• HỆ THỐNG GIÁO DỤC CHẤT LƯỢNG CAO

      NGUYỄN BỈNH KHIÊM - CẦU GIẤY

      Trường Tiểu Học Nguyễn Bỉnh Khiêm - Cầu Giấy

      Trường THCS&THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm - Cầu Giấy

    Tin tức & sự kiện

    NHỮNG PHÉP MÀU TRONG TRƯỜNG HỌC – THAY ĐỔI ĐẾN TỪ AI?

  • Thứ tư, 16:50 Ngày 10/07/2019
  • Những phép màu trong trường học đến từ đâu, đến từ ai? Giáo viên chủ nhiệm trường Nguyễn Bỉnh Khiêm đã tạo ra những phép màu để thay đổi những người con - học sinh thân yêu. Những câu chuyện bên trong lớp học và bên ngoài cửa lớp đều đã mang đến thật nhiều xúc cảm từ sự chân thành và tình yêu thương vô bờ. Dưới đây là một câu chuyện về một cậu học sinh có hoàn cảnh khác biệt nhưng đầy nỗ lực và thầy cô giáo là người chắp cánh cho con bay lên!

    "Một thời gian tuy chưa thật dài gắn bó với trường phổ thông, làm công tác giáo viên chủ nhiệm, tôi cảm thấy một trong những điều thú vị nhất là vai trò này giúp tôi nhận ra được những cá tính đặc biệt của học trò.

    Phải, cái nghề tưởng như đang bị thất thế ở thời điểm mà các giá trị thực dụng trong xã hội áp đảo, nơi hình mẫu của những người thành đạt mới là cái hấp dẫn với cả phụ huynh và học sinh thì chính nghề sư phạm và đặc biệt làm giáo viên chủ nhiệm, ta mới có thể nhận diện được tâm hồn của những cô cậu học trò trẻ tuổi

    Chỉ ở công việc này người giáo viên mới phát hiện ra được những người học trò “đặc biệt” bởi sớm nhìn ra được những khoảng không gian khác ngoài những trang sách, những bức tường của gia đình, của trường lớp mà nhiều người cho rằng chúng thực hiện chức năng bảo vệ thay vì che chắn nhận thức cho học trò.

    Không dễ để làm bạn với những học trò như thế, nhưng làm bạn với họ - cuộc đời của người giáo viên sẽ có nhiều câu chuyện để nhớ lại, để suy nghĩ hơn là những chuỗi công việc lặp lại dễ nhám chán của nghề dạy học.

    Có thể nói, ba năm dạy các con, số giờ lên lớp xét đến cùng cũng có thể quy ra được một con số hữu hạn nào đó, nhưng kỷ niệm lại là thứ khó có thể đong đếm được. Nhiều khi những thứ li ti, nhỏ nhặt nhất lại nảy ra trong trí nhớ: Tôi nhớ cách đây 2 năm rưỡi tôi được đón lớp chủ nhiệm mới – lớp 10A là một lớp chọn ban A, nếu nhìn vào hồ sơ học bạ của các con thì chắc hẳn ai cũng nghĩ rằng lớp sẽ toàn những học sinh ngoan, học khá, có nhiều tài năng – bản thân tôi cũng thầm hi vọng như vậy. Sau những tháng đầu tiên làm chủ nhiệm lớp, mọi đặc điểm của các cá nhân trong lớp dần hiện ra rõ nét hơn, đặc biệt là lực học và ý thức của một số con không được tốt như học bạ cấp 2 của các con. Tuy là lớp chọn nhưng lớp tôi có tới khoảng 5 học sinh có lực học dưới mức trung bình, trong đó có học sinh Trần Ph.A.

    Ngay từ khi vào lớp, tôi có đôi chút chú ý đến Ph.A bởi một lý do là tên con giống tên một MC nổi tiếng mà tôi khá thích và con có ngày sinh trùng với ngày sinh của tôi. Ph.A là một học sinh khá trầm tính, ít giao tiếp, ít thể hiện bản thân. Qua một thời gian học tập Ph.A thường xuyên đi học muộn, nghỉ học nhiều, nhiều hôm nghỉ học gia đình không xin phép, những hôm như vậy tôi chủ động gọi điện lại cho mẹ của con để trao đổi, có lần mẹ con nói với tôi rằng:

    • Em ơi, nó đi chơi nhiều lắm, nó không thích đi học, hôm qua nó đi chơi đến khuya mới về, chị không bảo được nó đâu em.

