong buổi giao lưu với các bạn trong trường nhưng con không đồng ý và khóc - đấy cũng là lần đầu tiên tôi thấy một phản ứng khác của con ngoài sự im lặng.

    Hằng ngày, con đi xe ô tô đưa đón của trường, buổi sáng mẹ giao con tận tay cho bác lái xe, buổi chiều con tự ra xe về nhà nhưng vì hay quên nên con thường xuyên không ra xe. Vốn là "đứa trẻ im lặng" khi quá giờ xe chạy con lặng lẽ đi bộ về nhà, có nhiều hôm mẹ con lo lắng tìm dọc tuyến đường về, một vòng, hai vòng và khi trở về đã thấy con ở nhà rồi. Vừa mừng, vừa tức mà đành chịu. Mẹ con đã không biết bao nhiêu lần xin lỗi cô giáo vì những phiền phức của con gây ra.

    Sau 1 tháng theo học, con vẫn im lặng. Mỗi buổi trưa trông các con ngủ, ngắm gương mặt hiền hậu của con, rồi mỗi ngày lên lớp bắt gặp ánh mắt con nhìn cô, tôi cứ băn khoăn có khi nào chỉ vì “được cho” là trẻ tự kỉ hồi tiểu học đã khiến con càng thu mình lại không, khiến con càng ngại giao tiếp không?

    Ý nghĩ và niềm tin con sẽ thay đổi đã khiến tôi quyết định đến gần con hơn. Tôi xếp cho con ngồi cạnh bạn lớp trưởng học giỏi, hiền lành để nhờ bạn lớp trưởng kiên nhẫn hướng dẫn, động viên con ghi bài và đôi khi là nhắc con những câu trả lời đúng để con tự tin hơn. Rất may con cũng chấp nhận dù đáp lại bạn vẫn chỉ là "ừ" hay "không".

    Giờ ăn trưa, giờ quà chiều, tôi thường rủ con đi ăn cùng. Tôi đi ngang hàng thì con thụt xuống phía sau. Tôi đi chậm lại có ý chờ thì con chạy lên trước, song thi thoảng tôi vẫn bắt gặp ánh mắt con lén nhìn tôi.

    Ánh mắt ấy với tôi nó chứa đựng một tín hiệu thật khó tả có vẻ như con đã quen dần việc có tôi luôn ở bên cạnh, và không biết có phải niềm tin của mình quá lớn không nhưng tôi thấy dường như có cả yêu thương trong ánh mắt ấy”.

    Cô Vũ Thị Tuyết Nga và các em học sinh Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm trong ngày khai giảng năm học mới. Ảnh: Tùng Dương.

    Chinh phục học trò bằng trái tim người mẹ

    Cô Nga chia sẻ, sau khi nhận thấy cậu bé đã cởi mở hơn đôi chút, cô chủ động gần hơn với con.

    Một lần, tôi ngỏ ý với con: Để con không quên giờ xe chạy phải đi bộ về, mẹ lại vất vả đi tìm mỗi buổi tan học, vậy nên cô sẽ dẫn con ra xe nhé?

    Con liền trả lời “con không thích dẫn, con sẽ không quên”.

    Nghe con nói như vậy, tôi lại càng có niềm tin rằng con không mắc hội chứng tự kỉ. Có lẽ là vì tôi chưa đánh thức được trái tim con mà thôi!

    Ở nhà, con không cho bất kì ai động đến sách vở, can thiệp vào việc học, thỉnh thoảng con nói chuyện với anh ruột. Tôi tìm đến nhà gặp và dặn anh con trò chuyện nhiều hơn để em có thói quen giao tiếp, còn ở lớp tôi tổ chức nhiều hoạt động chia sẻ, giao lưu để lôi kéo con hòa cùng các bạn.

    Lớp tôi có một học sinh tên là Thắng có tài kể chuyện tiếu lâm, chính con gợi ý với tôi những tiết sinh hoạt lớp nên có thêm mục tấu hài. Thế là cứ một tháng vài lần hoặc trong các tiết học văn thỉnh thoảng tôi lại cho các con kể chuyện cười, đóng tiểu phẩm, lũ trẻ cười ngả nghiêng và ánh mắt con bắt đầu xao động...

    Cho đến một hôm con bị lỡ xe tuyến, tôi tìm thấy con ở sân vận động của trường xem các anh lớp lớn đá bóng, ánh mắt linh hoạt, nét mặt tươi tỉnh, đôi lúc tôi còn thấy con cười và vỗ tay nữa.

    Tôi lại gần con hỏi:

    - Con thích bóng đá à, có muốn vào đội bóng của trường không, cô xin mẹ cho?

    Con quay ra ngạc nhiên và trả lời tôi ngay: Có ạ!

    Câu trả lời vẫn chỉ một từ nhưng thái độ của con thì khác, vui hơn, có thần thái hơn hẳn.

