• HỆ THỐNG GIÁO DỤC CHẤT LƯỢNG CAO

      NGUYỄN BỈNH KHIÊM - CẦU GIẤY

      Trường Tiểu Học Nguyễn Bỉnh Khiêm - Cầu Giấy

      Trường THCS&THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm - Cầu Giấy

    Báo chí

    [GD&TĐ] ĐỀ THI NGỮ VĂN THPT QUỐC GIA 2019: HAY, VỪA SỨC VÀ KHÔNG BẤT NGỜ

  • Thứ tư, 14:35 Ngày 27/11/2019
  • Link bài viết: https://giaoducthoidai.vn/trao-doi/de-thi-ngu-van-thpt-quoc-gia-2019-hay-vua-suc-va-khong-bat-ngo-4013816-v.html

    GD&TĐ - Đề thi Ngữ văn THPT quốc gia 2019 là một đề thi hay, có tính phân hóa cao, vừa đảm bảo các yêu cầu về xét tốt nghiệp THPT vừa đáp ứng yêu cầu làm cơ sở tuyển sinh ĐH, CĐ.

    Sau 120 phút làm bài, thí sinh đã chính thức hoàn thành môn thi đầu tiên kỳ thi THPT quốc gia năm 2019.

    Đề thi  Ngữ văn gồm 2 phần. Phần Đọc hiểu (3 điểm với 4 câu hỏi), ngữ liệu là 1 đoạn trích trong tác phẩm “trước biển” của Vũ Quần Phương (Thơ Việt Nam 1945-1985, NXB Văn học, 1985).

    Phần làm văn 7 điểm với 2 câu hỏi. Trong đó, câu nghị luận xã hội yêu cầu thí sinh, từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, viết đoạn văn về sức mạnh ý chí con người trong cuộc sống.

    Câu nghị luận văn học yêu cầu nêu cảm nhận về hình tượng dòng sông Hương, trong đoạn trích tác phẩm “Ai đã đặt tên cho dòng sông?” của Hoàng Phủ Ngọc Tường.

    Báo GD&TĐ trân trọng gửi tới quý độc giả ý kiến đánh giá của các chuyên gia về đề thi môn Ngữ văn:

    Ths. Trần Văn Toản (Tổ Văn, trường THPT chuyên Quốc Học Huế, Thừa Thiên Huế):  Đề văn vẫn còn những điểm băn khoăn.

    Các em đã làm quen với đề tham khảo của Bộ GD&ĐT, đã được trải nghiệm dạng đề này trong các lần thi thử, trong quá trình giảng dạy của thầy cô.

    Thứ hai, ở phần đọc hiểu, đề chọn ngữ liệu là một đoạn thơ của Vũ Quần Phương với 4 câu hỏi thể hiện 4 cấp độ tư duy, trong đó có 2 câu hỏi về nội dung, 2 câu hỏi về nghệ thuật là phù hợp.

    Nội dung, ý nghĩa đoạn thơ trong ngữ liệu đọc hiểu bám sát và phù hợp thực tiễn đời sống khi nói về khát vọng con người, đặc biệt là khát vọng của tuổi trẻ... Điều đó chứng tỏ Ban ra đề đã trăn trở, suy nghĩ làm sao văn không tách rời cuộc sống.

    Thứ ba, ở câu 1 (nghị luận xã hội ) của phần làm văn đề yêu cầu viết đoạn văn về sức mạnh, ý chí của con người trong cuộc sống. Theo tôi, đây là vấn đề nóng. Bởi lẽ, trước tác động của xã hội, ảnh hưởng thời đại, nhiều người, nhất là bạn trẻ đã sống phai nhạt lý tưởng, ý chí lung lay, đánh mất niềm tin.

    Viết về ý chí là dịp để bạn trẻ nhìn lại mình, tự thức tỉnh mình. Vì thế câu nghị luận xã hội này đang “chạm” vào giá trị, sức mạnh bản thân nên chắc chắn có sự cộng hưởng, gây chú ý.

    Đặc biệt năm nay ở câu 2 (nghị luận văn học) của phần làm văn đề thi tập trung vào chương trình lớp 12 (không đưa chương trình lớp 11 vào như đề thi năm trước) là phù hợp với mọi đối tượng học sinh.

    Hơn nữa, đề thi ra về bài kí Ai đã đặt tên cho dòng sông của Hoàng Phủ Ngọc Tường là một sự đổi mới. Mấy năm lại đây đề thi chủ yếu tập trung vào thơ và truyện ngắn. Đưa bài kí vào trong đề ít nhiều làm cho học sinh thay đổi cách học tủ, đoán già đoán non. Để làm được, thí sinh phải nắm chắc tác phẩm, học kĩ, học sâu.

    Khác với đề năm ngoái, năm nay câu nghị luận văn học không thuộc dạng đề so sánh (mà so sánh thường rơi vào khập khiễng); đề có 2 yêu cầu và 2 yêu cầu này xoáy vào một tác phẩm, từ tác phẩm mà nhận xét về lối viết của tác giả.

    Tôi cho rằng, điều đó là hợp lý. Hơn nữa, về thứ 2 của câu hỏi trong đề ít nhiều thể hiện được tư duy phát hiện của học sinh về khả năng cảm thụ tinh tế của nhà văn qua một đoạn trong bài kí nổi tiếng.

    Bên cạnh đó,tiếp xúc đề văn năm nay tôi cũng có những băn khoăn. Thứ nhất, nhìn một cách tổng quát, đề thi vẫn quen thuộc, nếu không muốn nói là đơn điệu, sáo mòn. Chọn ngữ liệu là đoạn thơ trong bài Trước biển của Vũ Quần Phương tuy hay nhưng chưa thật thú vị, ý nghĩa xã hội không rộng lắm. 4 câu hỏi trong phần đọc hiểu không có gì mới mẻ, câu 1 hỏi về thể thơ trùng lặp với đề năm trước.

