• HỆ THỐNG GIÁO DỤC CHẤT LƯỢNG CAO

      NGUYỄN BỈNH KHIÊM - CẦU GIẤY

      Trường Tiểu Học Nguyễn Bỉnh Khiêm - Cầu Giấy

      Trường THCS&THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm - Cầu Giấy

    Tin tức & sự kiện

    THAY ĐỔI LÀ HÀNH TRÌNH KHÔNG BAO GIỜ DỪNG LẠI

  • Thứ bảy, 15:34 Ngày 13/07/2019
  • Thầy cô thay đổi, học sinh hạnh phúc, lớp học hạnh phúc, trường học hạnh phúc. Những thay đổi nhỏ bé sẽ tạo nên những hiệu ứng lớn làm nên những điều khác biệt.

    Một câu chuyện về hành trình thay đổi của cô giáo Nguyễn Thị Lan - Giáo viên chủ nhiệm trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm xin được chia sẻ đến các bạn bè đồng nghiệp, các quý vị phụ huynh và các con học sinh. 

    Thay đổi là một hành trình không bao giờ dừng lại. Trong hơn 20 năm dạy học của mình, đã có lúc tôi tưởng rằng mình đổi mới như vậy là đủ, là đạt ngưỡng giáo dục con người rồi, nhưng hóa ra không phải, sự thay đổi ấy vẫn phải luôn tiếp tục qua từng năm công tác chủ nhiệm, từng ngày làm việc, từng nhiệm vụ tôi đã trải qua và nghiệm lại bài học từ nó.

    Nhìn lại chặng đường đã qua, cách đây ba năm, tôi đã chủ nhiệm và dạy các con lớp 3A4, điều mà tôi vẫn băn khoăn, day dứt là bản thân mình vẫn chưa làm tròn trách nhiệm để dìu dắt tất cả các con cùng vui chơi, học tập trong môi trường Giáo dục Nguyễn Bỉnh Khiêm này (đã có con chuyển đi, phải chuyển đến một môi trường mới phù hợp hơn). Tôi luôn day dứt và suy nghĩ mình cần phải thay đổi, phải biết chấp nhận và đổi mới phương pháp tổ chức hoạt động học tập để học sinh mạnh dạn, tự tin được thể hiện mình, để tôi sẽ được nhìn thấy sự thay đổi, tiến bộ tích cực và hạnh phúc của những lớp học sinh mình dạy dỗ. Tôi mang theo tâm niệm đó để bắt tay vào hai khóa học tiếp theo: năm học 2016-2017 và 2017-2018.

