• HỆ THỐNG GIÁO DỤC CHẤT LƯỢNG CAO

      NGUYỄN BỈNH KHIÊM - CẦU GIẤY

      Trường Tiểu Học Nguyễn Bỉnh Khiêm - Cầu Giấy

      Trường THCS&THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm - Cầu Giấy

    Tin tức & sự kiện

    [LAO ĐỘNG] Phòng chống bạo lực học đường: Dạy giá trị sống để quản lý cảm xúc

  • Thứ năm, 13:53 Ngày 18/04/2019
  • Link bài viết: https://laodong.vn/giao-duc/phong-chong-bao-luc-hoc-duong-day-gia-tri-song-de-quan-ly-cam-xuc-728296.ldo?fbclid=IwAR1ljhygE11NPM4xgqYEbjdud8sQXWh1k5K9SGCBI0J1IQN9yajmrmorYQ8

    Theo TS Nguyễn Văn Hoà, bạo lực học đường đang là vấn đề nổi cộm thường ngày của nhà trường. Bạo lực học đường không thể hết ngay được.

    Thầy cô phải kiểm soát được cảm xúc và hành vi

    Trao đổi tại Hội nghị “Bảo đảm an ninh, an toàn trường học phòng, chống bạo lực học đường” do Bộ GDĐT tổ chức sáng 16.4, TS Nguyễn Văn Hoà – Chủ tịch HĐQT Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội) cho rằng, xã hội thường nhìn nhận, đánh giá bạo lực học đường ở góc độ đạo đức, kỷ luật của học sinh là do áp lực trên vai giáo viên.

    TS Hoà cho rằng bạo lực học đường là những vấn đề thường ngày của nhà trường. “Chúng ta đang dạy trẻ con, mà đã dạy trẻ con thì sẽ có nhiều chuyện xảy ra. Vì thế, bạo lực sẽ sống cùng hằng ngày với nhà trường mà không phải muốn chấm dứt là chấm dứt ngay được. Điều quan trọng là cách nhìn nhận và đánh giá của xã hội cũng như giải pháp cho vấn đề”, ông Hoà chia sẻ.

    Theo vị Chủ tịch HĐQT Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm, trong nguyên nhân để xảy ra bạo lực học đường, cần chú trọng đến vấn đề tâm lý học lứa tuổi, khoa học tâm lý giáo dục và vấn đề xây dựng văn hoá trường học.

    TS Nguyễn Văn Hoà.

    Với hơn 20 năm kinh nghiệm làm hiệu trưởng, TS Hoà cho biết trước đây, hằng ngày, ông từng rất mệt mỏi khi phải xử lý rất nhiều vụ việc giữa học sinh với học sinh, học sinh với giáo viên, giáo viên với phụ huynh. Khoảng 8 năm trở lại đây, nhà trường đã áp dụng phương pháp giáo dục giá trị sống và thực hành kĩ năng sống.

    Ông đã hướng giáo viên biết cách tự xử lý các vấn đề của học sinh mình, biết cách hoá giải vấn đề về bạo lực ngay trong mầm mống. Các tiết sinh hoạt vốn khô cứng được xây dựng mở hơn theo hướng thầy cô được chia sẻ, học sinh nói về học sinh, học sinh nói về mình để chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm với nhau.

    Từ đó, các thầy cô biết quản lý cảm xúc, chuyển hoá cảm xúc thành kĩ năng sống, áp lực thành động lực, tự hoá giải các tình huống gay cấn trong lớp học, biến những vấn đề căng thẳng về tâm lý hằng ngày trở thành những chuyện đơn giản.

    Học sinh được học môn giá trị sống 1 tiết/ngày để sống thân thiện, yêu thương hơn, có văn hoá. Trường học từ đó trở nên an toàn, hạnh phúc hơn.

    Câu chuyện không của riêng ai

    Ở góc độ nhà trường, GS Nguyễn Văn Minh – Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng nhiều vụ việc bạo lực xảy ra trong phạm vi nhà trường nhưng các thầy cô còn lúng túng, sợ trách nhiệm trong xử lý. Nhà trường cần phối hợp với phụ huynh, cơ quan bảo vệ pháp luật chủ động giải quyết vấn đề.

    GS Minh cũng đề xuất các trường nên có lớp tư vấn cho phụ huynh, vì có lỗ hổng trong đào tạo trẻ khi cha mẹ thường phó mặc cho nhà trường hoặc thể hiện sự chưa mẫu mực.

    GS Nguyễn Văn Minh nhấn mạnh đến sự phối hợp giữa các đơn vị trong việc giải quyết bạo lực học đường, giáo dục học sinh.

    Đồng quan điểm với GS Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Lê Văn Quý cũng đề xuất thêm việc các cơ quan chức năng cần quản lý, gỡ bỏ những video bạo lực, ảnh hưởng đến tâm, sinh, lí học sinh trên mạng.

    Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ thẳng thắn chỉ rõ: “Toàn ngành phải chủ động tích cực và nhấn mạnh đến các hoạt động phòng, chứ không phải chống. Lấy giáo dục làm gốc, nêu gương là quan trọng, không thể lấy răn đe, phạt làm biện pháp chính”.

    Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chủ trì hội nghị.

    Bộ trưởng cũng khẳng định phòng, chống bạo lực học đường không phải chỉ là trách nhiệm của cơ quan lãnh đạo, bộ ngành liên quan, địa phương, ban giám hiệu..., mà đây còn là trách nhiệm của từng thầy cô, cán bộ, viên chức, người lao động, học sinh trong nhà trường, phụ huynh, và sự chung tay của toàn xã hội.

    “Xem nhẹ bất cứ một khâu nào trong nguyên lý nhà trường – gia đình – xã hội thì hiệu quả công tác phòng chống bạo lực học đường sẽ không cao”, Bộ trưởng nói. 

    Bài viết liên quan
    Tư vấn online 0987.266.630