    Hơn nữa câu hỏi đoạn trích viết theo thể thơ gì là quá dễ, không xứng với đề thi THPT. Ở câu 2 phần làm văn đề chép ra đoạn văn viết về sông Hương ở thượng nguồn trong bài kí , rồi yêu cầu học sinh cảm nhận về hình tượng sông Hương trong đoạn trích. Từ đó, nhận xét cách nhìn mang tính phát hiện về dòng sông của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường.

    Thực ra đề cũng chỉ mới dừng lại ở tái hiện là chính. Bởi lẽ ở vế 2 đề yêu cầu học sinh nhận xét cách nhìn mang tính phát hiện của tác giả chứ không phải là phát hiện của học sinh.

    Vì thế, đề thật sự chưa có nhiều chỗ cho học sinh có năng khiếu vùng vẫy, thật sự thể hiện tính sáng tạo trong bài làm. Đưa một đoạn kí, rồi yêu cầu cảm nhận hình tượng và phát hiện cách nhìn… thì phạm vi quá hẹp, dễ lặp ý trong bài.

    Hơn nữa, với học sinh không mặn mà với môn văn, không đọc, không ôn luyện tác phẩm này cũng có thể “làm được” bằng cách dựa vào đoạn văn trong đề mà tán, mà viết tản mạn theo kiểu thuyết minh, miêu tả về sông Hương. Và chắc chắn sẽ có nhiều kiểu bài làm như thế. Thật khổ thân cho người đọc, người chấm.

    Thầy Nguyễn Văn Khoa, giáo viên Ngữ văn, Trường THPT Ban Mai (Hà Nội): Đề thi vừa sức.

    Đề thi bám sát chương trình cơ bản môn Ngữ văn lớp 12; vừa sức với học sinh, với học sinh học lực trung bình, khá có thể đạt từ 7 điểm trở lên;

    Về cấu trúc: Cấu trúc đề thi vẫn gồm hai phần: Phần Đọc-hiểu và Làm văn. Phần Đọc-hiểu gồm 4 câu hỏi theo các cấp độ; phần Làm văn gồm có hai câu: nghị luận xã hội và nghị luận văn học.

    Về phạm vi, phần Đọc-hiểu vẫn lấy văn bản là ngữ liệu ngoài sách giáo khoa sau đó yêu cầu học sinh thực hiện các yêu cầu xoay quanh việc đọc-hiểu văn bản ấy – giống như đề thi minh họa đã được Bộ GD&ĐT công bố.

    Tuy nhiên, điểm khác là đề minh họa thì không có kiến thức phần tiếng Việt, nghĩa là không còn câu hỏi nhận biết (phương thức biểu đạt, phong cách ngôn ngữ, thể thơ, ngôi kể, câu chủ đề,…) mà chỉ còn câu hỏi thông hỏi và vận dụng. Điều này buộc học sinh phải đọc kĩ văn bản mới có thê hoàn thành tốt bài thi. Tuy nhiên, đề thi chính thức lại có phần này (câu 1 hỏi về thể thơ, câu 3 hỏi về tác dụng biện pháp tu từ).

    Phần Làm văn, theo thầy Nguyễn Văn Khoa, đề yêu cầu học sinh viết một đoạn văn khoảng 200 từ về một vấn đề đặt ra trong văn bản ở phần Đọc-hiểu: viết một đoạn văn khoảng 200 từ bàn về sức mạnh và ý chí của con người trong cuộc sống.

    Phần nghị luận văn học, đề thi cho một đoạn văn mở đầu trong bút kí “Ai đã đặt tên cho dòng song” (Hoàng Phủ Ngọc Tường) từ đó yêu cầu cảm nhận hình tượng sông Hương trong đoạn trích trên từ đó nhận xét cách nhìn mang tính phát hiện về dòng sông của nhà văn.

    Với dạng đề này học sinh chỉ cần cảm nhận về hình tượng dòng sông Hương ở thượng nguồn từ đó nhận xét phong cách của nhà văn (cách nhìn mang tính phát hiện). Như vậy so với đề minh họa, đề thi dễ thở hơn rất nhiều.

    Thầy Nguyễn Văn Khoa

    Cô Nguyễn Thu Hà – giáo viên Trường THPT Tử Đà (huyện Phù Ninh, Phú Thọ): Học sinh có cơ hội phát huy thế mạnh

    Nhìn chung đề thi nhẹ nhàng, yêu cầu vừa sức, nội dung kiến thức phù hợp, có tính phân loại. Ở phần Đọc hiểu dẫn một ngữ liệu là thơ, 4 câu hỏi với các mức độ, từ nhận biết, thông hiểu, vận dụng không hề đánh đố học sinh, 2 câu đầu học sinh chỉ cần đọc kỹ câu hỏi và phần ngữ liệu là có thể có câu trả lời. Riêng với câu hỏi số 4, học sinh cần có được những suy nghĩ sâu sắc của bản thân để có thể lấy được điểm cao.

    Ở phần viết đoạn văn nghị luận xã hội, nội dung đề cập đến một vấn đề gần gũi thiết thực đó là sức mạnh ý chí của con người trong cuộc sống. Học sinh hoàn toàn có thể giải quyết được .

