• HỆ THỐNG GIÁO DỤC CHẤT LƯỢNG CAO

      NGUYỄN BỈNH KHIÊM - CẦU GIẤY

      Trường Tiểu Học Nguyễn Bỉnh Khiêm - Cầu Giấy

      Trường THCS&THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm - Cầu Giấy

    Tin tức & sự kiện

    THỬ THÁCH VÀ NHỮNG BƯỚC ĐI

  • Thứ ba, 09:42 Ngày 27/08/2019
  • Lớp Một ơi lớp Một! Kiến thức tuy không khó nhưng lại luôn mới lạ với trẻ, kiến thức tuy không nhiều nhưng trẻ chẳng chịu nghe. Làm chủ nhiệm đã khó, lần đầu làm chủ nhiệm chắc chắn khó khăn hơn vạn lần. Dưới đây là những chia sẻ của cô giáo Lê Thị Tâm – Giáo viên tiểu. Những thử thách được đặt ra, cách để tạo nên một lớp học hạnh phúc bắt nguồn từ sự nhiệt thành và tình yêu thương trẻ.

    Tập thể lớp 1A4 chào đón Tết Mậu Tuất

    Năm học 2016 -2017 là năm đầu tiên tôi nhận công tác chủ nhiệm lớp. Đây là năm đã để lại trong tôi nhiều kỉ niệm: có những mừng vui, có những hối tiếc… Lẽ thường, sau khi đã chủ nhiệm một năm sẽ có nhiều kinh nghiệm hơn, sẽ dễ dàng hơn... Nhưng với tôi thì lại khác. Năm 2017 – 2018 tôi được nhà trường phân công làm chủ nhiệm lớp 1A4. Nói đến lớp Một là tôi không khỏi e ngại và lo lắng bởi tính chất lớp Một hoàn toàn khác với những lớp trên. Đây là năm đầu tiên của những “trẻ nhí” bước vào bậc Tiểu học với với bao bỡ ngỡ, hồi hộp, ngơ ngác… cùng với đó là sự lo lắng, kì vọng của  phụ huynh. Vậy là tôi lo: “Làm thế nào để phụ huynh tin tưởng, gắn bó với trường lâu dài? Làm thế nào để các “nhí” có nề nếp, tiến bộ nhanh?” Nếu làm được, làm tốt việc này thì đây chính là cái nền, cái móng cho sự phát triển của nhà trường sau này… Vậy là trách nhiệm của người giáo viên lớp Một thật lớn.

    Thế rồi sự việc cũng đã đến! Lớp tôi có 30 học sinh thì 10 học sinh là con giáo viên, cán bộ trong trường – điều này đã khiến nhiều phụ huynh không khỏi thắc mắc: Vậy con em cán bộ của trường có được ưu tiên, chăm chút hơn không? Ngay buổi họp mặt đầu tiên với phụ huynh tôi đã khẳng định tiêu chí của trường là: “Quan tâm tới từng học sinh, giúp cho mỗi trò đều tiến bộ” Vậy tất cả học sinh lớp 1A4 đều được quan tâm, chăm sóc như nhau. Không có ưu tiên hay quan tâm đặc biệt nào khác – Tôi xin hứa. Vậy là phụ huynh đã cảm thấy thoải mái hơn…

    Vấn đề thứ hai: Một số học sinh đã học tiền lớp Một (học trước: đã biết đánh vần, biết đọc…) nhưng cũng có những học sinh chưa học chút nào nên nhiều phụ huynh lo lắng không biết cô dạy ra sao? Nhanh hay chậm?  Tôi đã khẳng định: “Tất cả các giờ học, bài học cô dạy trên lớp đều theo quy chế của Bộ giáo dục. Cách đánh giá, chấm điểm (nếu có) cũng theo quy chế của Bộ. Vậy sẽ không có việc dạy nhanh hay chậm. Đối với học sinh chưa được học trước, tôi mong phụ huynh hỗ trợ cùng giáo viên giúp con học ở nhà nhiều hơn để có thể tiệm cận trình độ của lớp. Đối với những học sinh đã học trước tôi yêu cầu kĩ năng đọc to, rõ ràng, lưu loát, viết đẹp,… để phát huy điểm mạnh của bản thân. Vậy nên cuối buổi họp tôi đã nhận được sự đồng tình, nhất trí cao trong phụ huynh.