    Tôi có hỏi lại là con có sợ bố không? Bố có tác động tới con không?

    • Bố nó đi công tác xa triền miên, nó không sợ ai cả em ạ. Em làm thế nào, em nghiêm khắc cho nó sợ giúp chị.

    Sau cuộc nói chuyện tôi hơi khó hiểu về việc tại sao gia đình con lại để con tự do nhiều như vậy và dường như việc kết hợp với gia đình để giáo dục con dường như không có tác dụng. Nhiều lần con nghỉ mà tôi không thể liên hệ với gia đình để biết con đang ở đâu, lý do nghỉ học là gì. Còn việc học tập, tôi thường xuyên nghe được sự phản hồi của Thầy Hoàng Anh dạy toán “Nó học kém lắm em ạ, điểm lúc nào cũng lẹt đẹt 2, 3”, rồi môn Văn, môn Anh, môn Hóa tôi dạy…

    Tình trạng này vẫn tiếp tục kéo dài, vẫn đi học muộn, vẫn nghỉ học tự do, trong giờ mệt mỏi uể oải. Với những khuyết điểm của con, tôi thường xử lý nghiêm khắc theo quy định: nhắc nhở, kiểm điểm, phạt, trách mắng, khiển trách, hạ hạnh kiểm và luôn tỏ thái độ khắt khe với những lần con mắc khuyết điểm.

    Sau nhiều lần trao đổi với mẹ con tôi mới dần biết một sự thật: Thật ra người mà nhiều tôi vẫn liên hệ trao đổi về tình hình của con không phải mẹ con, đó là dì ruột của con – người đang nuôi con ăn học, còn bố mẹ của con đều đã mất từ lâu. Bố con mất khi con mới 4 tuổi do bị lao phổi, khi con học lớp 5 mẹ con cũng mất vì bệnh nặng. Hiện tại con đang sống cùng dì ở bên ngoại và cũng là người nuôi con ăn học từ khi bố mẹ con mất. Căn nhà bố mẹ con để lại nay được bên nội cho thuê để thu nhập lấy tiền đóng học, chi tiêu sinh hoạt cho con. Trong cuộc nói chuyện hôm đó, dì của con còn nói nhiều về việc bên nhà nội của con không có trách nhiệm nuôi nấng con, bỏ mặc con cho bên ngoại. Vì thương con nên ông bà ngoại và các dì nuôi nấng cho ăn học. Đặc biệt, ngoài hoàn cảnh đáng thương của con, tôi còn được biết con là một người nghiện chơi game khủng khiếp, con chơi đến quên ăn, quên ngủ quên giờ về nhà và đó cũng chính là nguyên nhân mà con thường xuyên đi học muộn, nghỉ học tự do, học kém.

    Sau khi biêt hoàn cảnh thật của con thực sự tôi thương con vô cùng, Cái độ tuổi lên 5 lên 10 đáng lẽ ra con phải được nhận được sự yêu thương, bao bọc, trở che của cả bố và mẹ. Ấy thế mà cho đến 10 tuổi con đã phải trải qua 2 biến cố quá lớn trong cuộc đời mình - mà cái độ tuổi này thì đã biết gì về cuộc đời cơ chứ? Suy nghĩ đó đã thôi thúc tôi làm cái gì đó giúp con, tìm cách gì đó cảm hóa và thay đổi con và từ đó bản thân tôi cũng thay đổi, thay đổi trong cách kỷ luật con khi con tiếp tục mắc lỗi, khi con không chịu học tập và nghỉ học tự do. Và sau đó tôi bắt đầu âm thầm làm những việc để giúp con: tôi tiếp cận con để lắng nghe tâm tư nguyện vọng của con, gặp các thầy cô giáo bộ môn Văn – Toán – Tiếng anh để chia sẻ hoàn cảnh của con và nhờ các thấy cô quan tâm, giúp đỡ con, tôi xếp con chuyển sang ngồi cạnh những bạn tốt và giỏi nhất lớp.

    Thời gian đầu tôi tiếp cận gần gũi, hỏi han con, con thường không chia sẻ nhiều, có ý lảng tránh, có những lần tôi nhắn tin hỏi han qua điện thoại con cũng không hồi đáp.