    Ở phần viết bài văn nghị luận văn học, chỉ hỏi kiến thức nằm trọn vẹn trong một tác phẩm của lớp 12 đó là tác phẩm "Ai đã đặt tên cho dòng sông?”. Yêu cầu thứ nhất: học sinh trình bày cảm nhận về hình tượng sông Hương trong 1 đoạn văn là yêu cầu rất cơ bản; yêu cầu thứ hai có tính phân loại (nhận xét cách nhìn mang tính phát hiện về dòng sông của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường) tạo cơ hội cho học sinh có trình độ khá giỏi phát huy thế mạnh.

    Cô Nguyễn Thị Xuân Mai – giáo viên môn Ngữ văn - Trường THTP Tháp Mười (Đồng Tháp): Đề Ngữ văn tạo tâm lý an tâm và hài lòng cho thí sinh

    Về cấu trúc đề thi, nội dung chương trình cơ bản ổn định chủ yếu nằm ở chương trình Ngữ văn 12, không thay đổi so với đề thi THPT quốc gia 2018 và đề thi minh họa môn Ngữ văn 2019. Đề thi có hai phần:

    Đọc hiểu (3.0 điểm) với 1 ngữ liệu nằm ngoài chương trình - một đoạn thơ được trích trong bài thơ “Trước biển” của Vũ Quần Phương, với 4 câu hỏi theo các cấp độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Ngữ liệu thơ giống như năm 2018. Cơ bản các câu đọc hiểu rõ ràng, quen thuộc, không có nhiều đô khó và phát huy được khả năng tư duy của học sinh như câu 4.

    Làm văn (7.0 điểm) với hai câu hỏi:

    Câu 1 (2.0 điểm) viết đoạn nghị luận xã hội về vấn đề được rút ra qua đoạn trích Đọc hiểu: sức mạnh của ý chí con người trong cuộc sống. Dạng câu hỏi này cũng rất gần gũi và có tính chất giáo dục học sinh về ý chí và bản lĩnh trong cuộc sống. Đây cũng là câu hỏi quen thuộc, học sinh có thể trả lời dễ dàng.

    Câu 2 (5.0 điểm) viết bài nghị luận văn học: cảm nhận đoạn văn miêu tả vẻ đẹp sông Hương ở thượng nguồn trong bút ký “Ai đã đặt tên cho dòng sông?” của Hoàng Phủ Ngọc Tường. So với đề minh họa, câu hỏi này đi vào dạng quen thuộc cảm nhận đoạn văn và nhận xét mở rộng “cách phát hiện về dòng sông của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường”.

    Nhìn chung, đúng như lời hứa của Bộ GD&ĐT, đề thi THPT QG 2019 là đề vừa sức, nhẹ nhàng, không có tính chất đánh đố quá cao. Điều này tạo tâm lý an tâm và hài lòng cho thí sinh, giáo viên và xã hội.

    Nhìn tổng thể, đề thi này thí sinh có thể đạt điểm từ điểm 5.0 trở lên, vừa đủ để xét tốt nghiệp, vừa là cơ sở đánh giá xét tuyển vào đại học – cao đẳng. 

    Thạc sĩ Nguyễn Thanh Nhân -Tổ trưởng tổ Văn Trường THPT Phú Điền, Đồng Tháp: Đề hay, bao quát, bám sát chương trình sách giáo khoa Ngữ văn 12

     Cấu trúc đề thi bám sát cấu trúc đề minh họa của Bộ GD&ĐT, cơ bản vừa sức với học sinh,  trọng tâm kiến thức nằm trong chương trình lớp 12. Đề thi gồm có 2 phần:

    Phần I: Đọc hiểu ( 3 điểm). Hay và phát huy được khả năng tư duy của học sinh.

    Với ngữ liệu ngoài chương trình sách giáo khoa nhưng vấn đề được bàn đến rất gần gũi, thiết thực với học sinh tập trung vào kiểm tra năng lực đọc hiểu, ý nghĩa văn bản và nêu quan điểm. Cụ thể, gồm 4 câu hỏi:

    Câu 1 (Nhận biết): Nhận biết về thể thơ, đa số học sinh sẽ làm được câu này.

    Câu 2 (Thông hiểu): Hiểu nội dung các dòng thơ, học sinh vận dụng kĩ năng đọc hiểu  để nói lên khó khăn, cực nhọc, vất vả của biết bao kiếp người. Đồng thời ca ngợi những phẩm chất cần cù, chịu khó, hy sinh của con người.

    Câu 3 (Thông hiểu): Chỉ ra hiệu quả của phép điệp trong các dòng thơ? Câu này có độ phân hóa đối với học sinh trung bình. Vì các em phải chỉ hiệu quả của phép điệp là nhấn mạnh, tô đậm vẻ đẹp của biển cả. Bên cạnh đó phải chỉ ra được tình yêu của tác giả đối với biển cả. Học sinh sẽ dễ mất điểm ở phần này.

    4 (Vận dụng): Sáng tạo. Vì phát huy được tư duy của học sinh, các em được trình bày quan điểm cá nhân, có cái nhìn toàn diện, sâu sắc hơn về Hành trình theo đuổi khát vọng của con ngườiđược thể hiện trong đoạn trích.

    Phần II : Tự luận (7 điểm).

    Câu 1 (2 điểm): Viết đoạn văn nghị luận xã hội (khoảng 200 chữ) về sức mạnh ý chí của con người trong cuộc sống, vấn đề nghị luận  được rút ra ngay từ ngữ liệu của phần đọc hiểu. Không đi vào trích dẫn một câu nói, ý kiến, các khái niệm và từ ngữ khó mà bàn luận về bài học trong cuộc sống.

    Đề hay vì giáo dục cho các em thấy được ý nghĩa, tác dụng sức mạnh ý chí của con người trong cuộc sống,  từ đó có hành động thiết thực cuả bản thân đối với việc vươn lên trong cuộc sống. Đa số học sinh sẽ viết được. Học sinh cần đảm bảo hình thức đoạn văn, cần biết kết hợp các thao tác lập luận để viết đoạn văn theo hướng diễn dịch,  tổng phân hợp.