    Năm học 2016 - 2017, tôi chủ nhiệm lớp 5A4, sĩ số lớp 30 con, mỗi con là một cá tính và tính cách riêng, trong đó M.Đ, là học sinh nổi bật nhất. Con đến lớp không viết bài, chơi, nói, đi lại tự do... Ở lớp, tôi đưa ra những nội quy cụ thể với mong muốn rèn học sinh vào nề nếp, vì tôi nghĩ rằng nề nếp là việc phải rèn giũa đầu tiên, có nề nếp các con mới có thể thực hiện tốt mọi nhiệm vụ học tập khác được. Riêng với M.Đ, con dường như luôn ở ngoài những khuôn khổ ấy. Đã sẵn tâm niệm: nếu hoàn cảnh không thay đổi mình sẽ phải thay đổi chính bản thân mình trước tiên, học sinh khó bảo như thế nhưng kiểu gì cũng sẽ có cách giáo dục, Bác Hồ nói rồi "Hiền, dữ đâu phải là tính sẵn/Phần nhiều do giáo dục mà nên" nên tôi bình tĩnh, kiên trì ngay từ những lúc đầu tiên rèn cặp con. Tôi chọn cách rút ngắn khoảng cách cô giáo và bằng cách gần gũi, động viên; tôi chọn cách truyền cảm hứng bằng việc khích lệ mỗi khi con làm được một việc tốt hoặc chăm chú nghe giảng, chịu khó làm bài. Tôi đóng vai trò làm cầu nối giữa tất cả các học sinh khác trong lớp với con, giúp lớp xóa dần đi những nhận xét tiêu cực về bạn để con cảm thấy được bình đẳng, bình thường, hòa đồng và không hề khác biệt các bạn. Tôi đã chia sẻ điều mong muốn của mình với tất cả các con trong lớp, các con ủng hộ và cùng tôi làm được việc tạo môi trường thân thiện, bao dung, chấp nhận và chia sẻ cùng người bạn đặc biệt này. Có lần cả lớp đi trang trại, bố mẹ con rất băn khoăn vì các năm học trước, mỗi lần lớp đi hoạt động ngoại khóa bố hoặc mẹ đều phải đi cùng để quản lí vì lo con nghịch quá, cô giáo sẽ khó theo dõi và quản lý được con. Mẹ con đã điện cho tôi bày tỏ nỗi lo lắng, hiểu nỗi lo của phụ huynh, tôi nhẹ nhàng nhưng cũng rất vui vẻ nói với chị: “Chị cứ yên tâm, con giống như tất cả các bạn khác mà, sẽ không có vấn đề gì đâu!”. Rồi con đi chơi, tham gia các hoạt động vui vẻ cùng các bạn. Tôi vẫn chú ý đến con nhiều hơn các bạn khác nhưng thay vì kèm sát bên cạnh và luôn miệng nhắc nhở, tôi đứng xa con hơn một chút để quan sát, chỉ uốn nắn khi thấy cần thiết, đẩy con lại gần các bạn mình hợp tác trong mọi hoạt động.. Và cứ như vậy, khoảng cách giữa con, một học sinh cần quan tâm đặc biệt với một tập thể lớp đã được thu ngắn lại, trong mắt các bạn, con là một người bạn không phải đặc biệt vì ý thức kỉ luật kém nữa mà đặc biệt vì con có cá tính riêng, con là một mảnh ghép sắc màu của 5A4. Cả lớp học luôn trong bầu không khí không áp lực, vui vẻ, hạnh phúc, cô trò đều cảm nhận “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”. Cuối năm, buổi họp phụ huynh, mẹ bạn ấy đã đứng lên phát biểu, chị xúc động và khóc, chị bày tỏ nỗi niềm: "con tôi đặc biệt như vậy mà nhà trường, cô giáo và các bạn đã rất cảm thông, tạo mọi điều kiện tốt nhất cho con thay đổi, gia đình cảm ơn nhà trường, cô giáo, các bạn, các bác phụ huynh của lớp". Tôi thêm một lần nữa được cảm nhận hạnh phúc của người làm thầy giáo, một sự thay đổi tích cực trong quan điểm và cách thức làm việc dù rất nhỏ nhưng cũng sẽ mang lại những điều tốt đẹp, trong tay của thầy cô giáo, những điều tốt đẹp sẽ được lan tỏa tới những học sinh, tới từng gia đình và tới bao con người...