    Vào năm học lớp 11, tôi mong chờ một sự thay đổi từ con, nhưng rồi ngựa quen đường cũ, mọi thứ của con vẫn diễn ra như năm lớp 10: đi học bập bõm và kéo theo là con cũng không học hành gì. Con nghỉ học tự do nhiều, tôi đã phải đưa con lên phòng cô Á để trình bày về hoàn cảnh và vấn đề của con, nhờ cô hỗ trợ giáo dục con. Qua bản tưởng trình mà con viết cho cô Á, tôi được biết: một ngày con dành quá nhiều thời gian chơi điện tử, bình thường thì 6-7 tiếng, đỉnh điểm là 16-17 tiếng, mỗi ngày con chơi hết 60-70 nghìn, một tháng con mất khoảng 2 triệu cho việc chơi điện tử, để có tiền chơi điện tử con nhiều lần đã lấy cắp tiền của dì, của bà nội hoặc của chú thím.

    Hiện tượng nghỉ học tự do vẫn lặp lại, khi tôi gọi điện về cho dì của con thì nhiều lần dì con không nghe máy, có những lần dì không biết là con nghỉ học bởi với công việc là một công nhân, hàng ngày dì con phải đi làm sớm, không biết việc con tự ý nghỉ học. Nhiều lần dì con xin phép cho con nghỉ học, khi tôi hỏi lý do thì dì con chỉ nhắn lại rằng: “Em ơi, nó bảo nó không muốn đi học nữa”, sau những lần như thế gia đình lại xin cho con đi học lại, lại cam kết giáo dục, đôn đốc con đi học chuyên cần, nếu con tiếp diễn việc nghỉ học tự do gia đình sẽ tự nguyện rút hồ sơ khỏi trường. Nếu mọi thứ tốt đẹp sau đó thì chuyện sẽ không có gì để nói. Con tiếp tục nghỉ học và tôi nhận được tin nhắn “Em ơi, con không muốn đi học nữa” không dưới 5 lần!

    Ở thời điểm đó tôi đã thực sự chán nản và bế tắc trong việc giáo dục con, lúc đó trong tôi chỉ còn lại sự khó chịu, bực tức mà quên đi rằng mình vẫn còn một tham vọng cảm hóa và thay đổi con. Tôi nhắn tin lại “Vậy, em mong gia đình chị sắp xếp thời gian đến rút hồ sơ cho con để không ảnh hưởng đến lớp”. Khi đó dì của con lại nói: Chị không quyết định được, chị phải hỏi bên nhà nội của con!

    Tôi đã phải tìm hiểu và xin được số điện thoại chú ruột của con để trao đổi lại tình hình của con ở lớp. Trao đổi lại với chú của con, tôi thấy một tình trạng tương tự: bên nội đổ trách nhiệm cho bên ngoại, kể tội bên ngoại, kể tội của con, rồi trăm sự nhờ cô, giao phó con lại cho Nhà trường, cuối câu chuyện gia đình con lại xin Nhà trường cho con được đi học, Đại diện bên nội và bên ngoại đồng ý đến trường, trao đổi và ký cam kết. Sau hôm đó, cả bà nội con và dì của con được mời lên làm việc với cô Á, và bản cam kết sẽ phối hợp giáo dục con, nếu con tiếp tục nghỉ học sẽ rút hồ sơ một lần nữa được ký.

    Những lúc chán nản, bế tắc trong việc giáo dục con, tôi lại tự trách bản thân đã không quyết đoán, đã sai lầm khi cho con nhiều cơ hội để rồi lúc đó tôi như ôm rơm rặm bụng, một mình chiến đấu với con bởi gia đình con quá phức tạp, 2 bên nội ngoại đổ trách nhiệm cho nhau, không ai chịu trách nhiệm về các vấn đề của con ở trường. Tôi cũng không thể hiểu nổi tại sao bản thân tôi lại bỏ qua nhiều lần cho con đến thế, chắc nếu là một học sinh khác tôi đã quyết đoán hơn rồi.

    Sự cam kết của gia đình con với Nhà trường nó như một trò đùa, bởi cam kết nhưng họ không thực hiện. Tôi tự nhủ rằng, tôi sẽ nghiêm khắc với con để con có áp lực mà cố gắng, nếu con không thay đổi, con không cố gắng con sẽ phải thi lại hoặc chuyển sang trường khác.