    Nội dung đề cảm nhận về đoạn văn sông Hương vùng thượng nguồn, từ đó nhận xét cách nhìn mang tính phát hiện về dòng sông của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường. Không đánh đố học sinh nhưng sẽ có độ phân hóa cao vì  đòi hỏi các em không chỉ nắm vững kiến thức về tác giả, tác phẩm  mà cần phải nắm được kỹ năng làm bài dạng cảm nhận đoạn văn, nhận xét cách nhìn của tác giả. Vận dụng kiến thức tổng hợp mới lí giải được vế sau. Dự đoán học sinh sẽ khó đạt điểm tối đa ở câu này.

    Nhìn chung, đề thi THPTQG môn Ngữ Văn năm nay là một đề hay, bao quát, bám sát chương trình sách giáo khoa Ngữ văn 12, có đầy đủ các mức độ nhận thức, có tính phân loại học sinh cao. Do đó, đòi hỏi học sinh cần cố gắng hơn rất nhiều mới có thể đạt được điểm khá, giỏi.

    Thầy giáo Lê Hồng Phong - Tổ trưởng tổ Văn của Trường THPT Hàm Rồng (TP.Thanh Hóa): Đề thi môn ngữ Văn không đánh đố học trò

    Đối với câu 1 - phần đọc hiểu, trích trong bài thơ của nhà thơ  Vũ Quần Phương khá hay, nó kêu gọi khích lệ con người ta có chí tiến thủ, hướng đi lên.

    Ba câu đầu yêu cầu về nhận diện thể thơ, yêu cầu phát triển nội dung trong hai câu thơ và yêu cầu phát hiện, chỉ ra tác dụng các biện pháp tu từ

    Thí sinh tại điểm thi Trường THPT chuyên Lam Sơn (Thanh Hóa)
    rạng rỡ sau khi kết thúc môn thi Ngữ Văn.

    Phần này, học sinh trung bình đều có thể làm được. Tuy nhiên câu 4 - một số câu khá thú vị, yêu cầu học sinh có suy nghĩ riêng trong việc hành trình theo đuổi khát vọng riêng, học sinh có cơ hội thể hiện quan điểm bản thân. Cho nên, ngay từ câu đọc hiểu thông thường, đã có tính phân hóa học sinh.

    Đối với câu nghị luận văn học cũng khá thú vị, yêu cầu học sinh bộc lộ suy nghĩ của bản thân, quan điểm của người trẻ về vấn đề thời sự ở xã hội này, nhất là ở thời đại 4.0, giúp học sinh có cơ hội tính bứt phá.

    Câu nghị luận văn học, là câu thú vị nhất trong đề thi năm nay. Theo đề giới thiệu từ đầu năm, Bộ hướng đến dữ liệu 2 đoạn trích trong cùng một tác phẩm. Nên ngay từ đầu học sinh đã chuẩn bị tâm lý hướng tới đề khó hơn.

    Tuy nhiên, đối với đề năm nay, yêu cầu học sinh nhận xét cách nhìn về dòng sông Hương của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường. Đây là câu phân loại cao nhất. Học sinh sẽ phải chỉ ra được vẻ đẹp của dòng sông Hương, bí ẩn, hoang dã, man dại của nó. Chỉ học sinh giỏi mới có thể nhận ra được đặc điểm tài hoa, tinh thần yêu quê hương, yêu xứ Huế, yêu tổ quốc trong chất ký của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường. Dòng sông này không chỉ hiền hòa mà cũng bí ẩn, hoang dại… như vốn có của nó.

    Nhìn chung, đề thi môn ngữ Văn năm nay nếu học sinh trung bình có thể đạt được 6,5 điểm. Còn đối với học sinh khá, giỏi thì đề thi năm nay khá thú vị và không khó với lực học của các em. Mặc dù vậy Bộ vẫn không quên tính phân hóa đối tượng học sinh khi ra đề môn Ngữ Văn".

    Thí sinh hân hoan với người thân tại cổng trường sau khi kết thúc môn thi.

    Cô giáo Nguyễn Thị Băng Tú, Giáo viên Trường THPT Kim Liên: Đề Văn không khó khăn, không gây ngỡ ngàng

    Với đề Ngữ Văn năm nay, học sinh sẽ không ngỡ ngàng hay cảm thấy khó khăn về cấu trúc đề và đúng theo tinh thần ra đề thi của Bộ. Bởi vì cấu trúc này học sinh đã được tập dượt nhiều lần, đặc biệt qua kỳ khảo sát của Sở

    Theo kinh nghiệm nhiều năm ôn thi cho HS, cô Băng Tú khẳng định: Về nội dung, phần đọc hiểu có tính chiến lược theo tinh thần của Bộ: mang tính đổi mới, đặt ra cho học sinh đang đứng trước ngưỡng vửa cuộc đời những vấn đề vừa phù hợp với kiến thức, thiết thực với cuộc sống, đồng thời gợi mở cho học sinh tầm nhìn đối với tương lai.

    Ví dụ, như sứ mệnh của con người, khát vọng của con người, hành trình khám phá bản thân... Mỗi học sinh cần tự mình đặt ra câu hỏi và tự trả lời câu hỏi trong suốt hành trình của cuộc đời mình.