    Năm nay, tôi vẫn nghĩ tiếp bài học về sự thay đổi ấy. Nhưng tôi mong muốn làm được nhiều hơn việc cảm hóa học sinh từ tấm lòng và sự tận tụy của mình, tôi mong muốn mình sẽ làm được một việc khó hơn thế: truyền cảm hứng cho học sinh của mình, tôi mong muốn, trong tay tôi, các học trò sẽ trở thành những đứa trẻ tự tin và tự mình làm những việc khiến mình có thể hạnh phúc. Tiêu chí xây dựng một tập thể lớp hạnh phúc, đoàn kết, các con biết yêu thương, chia sẻ tôi đặt ra ngay từ đầu năm học. Điều rất thuận lợi để thực hiện được mục tiêu đó là tôi đã từng dạy các con ở năm lớp 3, đã nắm bắt đặc điểm tâm sinh lí từng con rồi, đã hiểu cả hoàn cảnh gia đình, tâm lí phụ huynh nữa. Ngay từ buổi đầu tiên vào lớp, các con đón chào cô rất hào hứng, vui vẻ còn các bậc phụ huynh thì rất thiện chí. Phần đầu tiên để tìm hiểu về lớp tôi không mất thời gian nhiều. Tuy nhiên, tôi vẫn phải có một quyển sổ theo dõi, lập hồ sơ thông tin gia đình các con, rồi trong quá trình chủ nhiệm, giảng dạy lớp hàng ngày tôi đều đặn ghi vào sổ nhật kí học sinh từng sự tiến bộ, thay đổi của các con. Khi buộc mình phải ghi chép tôi mới có thể quan sát, để tâm đến các con kĩ hơn, tôi phát hiện ra nhiều điều ở các học sinh của mình. Có con đến lớp lúc nào cũng buồn, không muốn giao tiếp với các bạn, học hành sa sút, thường xuyên không làm bài tập. Như những năm học trước mỗi khi học sinh mắc lỗi là tôi thường thể hiện sự không hài lòng, có thể tôi sẽ gọi con lên trước lớp, hỏi nguyên nhân rồi sẽ dùng lời nói khiến con xấu hổ mà học tập. Giờ tôi chú ý đến sự thay đổi thái độ của tôi khi xử lí việc học sinh mắc lỗi. Tôi không làm như trước nữa. Giờ ra chơi tôi gần con, giảng lại bài cho con hiểu rồi chuyện trò với con, con cũng đã tâm sự: “Cô ơi, nhiều chuyện nó cứ ở đâu ập đến gia đình con ý, không tháng nào bố mẹ con không đánh nhau”. Nghe đến đó mà tôi thấy buồn, chuyện gia đình đã ảnh hưởng đến tâm lí đứa trẻ rất nhiều. Vì vậy mà tôi càng gần con hơn, coi con như một người bạn, hướng dẫn con những bài con chưa hiểu. Tôi cũng đã trao đổi rất tế nhị với mẹ bạn ấy không nên để chuyện gia đình làm ảnh hưởng đến con và cũng không nên để con chứng kiến cảnh đó sẽ ảnh hưởng tới tâm sinh lí đứa trẻ đang ở giai đoạn rất cần sự định hướng tốt về hành vi ứng xử và sự quan tâm, chăm sóc, gần gũi của gia đình, cha mẹ. Tôi cũng giao cho bạn lớp trưởng (một học sinh giỏi) ngồi cạnh con, hàng ngày hướng dẫn bài cho bạn nếu như chỗ nào con chưa hiểu. Cô giáo, gia đình quan tâm đến con nhiều hơn. Từ đó con học rất tiến bộ. Ở lớp có những câu hỏi, bài tập nào dễ, tôi đều gọi con, để khích lệ con tự tin hơn trong học tập.

    Rồi cứ thế tôi hiểu hơn về các học sinh bé bỏng của mình. Trong lớp còn có những học sinh khác với những cá tính, thói quen riêng nhưng cũng thay đổi tích cực và đem lại những niềm vui bất ngờ thú vị khác cho tôi. Có con hôm trước không làm bài tập, đến giờ thể dục tự xin cô cho ở lại hoàn thành bài khi nào xong sẽ xuống học tiếp. Tôi đồng ý và gọi điện xin phép thày dạy môn thể dục rồi ở lại cùng con, tôi giảng bài và nói chuyện, con chia sẻ với cô rất cởi mở lí do vì sao tối qua không làm bài, con nói: “Hôm qua không có con là cầu nối giữa bố và mẹ thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra nữa”. Rồi con kể đầu đuôi câu chuyện cho tôi nghe. Cậu học sinh chia sẻ với tôi câu chuyện này học thì không giỏi nhưng qua cách nói chuyện và cách con ứng xử tôi thấy con thật tuyệt vời. Con hiếu động và nghịch nhưng trái lại rất tình cảm, thân thiện luôn biết giúp đỡ chia sẻ cùng bạn. Con là một cậu bé có trái tim nhân hậu, điều đó thật tốt đẹp. Hay một bạn khác, năm lớp ba thường xuyên gây gổ, đánh bạn, trêu trọc các bạn nữ. Khi giải quyết tôi đã cố gắng lắng nghe cảm xúc của con nhiều hơn. Tôi nói chuyện trước lớp: "với các con ai cũng vậy, đều có cái tốt và cái xấu, cái thiện và cái ác, chỉ có điều cái thiện nhiều hơn hay cái ác nhiều hơn thôi. Nếu chúng ta nhìn vào điều tích cực của bạn và động viên, khích lệ thì cái thiện sẽ phát triển nhân lên"...Tôi nhận thấy một điều rằng học kiến thức không phải là điều quan trọng nhất mà kĩ năng ứng xử hàng ngày với cuộc sống của chính các con mới là điều các con thực sự cần thiết. Chính vì vậy, qua mỗi bài học, tôi không chỉ giúp các con tìm kiếm kiến thức mà chú ý dạy các con kĩ năng ứng xử, giao tiếp, giúp các con biết nghĩ dần, tự suy nghĩ về những việc các con nên làm và những việc các con không nên làm.