    Quả đúng là như vậy, kết thúc lớp 11, kết quả của con không có gì thay đổi, Mặc dù các thầy cô đã hết lòng giúp đỡ con nhưng 2 môn Văn – Toán dưới trung bình, không đủ điều kiện lên lớp. Các thầy cô còn khuyên tôi nên quyết đoán và dứt khoát với trường hợp của con để không ảnh hưởng đến kết quả năm cuối cấp, bởi con không thể học được, con không thể thay đổi được.

    Chắc các thầy cô sẽ đoán được công việc sau đó tôi phải làm đúng không ạ? Vâng, tôi lại nhấc điện thoại lên để gọi cho dì của con để động viên gia đình cho con chuyển trường, nhà trường sẽ tạo điều kiện cho con kiểm tra lại các môn Văn – Toán để kết quả được cải thiện. Sau một thời gian thuyết phục họ cũng đồng ý cho con chuyển trường mặc dù vẫn tha thiết muốn con được ở lại học tại Nguyễn Bỉnh Khiêm, bởi họ nói trường NBK là tốt nhất với con. Thật lòng mà nói, khi họ đồng ý chuyển trường cho con tôi không hề thấy cảm giác như trút đi một gánh nặng, mà ngược lại tôi lại cảm thấy nặng lòng hơn, cảm thấy bản thân đã thất bại trong việc giáo dục một con người.

    Trong lúc tôi đang hoàn thiện các thủ tục cho con chuyển trường thì con đã đến gặp tôi và nói rằng: “con xin cô cho con một cơ hội ở lại trường mình và được học tiếp ở lớp mình, con không muốn chuyển trường cô ạ, nếu con phải chuyển trường thì con sẽ không đi học nữa” Con nói mà hai mắt ngấn nước. Lần đầu tiên tôi thấy được cảm xúc trong đôi mắt của con, trong sâu thẳm đôi mắt ấy vẫn chứa đựng những ước mơ và hoãi bão. Tôi thấy thương con vô cùng.

    Tôi bắt đầu cảm thấy khó xử, tâm trí tôi rối bời và có chút xao động. Từ khi làm mẹ, tôi thường dễ xúc động, dễ khóc hơn. Những lúc ôm ấp cậu con trai nhỏ của tôi vào lòng, tôi thấy được sự bình yên và hạnh phúc của con tôi, đôi mắt sáng long lanh, gương mặt vui tươi rạng ngời, tôi lại nhớ đến Ph.A, tội nghiệp cho con, con mất cả bố mà mẹ khi còn quá nhỏ, con thiệt thòi và đáng thương.

    Trong thời điểm đó, lãnh Nhà trường thường nói về việc giáo viên cần phải thay đổi, cần phải chấp nhận sự khác biệt để sống hạnh phúc. Tôi đã mạnh dạn và có thêm động lực để thay đổi, tôi sẽ thay đổi, sẽ cho Ph.A một cơ hội cuối cùng.

    Rồi năm học 2017-2018 cũng đến, nay các con đã là học sinh cuối cấp, tôi nhận thấy sự quyết tâm cao của hầu hết học sinh trong lớp, biết lo lắng học tập, bớt ham chơi, bớt nghịch ngợm. Ph.A vẫn được học tại trường và ở lớp 12A của tôi, tôi tiếp tục tiếp cận con, lắng nghe và chia sẻ với con nhiều hơn và tôi bắt đầu thấy con có những phản hồi lại với tôi, con đã mạnh dạn nói về thời gian con mất phương hướng, nghiện game, nghỉ học nhiều, giao du với các bạn xấu và ước mơ của con. Tôi thường xuyên hỏi han, nhắn tin động viên con và được biết con đang giảm dần thời gian chơi game còn 1 tuần 3 buổi, mỗi buổi chơi 1 đến 2 tiếng.