    Đó là câu hỏi ta là ai trong cuộc đời này, sứ mệnh của ta là như thế nào và để thực hiện sứ mệnh phải khát vọng như thế nào. Đề Văn không chỉ giải quyết việc thi cử, mà còn đặt ra vấn đề nhân sinh đối với học sinh. Đề rất thú vị

    Ở câu 4 của phần đọc hiểu là câu hỏi về hành trình theo đuổi khát vọng của con người, con người sinh ta không chỉ có “mặn chát của giọt mồ hôi cay đắng” mà tiềm ẩn trong mỗi con người luôn là những khát khao, là hành trình theo đuổi khát vọng của bản thân.

    Bài thơ “Trước biển” của Vũ Quần Phương trải qua hơn 30 năm nhưng mạch cảm xúc của tác giả, tư tưởng, ý nghĩa nhân sinh vẫn còn nguyên giá trị đến ngày hôm nay.

    Với những học sinh có ý thức và suy nghĩ sáng tạo, biết gắn việc học môn Văn với thực tế cuộc sống thông qua trải nghiệm của bản thân thì sẽ thấy câu hỏi của đề này không quá sức, khó khăn mà là thử thách thú vị.

    Câu 1 của phần làm văn tiếp tục bàn về sức mạnh ý chí của con người trong cuộc sống. Như vậy, câu 4 phần đọc hiểu và câu 1 phần làm văn tuy không đồng nhất nhưng lại thống nhất, bởi sở dĩ con người khi có ý chí mạnh mẽ là do có khát vọng lớn. Bản chất của ý chí là từ khát vọng. Với trình tự ra đề như vậy, học sinh có thể biết kết nối kiến thức theo một mạch nhất quán.

    Câu 2 của phần làm văn rất đậm chất văn, đây là đoạn tiêu biểu trong bài ký  “Ai đã đặt tên cho dòng sông”. Đây cũng là đoạn thể hiện rõ nét đặc điểm địa lý của con sông Hương và hơn hết bộc lộ phong cách riêng của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường rõ nhất. 

    Thầy giáo Nguyễn Đình Hòa (giáo viên Ngữ văn trường THPT Trần Phú – Đà Nẵng): Đề thi môn có tính phân hóa cao

    Đề thi môn Ngữ văn năm nay không quá khó. Ở phần đọc hiểu, các câu hỏi đáp ứng đầy đủ yêu cầu theo ma trận đề thi, từ câu hỏi nhận biết, thông hiểu, vận dụng.

    Phần nghị luận xã hội có liên quan đến khát vọng sống, ý chí của con người rất gần gũi với học sinh lớp 12 – giai đoạn đứng trước ngưỡng cửa lập thân, lập nghiệp nên các em không quá khó khi trình bày những suy nghĩ, quan điểm của mình”.

    Với đề thi Ngữ văn năm nay, phổ điểm sẽ chủ yếu tập trung ở mốc điểm 5-6 điểm.  

    Ngoài ra, theo như thầy Hòa, với thể loại bút ký, thể hiện sự tài hoa của tác giả và đây cũng là một tác phẩm viết về đặc trưng văn hóa của vùng miền nên nhiều học sinh sẽ không cảm nhận được cái hay của tác phẩm. Chính vì vậy, đề thi Ngữ văn năm nay có tính phân hóa học sinh rất tốt, đạt được cả hai yêu cầu xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh ĐH.

    Cô Nguyễn Khánh Ly – GV Ngữ văn Trường THPT chuyên Đại học Vinh: Đề thi có cấu trúc ổn định so với các năm

    Kiến thức trong đề cơ bản, đề cập đến những vấn đề trọng tâm trong chương trình sách giáo khoa, thiết thực với thế hệ trẻ ngày nay như: Sức mạnh của ý chí trong cuộc sống…

    Đề thi vừa đảm bảo nội dung và kiến thức cơ bản, nhưng cũng có sự phân hóa sâu sắc. Câu nghị luận xã hội đòi hỏi học sinh phải vận dụng nhiều thao tác phân tích, tổng hợp, so sánh, đánh giá mới đạt điểm cao.

    Về câu nghị luận văn học có cấu trúc hơi khác so với đề thi minh họa nhưng vẫn nằm trong vấn đề trọng tâm trong chương trình ôn tập. Tuy nhiên, học sinh sẽ khó viết được dài, hay với bài nghị luận văn học vì cần kiến thức sâu, chắc chắn, có sự so sánh rộng ra.

    Nhiều thí sinh đánh giá đề dễ thở, nhưng giáo viên cho rằng đạt điểm cao
    cần nhiều thao tác tổng hợp, phân tích, so sánh trong bài làm

    Cô giáo Đinh Lệ Sâm (Giáo viên dạy môn Ngữ văn – Trường THPT Hà Huy Tập, Thanh Hóa): Đề thi vừa nhẹ nhàng vừa tinh tế.

    Ở phần đọc hiểu, các câu hỏi yêu cầu thí sinh trả lời khá dễ, thậm chí một số câu hỏi như viết theo thể thơ nào, dùng biện pháp gì có thể học sinh THCS cũng có thể trả lời được và cũng đã được giáo viên ôn tập rất kỹ. 

    Cái khó của đề thi này là học sinh cần phải có sự tinh tế, phải đọc kỹ bài văn, phải biết phân tích đoạn ký từ hình ảnh, từ ngữ, giọng điệu và phải nói được nói cái tôi của tác giả.

    Ngoài ra, trong quá trình phân tích, bên cạnh phân tích nội dung nghệ thuật thì phải còn phân tích được tác giả ở các góc nhìn khác của một nhà văn, nhà địa lý, nhà văn hóa, nhà khoa học.

    Đây cũng là câu hỏi để phân hóa học sinh vì nếu học sinh không đọc kỹ hiểu kỹ và phương pháp làm bài thì chỉ viết được một số đoạn dựa trên ngôn ngữ văn bản mà không thấy được tài hòa của nhà văn.