    Nhưng… khó khăn của lớp 1A4 lại nằm ở khía cạnh khác. Lớp có 30 học sinh là 30 tính cách, với 30 tâm hồn khác nhau và thế giới riêng của bản thân… mà lớp tôi các trẻ đều có cá tính mạnh… trong khi đó lớp Một là lớp cần rèn nề nếp, thói quen tốt để các em có cơ sở tốt làm nền tảng trong việc học sau này. Điều này làm tôi khá hoang mang: làm sao vừa rèn nề nếp, vừa dạy kiến thức cho học sinh? Quả thật, đây là bài toán khó… Tôi đã đưa vấn đề này ra trong sinh hoạt khối để mọi người tư vấn, tìm giải pháp… Nhưng chưa kịp tìm ra đáp án thì: Hôm đó, có người Việt Kiều đến dự giờ - trong lúc tôi đang giảng bài, bỗng Đỗ Linh trông thấy bạn nói chuyện đã nói to: “Ngồi xuống! Đã bảo ngồi xuống cơ mà” mặt tôi bắt đầu đỏ bừng, nhưng vẫn phải nở nụ người xin lỗi người dự. Quả là, tháng 9 lớp chưa có nề nếp gì cả: bạn thì nằm, bạn thì ngồi, bạn thì ra khỏi chỗ tự do… tôi đem điều này ra chia sẻ với giáo viên trong khối mong tìm ra đáp án. Tôi được cô Ngọc 1A2 động viên: “Thôi em ạ, cố lên!. Trong đời dạy của em sẽ có những năm có học sinh đa phần là ngoan, có năm đa phần là hiếu động... hãy bình tĩnh và kiên trì.” Tôi xem đây là một thử thách. Kể từ đó, tôi bắt đầu trò chuyện với học sinh nhiều hơn để tìm hiểu cá tính, sở thích… trong giờ dạy tôi cố gắng động viên những em chưa học trước, không cảm thấy tự ti. Đối với những học sinh đã được học trước, tôi rèn nâng cao kĩ năng để các em không thấy nhàm chán. Lớp Một ơi lớp Một! Kiến thức tuy không khó nhưng lại luôn mới lạ với trẻ, kiến thức tuy không nhiều nhưng trẻ chẳng chịu nghe. Vì thế muốn dạy được, tôi phải vừa dạy, vừa dỗ các con.Thật đúng như câu hát: “Lúc ở nhà mẹ cũng là cô giáo, khi đến trường cô giáo như mẹ hiền”. Thế rồi mỗi ngày một tí tôi gần các con hơn, hiểu được các con nhiều hơn… Rồi như mưa dầm thấm đất các con cũng đã hiểu và lắng nghe cô nhiều hơn. Thật may mắn! Bài học đầu tiên tôi đã giải được.

    Nhưng chưa hết… Vấn đề mới lại xuất hiện:

    - Điều thứ nhất là hiện tượng nhóm học sinh nam đùa nhau, nói lời gây kích động cho bạn. Trẻ con lớp Một mà, nhìn mạnh mẽ vậy mà tính cách lại mong manh lắm. Bạn  H.K chỉ cần nói bạn câu: “A di nô mô tô béo” là khiến bạn L.A khóc như mưa rồi. Khi ấy ít nhiều sẽ làm mất thời gian của cô để giải thích. Nhưng điều quan trọng là phải cho học sinh hiểu và tránh hiện tượng các bạn sẽ bắt chước nhau gây mất đoàn kết trong lớp. Tôi giải thích với cả lớp: “Đây không phải từ nói bậy, nhưng đấy là điều không hay, không tốt khi đùa bạn. Và tôi đã hỏi H.K: “Khi bạn khóc con cảm thấy thế nào?”. H.K ngập ngừng: “Con sẽ xin lỗi bạn ạ và lần sau con sẽ không thế nữa”. Trẻ con thì không thể nói thay đổi là thay đổi được ngay nên tôi đã chú ý đến hành vi của con nhiều hơn và thường xuyên trao đổi với gia đình. Dần dần con đã quên đi và không dùng những từ đó nữa.