    - Tôi dặn con xem thêm một lúc nữa cô sẽ nhắn anh đến đón con về, mai cô đăng kí cho con vào đội bóng, từ tuần sau con ở lại tập nhé!

    Hôm sau con đến lớp, nhìn thấy tôi con mỉm cười ngại ngùng. Cả ngày hôm đó, mỗi lần tôi nói gì với con, dặn dò gì con đều "Dạ". Tôi vui mừng chia sẻ với mẹ con, chị đồng ý cho con tham gia vào câu lạc bộ bóng đá của trường.

    Các em học sinh Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm tham gia nhiều câu lạc bộ ngoại khóa. Ảnh minh họa: Tùng Dương.

    Từ hôm vào câu lạc bộ bóng đá con vui vẻ, bớt rụt rè hơn. Lớp tôi có 3 bạn tham gia câu lạc bộ bóng đá, trong đó có em Minh đá bóng giỏi như cầu thủ chuyên nghiệp. Tôi xếp Minh ngồi cạnh con, từ bóng đá các bạn nói chuyện với nhau nhiều hơn, con cũng bắt đầu tham gia vào hoạt động của lớp, thái độ học tập đã thay đổi hẳn. Nhân đà ấy, tôi nói chuyện nhiều với con hơn, giao hẹn với con về việc học, về bóng đá.

    Không thể kể hết các bạn trong lớp, các thầy cô giáo và gia đình con đã làm những gì trong suốt thời gian lớp 6, lớp 7 để đồng hành với con, nhưng cứ vậy cùng với bóng đá đã giúp con thay đổi.

    Giờ đây con đã trở thành một tiền vệ đẹp trai tài năng trong câu lạc bộ bóng đá của trường được các bạn rất ngưỡng mộ. Con tham gia vào các tiết học dự án môn Ngữ văn, rồi tiết mục hòa ca trong buổi họp phụ huynh. Gia đình con hết sức vui mừng bởi không chỉ thay đổi ở lớp mà về nhà con đã nói chuyện với mẹ, còn giúp mẹ việc nhà.

    Trong năm học sau đó con đã phấn đấu đạt danh hiệu học sinh tiên tiến, con nói với tôi rằng "điểm môn Toán chưa tốt nhưng môn Văn và tiếng Anh tiến bộ rồi cô nhỉ?". Con cùng các bạn đạt danh hiệu Vô địch bóng đá khối Trung học cơ sở của trường. Hôm lên nhận giải, con lại gần nhẹ nhàng ghé sát tai tôi thủ thỉ: Cô có vui không? Tôi chỉ mỉm cười không nói gì.

    Con lại gặng hỏi: Cô nói đi, cô có hạnh phúc không?

    Tôi quay lại dí yêu vào trán cậu bé, có lẽ hiểu được cảm xúc của cô, con chạy vụt lên trước với các bạn, vừa đi vừa nói : "Chiến thắng này con tặng riêng cho cô".

    Nhìn các con bên nhau vui tươi, hạnh phúc như một gia đình tôi chợt nhớ lại lời chia sẻ của một chuyên gia tâm lý: Tự kỉ là một hội chứng dù không phải là bệnh nhưng tự kỉ kéo dài đến cuối đời"... Tôi mỉm cười một mình thầm nghĩ thì ra một điều chỉ là các chàng trai của tôi cùng những khả năng nổi trội của mỗi trẻ chưa được đánh thức thôi"

    Cô Nga chia sẻ thêm: “Lớp học hạnh phúc là nơi các con học sinh cảm thấy muốn đến, với niềm vui, sự mong chờ và những rung cảm tạo nên nguồn cảm hứng, niềm hạnh phúc khi học tập.

    Việc xây dựng lớp học hạnh phúc bắt đầu bằng những việc nhỏ, tỉ mỉ, quan trong hơn là tất cả mọi việc phải bắt đầu từ sự yêu thương, bắt đầu từ sự thấu hiểu và khởi nguồn từ chính sự thay đổi của các thầy cô giáo.

    Mỗi thầy cô giáo chúng tôi luôn dũng cảm vượt qua chính mình để không đơn giản chỉ là người dạy chữ mà trước hết phải là nhà tâm lý, cùng trưởng thành với học sinh và đồng hành với cha mẹ học sinh.

    Được sự đồng hành của ban giám hiệu nhà trường, mỗi giáo viên chủ nhiệm như chúng tôi khao khát được đem lại hạnh phúc cho các con, cho phụ huynh và hạnh phúc cho chính mình, cùng học trò biến mỗi lớp học thành một tổ ấm mà nơi đó thầy cô cũng như các con đều cảm thấy hạnh phúc mỗi ngày”.

    Bài viết liên quan
    Tư vấn online 0987.266.630