    Cô Đặng Thị Minh Nguyệt - Giáo viên trường THPT Đan Phượng (Hà Nội): Đề văn hay, thí sinh có nhiều "đất viết"

    Đề thi Ngữ văn không khó, vừa sức với thí sinh và có độ phân hóa tốt. Các câu hỏi tường minh, không lắt léo và đánh đố học sinh.

    Riêng phần đọc hiểu, ngữ liệu thuộc bài thơ "Trước Biển" - một bài thơ hay của tác giả Vũ Quần Phương. Ngữ liệu có sức gợi cảm và lay động đến người đọc nhiều suy nghĩ về cuộc sống, về ý chí và nghị lực.

    Vì thế câu hỏi nghị luận xã hội liên quan đến đoạn trích của bài thơ trên cũng rất hay, thí sinh dễ viết và dễ "ăn điểm". Với câu hỏi này, thí sinh có học lực trung bình cũng có thể làm được bài.

    "Tuy nhiên, tôi thích nhất câu 2 ở phần II. Đây là câu hỏi rất hay và có nhiều "đất" để thí sinh viết; nhất là với những thí sinh có học lực khá, giỏi và cảm thụ văn học tốt" - cô Nguyệt chia sẻ.

    Theo cô Nguyệt, với đề thi mở như môn Ngữ văn thì thí sinh phải nắm chắc kiến thức cơ bản mới có thể làm được. Vì thế, nếu thí sinh học vẹt sẽ rất khó để có thể hoàn thành tốt bài thi.

    Cô Nguyệt nhận định: Với đề thi này, điểm thi sẽ dao động chủ yếu từ 5-7 điểm. Trong đó, học sinh trung bình sẽ không khó thể đạt 5-6 điểm, còn học sinh khá, giỏi cũng thể thể 7 điểm trở lên.

    "Nói chung, đề thi đạt được tiêu chí: vừa xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào đại học năm 2019" - cô Nguyệt nhấn mạnh.

    Cô Vũ Thị Đỗ Quyên, GV Trường THPT Quang Trung - Đống Đa (Hà Nội): Đề thi môn Ngữ văn giúp học sinh biết yêu cái đẹp của văn chương.

    Bố cục phù hợp với đề minh họa của Bộ GD&ĐT, bám sát yêu cầu chuẩn kiến thức kỹ năng. Đề cơ bản không gây bất ngờ cho HS.

    Phần Đọc hiểu đúng theo định hướng của Bộ GD&ĐT: Nhận biết, thông hiểu và vận dụng.

    Cô Vũ Thị Đỗ Quyên, GV Trường THPT Quang Trung - Đống Đa.

    Phần Nghị luận xã hội: Đề yêu cầu học sinh viết về “sức mạnh ý chí của con người trong cuộc sống”. Đây là chủ đề không mới nhưng phù hợp để nhắc nhở thế hệ trẻ có ý thức vươn lên trong cuộc sống.

    Phần Nghị luận văn học: Đề sử dụng tác phẩm “Ai đã đặt tên cho dòng sông” của Hoàng Phủ Ngọc Tường, đoạn trích ngợi ca vẻ đẹp của sông Hương nơi thượng nguồn. Với đoạn trích này,đề đảm bảo nội dung cơ bản trong chương trình, nhấn mạnh đặc trưng phong cách của Hoàng Phủ Ngọc Tường, đồng thời vẫn phát huy được sự cảm nhận riêng của người đọc về vẻ đẹp sông Hương qua cách miêu tả của nhà văn.

    Đề đảm bảo kiến thức cơ bản, đồng thời vẫn phát huy được cá tính sáng tạo của học trò. Đặc biệt nhấn mạnh về vẻ đẹp sông Hương là cách nhắc nhở HS biết yêu cái đẹp của văn chương và cái đẹp của quê hương đất nước.

    Với đề này, HS đạt được điểm 5 không khó nhưng để đạt điểm tối đa sẽ không nhiều vì việc phân tích, cảm nhận tác phẩm ký vấn còn là thử thách đối với HS. Tuy nhiên, đề sử dụng bài thơ cách đây hơn 30 năm, vì thế ngữ liệu trong phần đọc hiểu cũng ít hơi thở thời đại.

    Cô giáo Vũ Thị Bình (Tổ trưởng tổ Ngữ văn, Trường THPT Trần Phú - Hoàn Kiếm, Hà Nội): Đề thi Văn bám sát đề minh họa

    Đề thi chính thức tương đối sát với đề minh họa của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Mức độ các câu hỏi: Vừa sức, có sự phân hóa, đánh giá được đúng thực lực của học sinh. Về phần Đọc hiểu: 4 câu hỏi tương ứng với 4 mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp và vận dụng cao, phù hợp với khả năng, trình độ nhận thức của học sinh đồng thời có tính gợi mở, giúp học sinh khá giỏi “có đất”  để phát huy năng lực tư duy và sự sáng tạo

    Về phần làm Văn: Đoạn văn nghị luận xã hội: Bám sát vào văn bản đọc hiểu, phù hợp với sự hiểu biết về xã hội của học sinh; đồng thời có tính định hướng thiết thực cho các em, có ý nghĩa giáo dục và vận dụng cao vào thực tế.

    Bài văn nghị luận văn học: Văn bản được trích dẫn hay, tiêu biểu, phù hợp với kiến thức của học sinh đã được học trong chương trình đồng thời có sự phân hóa về năng lực.

    Những em học trung bình vẫn có thể hoàn thành bài thi, những học sinh khá giỏi sẽ phát huy được năng lực cảm thụ văn học, đặc biệt là năng lực phân tích, so sánh, tổng hợp hình tượng nghệ thuật để đạt được điểm cao.

