• HỆ THỐNG GIÁO DỤC CHẤT LƯỢNG CAO

      NGUYỄN BỈNH KHIÊM - CẦU GIẤY

      Trường Tiểu Học Nguyễn Bỉnh Khiêm - Cầu Giấy

      Trường THCS&THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm - Cầu Giấy

    Tin tức & sự kiện

    [Vietnamnet] Bảo bối của cô giáo

  • Thứ tư, 08:37 Ngày 03/04/2019
  • Link bài báo: https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/nguoi-thay/co-chu-nhiem-lap-ho-so-tam-ly-cua-tung-hoc-sinh-518051.html

    Trong hành trang "sổ sách" của mình, cô Vũ Thị Tuyết Nga, giáo viên Trường THCS-THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội) có một thứ đặc biệt.

    Bảo bối "hồ sơ tâm lý"

    Đó là các hồ sơ tâm lý của học sinh. Đây là một "công cụ" hữu ích giúp cô làm công tác chủ nhiệm hiệu quả.

    Với cô Nga, việc lập hồ sơ tâm lý học sinh nhằm hiểu cặn kẽ từng hoàn cảnh, tâm lý,… là điều cần được chú trọng trong các nhà trường ngay từ khi các con bắt đầu nhập học.

    Thông qua hồ sơ tâm lý, giáo viên có thể nắm rõ hoàn cảnh gia đình, sở trường, sở đoản của từng học sinh hay những năng lực đặc biệt của học sinh ở bậc tiểu học.

    Sau đó, giáo viên chủ nhiệm (GVCN) sẽ phân loại hồ sơ theo từng nhóm đối tượng. Từ việc này, giáo viên sẽ có sự định hướng, hỗ trợ và điều chỉnh hành vi phù hợp hơn.

    “Thông qua hồ sơ tâm lý, giáo viên có thể nhận biết được hoàn cảnh gia đình. Ví dụ, có những học sinh bố mẹ chia tay; mẹ có mối quan hệ riêng tư khác. Đứa trẻ cảm thấy mình bị bỏ rơi và rất cô đơn trong ngôi nhà. Thay vì chơi với bạn bè, con thu mình lại và luôn làm những việc khác biệt như chơi điện tử thâu đêm hay thích là nghỉ học. Lúc này, vai trò của giáo viên phải tìm hiểu, gần gũi và bù đắp cho con bằng những tình cảm yêu thương chân thành”.

    Cậu học trò bị cha mẹ xem là "đồ hư hỏng"

    Cô Nga khẳng định, giáo viên muốn dạy trẻ cần phải thực sự hiểu các em. Nhưng để hiểu về trẻ không phải dễ dàng. Ngoài nắm bắt thông tin cá nhân từng em, còn phải có kiến thức về tâm sinh lý giáo dục thấu đáo.

    Thậm chí, không phải phụ huynh nào cũng thực sự hiểu con cái mình và đồng thuận với cách giáo dục của nhà trường.

    Hồ sơ tâm lý của học sinh mà cô Nga đã soạn

    Trong khối lớp 7 cô chủ nhiệm, có một cậu học sinh nhu cầu sinh lý rất lớn. Phụ huynh luôn cho rằng con mình là "đồ hư hỏng, đồ bỏ đi". Không chỉ vậy, em luôn nhận được những lời chửi bới, mắng nhiếc từ cha mẹ.

    Tiếp cận vấn đề ở góc độ tâm lý, cô Nga nhìn nhận học sinh này đang rơi vào trạng thái không giải tỏa được tâm sinh lý. Cô đã phải kết nối với phụ huynh cùng tìm ra hướng giải quyết như cho con tập thể thao, nói chuyện về vấn đề giới tính, không cấm đoán con chia sẻ điều ấy với bạn bè.

    “Phải rất mất thời gian thuyết phục, phụ huynh mới có thể đồng cảm với cô giáo. Nếu phụ huynh không quan tâm, giáo viên cũng không sát sao, học sinh rất khó đi theo con đường tích cực”, cô Nga nói.

    Theo cô, ở giai đoạn THCS, học sinh đang bước vào thời điểm tâm sinh lý thay đổi mạnh mẽ. Sẽ có những trẻ mạnh bạo, muốn thể hiện bản thân; phần khác lại thu mình do hoàn cảnh hay cá tính.

    Nhắc tới câu chuyện nữ sinh bị bạn đánh hội đồng ở Hưng Yên những ngày qua, cô phân tích:

    "Trong số 6 em, nạn nhân hay thủ phạm, có những em thiếu vắng sự quan tâm của gia đình. Điều này có thể đã ảnh hưởng rất nhiều đến tính cách và thói quen. Như vậy, vai trò của cô chủ nhiệm là bù đắp yêu thương và định hướng học sinh tới những điều tốt. Chẳng hạn, trong số 5 học sinh đánh bạn, rất có thể mang thiên hướng làm thủ lĩnh; GVCN hướng các em tới những hoạt động tích cực như cho làm trưởng nhóm bảo vệ môi trường hoặc giao nhiệm vụ hỗ trợ một bạn nào đó. "Rất có thể điều ấy sẽ hướng các con đi theo con đường tích cực hơn".

    Còn đối với học sinh bị các bạn bắt nạt, ngay khi nắm bắt được hoàn cảnh của học trò, GVCN nên chủ động chia sẻ. Với tính cách nhút nhát, cô giáo nên cùng các bạn trong lớp hỗ trợ, gần gũi động viên và đồng cảm giúp con thêm cởi mở”.

    Khi được hỏi chia sẻ được kinh nghiệm gì trong công tác GVCN, cô Nga nói: “Trong các nhà trường nên có những buổi để học sinh nói về học sinh. Khi được chia sẻ về bản thân mình, nói ra những mong muốn và điều còn thiếu hụt, học sinh khác sẽ có thấu hiểu và đồng cảm hơn, về chính mình và bạn bè".

    Bài viết liên quan
    Tư vấn online 0987.266.630