    Trong mỗi giờ học tôi đều chọn cách động viên, khích lệ nhiều hơn và tôn trọng học sinh nên các con rất tự tin và học tập tiến bộ. Tôi cũng phải liên tục thay đổi phương pháp dạy học. Các tiết học Khoa, Sử, Địa, các con rất sôi nổi, biết chia sẻ, hợp tác nhóm. Có những bài học tôi giao bài tập (dự án) cho về nhà chuẩn bị trước, chia nhóm các con về tìm hiểu để giờ học sau các con tự lên báo cáo. Hầu như học sinh nào cũng rất hào hứng, mạnh dạn và tự tin trình bày quan điểm của mình, đặt câu hỏi trao đổi với nhóm bạn.. Không chỉ trong các giờ học bộ môn mà trong giờ sinh hoạt, tôi làm theo sự chỉ đạo của nhà trường về đổi mới cách thức tổ chức giờ sinh hoạt cùng với sự sáng tạo của mình các con lại càng tự tin bộc lộ nhiều hơn khả năng của mình. Giờ sinh hoạt lớp thật là tuyệt vời, các con được nói về mình, về bạn, nói về phương pháp học tập. Chuẩn bị cho những tiết sinh hoạt như vậy, tôi giao việc cho các con rồi trao đổi, đề nghị phụ huynh hỗ trợ con thêm, phụ huynh đồng tình rất cao và bắt tay vào cùng giúp đỡ các con.Thông qua các hoạt động học tập như vậy các con đã trưởng thành hơn rất nhiều. Buổi họp phụ huynh sơ kết học kì I vừa qua, các con đã khiến các phụ huynh cảm thấy vô cùng hài lòng và tin tưởng vào các con, vào cô giáo, nhà trường khi được chứng kiến các con báo cáo, biểu diễn, nói năng chững chạc, tự tin.

    Sự tiến bộ là do sự cố gắng của bản thân mỗi con học sinh, đồng thời có sự đồng hành của cha mẹ, sự chăm sóc, dạy dỗ của thày cô giáo. Nhưng vai trò đặc biệt quan trọng phải kể đến là thầy cô phải dám nhìn nhận lại bản thân, phải biết chấp nhận và dám thay đổi. Thay đổi trong suy nghĩ, từng cách ứng xử phải phù hợp với từng đối tượng học sinh. Phải biết tôn trọng học sinh, mỗi ánh mắt, mỗi nụ cười đều thể hiện tình yêu thương vì khi học sinh cảm nhận được tình cảm chân thành, sự yêu thương gần gũi của thày cô thì dù có như thế nào đi nữa thì các con vẫn rất kính trọng cô và luôn nghe lời. Chúng ta phải luôn nghĩ: các con cần có hai gia đình hạnh phúc đó là gia đình và nhà trường. Chính việc tạo dựng, vun đắp bầu không khí đầy ắp giá trị hạnh phúc là một cách tốt nhất để truyền cảm hứng tự tin, sáng tạo, truyền năng lượng sống dồi dào nhất cho các con.

    Nguyễn Thị Lan – Giáo viên chủ nhiệm trường Tiểu học

    Bài viết liên quan
    Tư vấn online 0987.266.630