    Đề thi gọn gàng, không quá ôm đồm kiến thức nên đảm bảo được thời gian làm bài của học sinh.

    Đảm bảo tính khoa học trong cấu trúc và trong kiến thức mà vẫn đảm bảo được chất văn. Có ý nghĩa giáo dục, phù hợp với thực tế. Đáp ứng được yêu cầu của kỳ thi.

    Cô Nguyễn Thị Kiều Oanh, Tổ trưởng tổ Văn Trường THPT Nguyễn Du (Quận 10, TP HCM): Đề năm nay dễ thở hơn năm ngoái.

    Theo cô Kiều Oanh, đề thi năm nay nằm trọn vẹn trong chương trình lớp 12, khác với năm ngoái có phần kiến thức lớp 11 khiến nhiều học sinh lo lắng.

    Đề thi đúng với tinh thần của Bộ GD&ĐT là bám sát chương trình lớp 12, phần nghị luận văn học nằm ở bài cuối chương trình học kỳ I lớp 12.

    Đề thi ra đoạn văn nhẹ nhàng, trích dẫn nguyên đoạn, không như các đề trước đây khiến học sinh phải thuộc. Ngay ở câu 3 và 4 phần đọc hiểu đã thể hiện sự phân hóa tốt. Nhưng ở phần này, em nào trả lời rõ ràng mới đạt điểm tối đa.

    Ở phần Nghị luận xã hội, dữ liệu về điểm dễ dàng, viết về ý chí thì tôi tin là học sinh nào cũng đã làm quen qua các sự kiện xã hội gần đây.

    Vấn đề là các em viết như thế nào để “ăn” điểm, vì chủ đề không khó. Cô Oanh cũng cho rằng, đề năm nay dễ thở hơn năm ngoái, phần nghị luận văn học dễ hơn nhiều. Nhưng tùy vào kỹ năng làm bài, cảm thụ của từng em như thế nào để có điểm cao.

    Thầy Nguyễn Trọng Đức - Giáo viên Văn (Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh): Tôi vẫn kỳ vọng đề thi mới và mở hơn.

    Tôi vẫn kỳ vọng đề thi mới và mở hơn nhưng chưa xuất hiện trong đề thi Văn năm nay. Về mặt cấu trúc đề vẫn giữ nguyên như đề THPT quốc gia 2018, kiến thức đề yêu cầu cơ bản, trọng tâm phù hợp kỳ thi 2 trong 1, vừa xét tuyển tốt nghiệp, vừa tuyển sinh ĐH, CĐ. Độ an toàn đề đảm bảo.

    Thầy Nguyễn Trọng Đức - Giáo viên Văn (Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh).

    Còn về phần đọc hiểu, đề có 4 câu hỏi thì câu hỏi 1 ở mức độ nhận biết, câu 2,3 ở mức độ thông hiểu, câu 4 ở mức độ vận dụng thấp. Kết cấu các câu hỏi vậy là hợp lý. Tuy nhiên, tôi không ấn tượng cách hỏi vì hỏi quá cũ, quá quen thuộc như hỏi "thể thở", "hiệu quả phép tu từ".

    Riêng câu hỏi số 4 có vẻ hơi rộng. Phần làm Văn cả hai bài tập đều cơ bản ổn. Nhìn chung đây là một đề Văn đảm bảo tính khoa học nhưng nói hay thì chưa hay, chưa mới".

    Cô Nguyễn Thị Hương Thủy THPT Chu Văn An:

    Đề cấu trúc tương đương với đề minh họa. HS không bị bỡ ngỡ và có tinh thần làm bài khá thoải mái. Đề đã đảm bảo được chuẩn kiến thức và kỹ năng, chạm đến những vấn đề mang tính thời sự và có thể phát huy được những trải nghiệm của HS THPT. HS có thể làm bài không chỉ bằng kiến thức ở nhà trường, mà còn bằng những suy nghĩ, trải nghiệm của cá nhân.

    Với những HS có lực học trung bình, có thể giải quyết được đề bài ở mức độ 50- 60%. Còn với HS giỏi, có năng lực, biết suy tư, trăn trở, có thể phát huy được sở trường của mình khi cảm nhận được nội dung sâu xa của đề.

    Cả hai phần đọc hiểu và làm văn đều là những vấn đề quen thuộc, đã được trình bày bởi những con người ở thế hệ trước (Vũ Quần Phương, Hoàng Phủ Ngọc Tường... những người ở thế hệ nguyện “hóa thân cho dáng hình xứ sở”); những HS thuộc thế hệ ngày hôm nay khi làm bài có thể đối thoại được với thế hệ đi trước, thế hệ cha anh, để vừa thể hiện được sự suy tư khi kế thừa thành quả, vừa thể hiện được sự tiếp nối của thế hệ trẻ hôm nay.

    Cô giáo Nguyễn Thị Quỳnh Nga - Giáo viên môn Ngữ Văn Trường THPT Trần Nguyên Hãn (quận Lê Chân, Hải Phòng): Đề thi môn Ngữ văn có sự phân hoá theo chiều sâu

    Theo cô Nga Đề thi năm nay có sự phân hoá rõ ràng đối với học sinh và như vậy rất hợp lý.

    Cụ thể, phần đọc hiểu, học sinh có thể nêu được các ý hiểu một cách cơ bản nhưng để trả lời sát được vấn đề trọng tâm thì cần phải có kỹ năng làm bài chắc như: xác định nội dung bao quát cả ngữ liệu rồi mới đi vào các câu chi tiết, nếu chỉ tập trung gói gọn trong câu hỏi thì thí sinh sẽ dễ trả lời mơ hồ, không đúng trọng tâm; học sinh có hiểu biết về ý nghĩa của các hình tượng trong bài; nắm chắc hiệu quả của các biện pháp tu từ. 