    - Điều thứ hai: Đặc biệt tôi ấn tượng nhưng cũng mất rất nhiều công sức với cậu học trò T.D. Trong tất cả các giờ học con dường như không chú ý vào bất kì hoạt động nào, gọi cũng không nói câu gì. Lúc nào cũng cho tay trong ngăn bàn xé giấy. Bộ đồ dùng mới tinh mà cứ rút dần ra để bóc rồi xé. Trong giờ học thì nhiều lúc “ngoan quá” – không chịu nói câu nào, nhưng khi nghe tiếng chuông ra chơi là như có hội lớn. Giờ ra chơi con chạy nhanh không ai bằng. Có hôm vào nhà vệ sinh thì tuốt hết giấy ra, làm cô lao công cũng khốn khổ. Ra sân trường chơi thì tay có yên đâu, người đi đến đâu thì đồ đổ đến đó. Một lần thày Hòa bắt gặp đẩy đổ bình nước lavi đã hết xuống sàn, cô Hoàn thể dục trông ở vị trí đó đã nói luôn cho tôi biết. Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm luôn coi trọng sự an toàn của học sinh nên mỗi giờ ra chơi luôn có các cô giáo trực ở những vị trí khác nhau để quản lí. Điều này giúp các con thoả sức vui chơi mà lại không lo lắng xảy ra bất cứ sự cố nào. Vì thế, nên những việc T.D làm trong giờ ra chơi tôi đều biết hết, tôi gọi riêng con ra và nói chuyện, phân tích cho con hiểu. T.D cứ nghĩ có lắp camera theo dõi nên con cũng có vẻ nghe lời cô hơn. Còn nữa, điều đáng quan tâm là trong lớp do không tập trung như vậy nên đương nhiên là việc tiếp thu kiến thức sẽ không thể nào tốt được. Chính vì vậy gần hết học kì I con vẫn không đọc được hết các vần đã học, điều này tôi rất buồn... Đương nhiên gia đình cũng biết tính cách của con nhưng chưa muốn thừa nhận sự thật. Tôi có chia sẻ rất nhiều với khối chuyện này. Cô Loan khối trưởng nói: “Cứ để cô nói giúp cho, bạn ấy đi học lớp phụ đạo thứ 7, cháu không phải lo lắng quá!.” Cô Loan là giáo viên kì cựu, lời nói của cô rất đi vào lòng người nên tôi yên tâm lắm. Nhưng đầu tuần sau mẹ T.D đến với vẻ mặt không vui, tôi đoán ngay là mẹ đang không hài lòng chuyện gì đó. Tôi hỏi: “Chị ơi! Chị muốn nói gì với em đúng không?” Có lẽ nhìn tôi còn trẻ nên phụ huynh cũng muốn “dọa”. Nhưng rồi, chị nghe tôi hỏi vậy thì như mở cờ trong bụng và nói ra một chuỗi dài. Tôi hơi hoảng nhưng tỏ ra bình tĩnh. Chị nói: “Con tôi không đi học tiền lớp Một nên cháu nó chưa biết nhiều. Con người ta đi học trước nên học nhanh hơn là chuyện bình thường. Nói con tôi không tập trung thì không đúng. Nếu không tập trung thì đã không biết chữ gì đúng không? Nếu không biết nhận thức thì đã không biết bất kể vấn đề gì xung quanh đúng không? Nhưng khi ở lớp có bất kể thay đổi gì con đều về kể với tôi? Vậy tôi thấy, nhận xét con tôi không tập trung là không đúng.” Thật tình... lúc đó tôi cảm thấy hơi khó chịu khi mà mình có ý tốt, muốn con họ tiến bộ, đã bỏ ra không ít công sức, họ đã không hiểu, không nhìn nhận thấy cái tâm của cô mà còn trách cứ. Nhưng nhớ đến lời thầy Hòa dạy: “Giáo viên phải trở thành những nhà giáo dục thực sự.” Vậy thấy mẹ T.D đang rất bức xúc nên tôi đã cố mời chị ngồi và nghe chị kể ra hết cho hả giận. Khi chị dừng không nói nữa thì tôi bắt đầu: “Em biết chị đang có bức xúc nhưng em rất muốn nghe chị chia sẻ xem đã có chuyện gì xảy ra ạ.” Chị nói: “Hôm qua bố T.D đón con ở lớp học phụ đạo thứ bảy của cô Loan thấy cô nói: “Con không tập trung - học yếu lắm - muốn gia đình hỗ trợ con thêm”. Anh ấy nghe vậy không nói