     Từng ngày từng ngày tôi thấy con đi học đúng giờ, đồng phục đầu tóc hẳn hoi, đặc biệt con đi học đều đặn không còn nghỉ học tự do. Có một hôm dì con xin phép cho con xin nghỉ với lý do bị ốm, tôi liền nhắn tin lại cho con “Ph.A ơi, con cố gắng nhanh khỏe để đi học nhé”. Con nhắn tin lại cho tôi “Vâng ạ, con sẽ sớm đi học cô ạ”. Tôi sợ rằng con lại quen đường cũ, lại nghỉ học, lại thất hứa với tôi. Sau ngày hôm đó con lại đều đặn đi học, các thầy cô bộ môn cũng ít phàn nàn về ý thức học tập của con. Thi giữa kỳ 1 rồi đến cuối kỳ 1, kết quả của con cứ thế là tiến bộ dần lên rõ rệt. Thi thoảng con được điểm tốt con nhắn tin khoe tôi, tôi vui lắm và khen ngợi con để con có thêm động lực. Học kỳ 1 con đạt danh hiệu học sinh Tiến tiến bằng chính lực của mình. Tôi vui mừng và xin phép gia đình con được chia sẻ về hoàn cảnh và quá trình tiến bộ của con trong học kỳ này với toàn bộ phụ huynh của lớp, tất cả các phụ huynh đều cảm động với câu chuyện của con, và có kế hoạch giúp đỡ con cho đến khi con thi tốt nghiệp.

    Trong giờ sinh hoạt của lơp tổ chức ngày 5/1/2018 với chủ đề “chúng con đã thay đổi” lần đầu tiên tập thể lớp được nghe về hoàn cảnh của con và thời gian nghiện game, mất phương hướng của con, các bạn trong lớp đã động viên, chia sẻ và chúc mừng kết quả mà Phan Anh đã đạt được, đồng thời khâm phục sự hồi sinh kỳ diệu của con. Cảm động hơn trong buổi ngày hôm đó thầy Hoàng Anh dạy toán và cô Thu Bình dạy văn cũng gửi lời nhắn nhủ đến con:

    Thầy Hoàng Anh: “Gần đây thầy thấy con có nhiều cố gắng trong học tập và nhận thấy sự tiến bộ của con, hãy chăm chỉ hơn nữa nhé. Chúc con may mắn và thành công”

    Cô Thu Bình: “Hơn một năm đồng hành cùng con với rất nhiều niềm vui và trăn trở, cô đã chứng kiến sự thay đổi ngoạn mục của con. Từ một cậu học trò chưa chăm học, thiếu tự giác và ý chí phấn đấu, con đã ngày một trưởng thành hơn trong nhận thức, chín chắn hơn trong suy nghĩ, chững chạc hơn trong tác phong, ứng xử …Trước mắt con là kỳ thi đầy cam go và thử thách. Cô mong con mạnh mẽ, can đảm, đừng bao giờ từ bỏ ước mớ và thành công với những dự định của mình. Cố lên Ph.A!”

    Tôi mạnh dạn đề xuất trường hợp của con để được khen thưởng trước toàn trường về học sinh có tiến bộ trong học tập. Thật may con được chọn để khen thưởng, có lẽ sau những dịp động viên, khuyến khích và khen thưởng con thế này, tôi có 1 niềm tin mãnh liệt rằng con sẽ còn tiếp tục cố gắng và tiến bộ hơn nữa bởi con đã có nền tảng và động lục để cố gắng tiếp. Tôi rất cảm ơn các thầy lãnh đạo nhà trường lần đầu tiên có phần khen thưởng những học sinh tiến bộ để tôi có cơ hội vinh danh con, để con cảm thấy tự hào về bản thân mà tiếp tục cố gắng.

    Giờ đây, mỗi ngày đến trường, con như trở thành một con người khác, con đã mạnh dạn, tự tin, vui tươi, dám ước mơ và dám nói về ước mơ của mình. Con dự định sẽ thi vào trờng đại học công nghiệp, nghành lập trình viên. Tôi cầu chúc cho dự định của con thành hiện thực.

    Đến giờ phút này, tôi chưa hết xúc động về sự thay đổi và kết quả con đạt được, tôi thấy được quyết định của tôi đã không sai, sự thay đổi của bản thân tôi đã cho tôi cơ hội nhìn thấy sự hồi sinh kỳ diệu của con. Trường hợp của Ph.A giống như một phép màu vậy!

    Cao Thị Ly - Giáo viên chủ nhiệm THPT

    Bài viết liên quan
    Tư vấn online 0987.266.630