    Phần Nghị luận Xã hội vấn đề đặt ra không khó, học sinh có thể làm nài khi nắm những kiến thức cơ bản. 

    Phần Nghị luận Văn học vào tác phẩm “Ai đã đặt tên cho dòng sông ?” của tác giả Hoàng Phú Ngọc Tường, có trích đoạn nên học sinh làm bài tạm ổn. Nhưng sự phân hoá nằm ở tính cảm xúc và trường liên tưởng, so sánh của các em đối với vấn đề đặt ra. Đề thi năm nay, tôi thấy hợp lý, cô Nga cho hay.

    Còn cô giáo Nguyễn Thị Thu- giáo viên Trường THPT Tô Hiệu (Vĩnh Bảo, Hải Phòng) nhận xét: Đề thi Ngữ văn trong kỳ thi THPT quốc gia năm nay chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12, kiến thức vừa sức với học sinh có học lực trung bình. Học sinh chỉ cần đọc văn bản, nhớ dẫn chứng là có thể làm bài được. Đối với học sinh Trường THPT Tô Hiệu, những kiến thức trong môn thi Ngữ Văn đều được các thầy cô giáo bộ môn ôn tập khá kỹ và có thể làm bài tốt.

    Cô giáo Nguyễn Nguyệt Nga

    Cô Nguyễn Nguyệt Nga – Giáo viên trường THPT Tây Hồ (Hà Nội) cho rằng, đây là đề thi thành công, vừa sức học sinh, tạo tâm lý thoải mái cho thí sinh bước vào các môn thi tiếp theo.

    Đề thi có mức độ phân hóa cao, đặc biệt ở câu nghị luận văn học.

    Về cấu trúc: Đề thi năm nay cơ bản giữ nguyên như đề thi năm trước, bám sát đề minh họa mà Bộ GD&ĐT đã công bố trước đó. Riêng câu Nghị luận văn học, đề thi năm nay có yêu cầu “nhẹ” hơn so với đề thi năm trước.

    Phần Đọc hiểu: Bám sát ma trận đề thi, với 4 mức độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp, vận dụng cao. Đặc biệt, ở câu hỏi số 4, yêu cầu học sinh trình bày suy nghĩ về hành trình theo đuổi khát vọng của con người. Đây là câu hỏi mở, học sinh phát huy được tư duy phản biện để bảo vệ ý kiến cá nhân.

    Phần Làm văn: Câu 1 bàn về sức mạnh ý chí của con người trong cuộc sống. Đây là vấn đề không mới song thiết thực và có ý nghĩa quan trọng với học sinh. Tuy nhiên, các em phải có tư duy độc lập, thể hiện quan điểm cá nhân mang tính sáng tạo mới tạo được ấn tượng cho phần bài làm của mình.

    Câu 2, yêu cầu của đề là cảm nhận về hình tượng sông Hương trong một đoạn trích, từ đó nhận xét cách nhìn mang tính phát hiện về dòng sông của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường.

    Về yêu cầu cảm nhận, không làm khó mọi thí sinh ở các trình độ. Với yêu cầu mang tính phát hiện, đòi hỏi thí sinh phải có kiến thức về lý luận, am hiểu về phong cách của nhà văn mới có thể đưa ra những nhận xét sắc bén, “ăn điểm”.

    Về phổ điểm, với đề thi năm nay, cô Nga dự đoán học sinh trung bình không khó để đạt mức điểm 5 - 6; học sinh khá đạt 7 - 8. Tuy nhiên, đề thi dù được đánh giá là không quá khó nhưng sẽ không nhiều thí sinh có thể để đạt điểm 9 – 10 do tính chất phân hóa cao của đề thi.

    Cô Nguyễn Thị Hương Thủy (Trường THPT Chu Văn An)

    Đề không nặng về tái hiện kiến thức. Việc trích dẫn cụ thể một ngữ liệu trong câu hỏi nghị luận văn học giúp học sinh có thể nhanh chóng áp dụng những kỹ năng đã được trang bị để xử lý đề và dành nhiều thời gian để tư duy, để liên hệ, để thể hiện được những ý tưởng và những sáng tạo của riêng mình trong bài làm.

    Vì vậy, đề cũng đảm bảo yêu cầu về phân loại học sinh, những bài được điểm cao không chỉ đảm bảo đủ ý, mà còn phải thể hiện được năng lực tư duy, năng lực ngôn ngữ, năng lực liên hệ thực tế.

    Cô Tô Lan Hương (Trường THPT Nguyễn Siêu):

    Đề Ngữ Văn không khó, rất cơ bản, không có gì lắt léo mang tính đánh đố người học. Đề đảm bảo chuẩn kiến thức, kỹ năng đối với học sinh. Về tính hiệu quả, với mức độ của một kỳ thi quốc gia, đề đảm bảo đa phần học sinh đều làm được ít nhất ở mức trung bình trở lên.

    Tuy nhiên, sự khơi gợi phát huy tính sáng tạo của học sinh chưa nhiều. Học sinh có thể hơi băn khoăn một chút về câu nghị luận văn học (vì đề ra vào bài kí, một trong 3 thể loại thơ, truyện, kí thì kí là khó làm).

    Khả năng cảm nhận và thẩm bình của học sinh không tốt thì làm câu 5 điểm sẽ rơi vào tình trạng diễn xuôi, chứ thực chất câu này không khó. Phần đọc hiểu văn bản và viết đoạn nghị luận trong tầm tay của học sinh 12.

    Bài viết liên quan
    Tư vấn online 0987.266.630