gì với cô giáo mà về có nặng lời với vợ. Tôi nghe chị kể thì nghĩ ngay chắc có vấn đề hiểu lầm ở đây.Tôi bắt đầu câu chuyện với chị bằng những việc tôi đã và đang làm với con trai của chị. Trước tiên: Từ đầu năm cô và gia đình cũng đã biết con trai còn non nớt về cả nhận thức và thể lực, nhưng cô đã động viên với mẹ rằng: “Chị cứ bình tĩnh để con làm quen môi trường mới – học là chủ yếu. Cô giáo nào cũng muốn học sinh của mình học tốt và tôi biết hơn ai hết gia đình cũng là người mong muốn điều này.” Thế rồi, tôi thường mời chị đến để chia sẻ, để tìm phương pháp học phù hợp nhất cho con. Tôi nói: “Con tư  duy  trực quan nên khi làm tính thường phải dùng ngón tay – cô đã hướng dẫn mẹ cách vẽ chấm tròn để con cộng trừ nhanh hơn còn ban đầu chưa quen thì mẹ cứ để con dùng ngón tay tính...” Cuối cùng, chị cũng bình tĩnh lại và nói lời xin lỗi: “Vừa rồi chị nóng tính quá nên chị nói không phải với cô giáo. Cô Loan tốt và thương con chị thật lòng nên mới thẳng thắn chia sẻ với gia đình như vậy. Cho chị gửi lời xin lỗi và cảm ơn cô Loan nhé!.” Vậy là điều tin tưởng của tôi vào cô Loan đã đúng. Phụ huynh có thể thấy tôi còn trẻ nên “lấn át” nhưng nhờ có sự giúp đỡ của cô Loan và đồng nghiệp mà những chia sẻ của tôi với mẹ T.D đã được chấp nhận. Quan trọng hơn là chị đã nhận ra được và thừa nhận năng lực hiện tại của con trai.  Những ngày sau đó tôi quan tâm đến con nhiều hơn. Cố gắng tìm ra những điểm mạnh của con, hàng tuần tôi đều viết nhận xét trong quyển sổ liên lạc giữa nhà trường và gia đình. Tuần… tôi viết: “Con là cậu bé đáng yêu, con rất trung thực. Về học lực của con cô trò mình cùng cố gắng nhé. Rất mong nhận được sự chia sẻ của gia đình”. Mẹ T.D viết ý kiến ủng hộ. Tuần… “Con đã có tiến bộ nhiều! Tuần này cô phân cho con làm tổ trưởng quản lí nhé!”. Con hào hứng lắm, và đương nhiên con phải ngoan trước rồi. Tôi thấy việc tạo cho trẻ phụ trách công việc phù hợp sẽ giúp trẻ khắc phục nhược điểm và phát huy điểm mạnh của bản thân. Bố mẹ nói: “Cô tâm lí quá! Cảm ơn các cô rất nhiều!”  Con thay đổi tích cực trong những tuần tiếp theo. Con thích viết, thích hỏi cô và thích được cô khen. Tuần…. tôi viết trong sổ liên lạc: “Con đã cố gắng rất nhiều”. Tuần tiếp theo, trong giờ sinh hoạt lớp tôi nói với con: “Cô giao cho con đọc cho lớp nghe một câu chuyện con yêu thích nhé. Cô tin con sẽ làm tốt!”. Cứ thế… cứ thế… T.D dần tiến bộ. Gia đình con rất mừng! Mẹ T.D là người chăm con, thương con nhưng có tính cách nóng nảy. Tôi thấy mình học được từ phụ huynh rất nhiều và cần phải suy ngẫm nhiều điều để rút ra kinh nghiệm cho bản thân. Hết học kì Một con thay đổi rất nhiều. Tôi tin rằng con sẽ yêu thích học và đọc thông viết thạo khi hết lớp Một. Tôi sẽ tiếp tục cố gắng nhiều ở học kì Hai và tôi tin những cố gắng của mình sẽ được đền đáp xứng đáng.

    Có một điều tôi rút ra là: “Việc trẻ học chưa tốt đôi khi không phải do năng lực của các con, mà có khi đơn giản là các con muốn mình được quan tâm, được yêu thương, được mọi người xung quanh chú ý”. Vậy nên, tôi tin: nếu mình mở rộng vòng tay yêu thương trẻ thực sự thì sẽ đưa trẻ gần với mình và nhiều điều kì diệu sẽ đến.

    Lê Thị Tâm  - Giáo viên chủ nhiệm trường Tiểu học

    Bài viết liên quan
    Tư vấn online 0987.266.630