• HỆ THỐNG GIÁO DỤC CHẤT LƯỢNG CAO

      NGUYỄN BỈNH KHIÊM - CẦU GIẤY

      Trường Tiểu Học Nguyễn Bỉnh Khiêm - Cầu Giấy

      Trường THCS&THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm - Cầu Giấy

    Báo chí

    [GIÁO DỤC VIỆT NAM] Nghề chủ nhiệm, vất vả nhưng đong đầy yêu thương

  • Thứ sáu, 11:12 Ngày 23/10/2020
  • Link bài báo: https://bit.ly/2IYDyaP

    “Trường tôi có rất nhiều mô hình lớp học, trong đó có lớp ban A và ban D nên thông thường mỗi lớp như vậy thì các con tiếp nhận môn Văn với tâm thế và tình cảm khác nhau.

    Với lớp ban A thì các con nghĩ môn Văn như một môn phụ bởi sẽ thi Toán, Lý, Hóa, vậy nên việc tiếp nhận của các con với môn này đã khiến không ít giáo viên cảm thấy buồn.

    Học sinh không thích môn Văn nhiều chữ quá, vậy nên khi dạy những lớp ban A tôi phải tìm mọi cách để khiến cho các con thấy môn Văn không đáng sợ như các con nghĩ.

    Phải dạy làm sao cho tinh giản, gọn và dễ hiểu nhất để các con dễ tiếp thu. Điều quan trọng nhất là để học sinh thấy thích học Văn, hứng thú với bộ môn này.

    Làm sao để không khí tiết học không nặng nề, không nhàm chán. Ví dụ vừa qua các con thi giữa kỳ và lần đầu tiên cô giáo chủ nhiệm lớp ban A có gửi cho tôi một bức ảnh chụp cả lớp không ngủ trưa mà tất cả ngồi tự học môn Văn.

    Đây là điều chưa bao giờ xảy ra với lớp ban A, nó khiến cho giáo viên chúng tôi cảm thấy rất xúc động. Năm trước tôi có quan sát một lớp trong trường và tôi nghĩ sẽ không bao giờ các con có được tâm thế học Văn như vậy, nhưng khi nhìn hình ảnh này thì tôi nghĩ mình phải tự thay đổi bản thân hơn nữa vì các con.

    Ngoài việc các con rất hứng thú học môn Toán thì đến giờ phút này các con hay trêu tôi là: Lớp chúng con sắp chuyển sang ban D vì rất thích học môn Văn của cô.

    Điều quan trọng nữa tôi chưa bao giờ thấy là giờ đây các con chủ động hoàn thành bài mới, tìm hiểu trước các tác phẩm chuẩn bị học. Đó là điều tôi thấy các con đã thay đổi, tạo niềm vui cho giáo viên dạy môn Văn như tôi”.

    Đây là những lời chia sẻ của cô Đào Thị Vân Khánh - Giáo viên dạy môn ngữ Văn của Trường Trung học cơ sở, Trung học phổ thông Nguyễn Bỉnh Khiêm, Cầu Giấy, Hà Nội với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.

    Cô Khánh cho biết: “Vừa thương vừa giận và bản thân tôi cũng đã rút ra được nhiều điều từ những “sóng gió” đó, nhưng trên tất cả vẫn là tình cảm và lòng thương yêu con trẻ đã giúp tôi lấy lại được thăng bằng sau những biến cố trên”. Ảnh: Tùng Dương.

    Tạo cho học sinh hứng thú với môn Văn

    Cô Khánh cho biết: “Nói như vậy nhưng không phải lớp ban D nào các con cũng hứng thú với môn Văn, các con cũng dửng dưng tiếp nhận mặc dù các con thi Toán, Văn, Anh.

    Trong quá trình dạy, tôi cũng thường xuyên quan sát, tìm hiểu tại sao các con lại không thích? Có thể là do khách quan và bản chất là các con chưa được đánh thức niềm yêu thích đối với bộ môn này nên có suy nghĩ chỉ cần học thuộc là được.

    Vậy nên tôi dùng tình cảm kết hợp đánh vào điểm số lợi ích của các con, lúc đầu trong lớp tôi quan sát thấy có một số học sinh rất hứng thú khi nghe tôi giảng, sau đó bài của những em này làm rất đầy đủ và tôi chấm điểm tối đa.

    Còn lại những bạn khác chỉ làm bài được 60% thôi nên điểm số thấp hơn, vậy nên các con nhìn thấy bạn có điểm tối đa cũng tự phải suy nghĩ tại sao mình không được như vậy?

    Nhiều con cầm vở lên hỏi tại sao bài con được điểm thấp như vậy? Tôi cũng giải thích rằng các con cố gắng chăm học, làm bài chỉnh chu theo đúng yêu cầu đề bài, cô sẽ chấm điểm ý thức trước và sẽ sửa cho các con về mặt kỹ năng.

    Đến buổi chấm điểm đề cương lần thứ 2 thì lớp đó 100% các con làm bài đầy đủ, và cho đến 3 tuần sau thì không khí của tiết học Văn khác hẳn, kể cả bạn nghịch nhất lớp cũng rất chăm chú nghe giảng. Như vậy có thể nói là tôi đã giúp các con lấy lại cảm hứng với môn Văn này”.

    Theo cô Khánh: “Có một phương pháp nữa khác biệt là chia sẻ từ chính bản thân mình với các con, bản thân tôi không phải được học Văn ngay từ đầu mà là học sinh chuyên Toán, sau đó yêu thích môn này nên mới chuyển sang học Văn.

    12 năm phổ thông của tôi đều học chuyên Toán nên tôi hiểu khá rõ học lớp ban A đối với môn Văn ra sao, giống như các con lớp ban D mà lại học môn Toán sẽ thế nào.

    Tôi kể cho học sinh nghe câu chuyện từ chính bản thân mình để thu phục các con, tạo cảm hứng và thậm chí tôi kể ngày xưa tôi cũng bị điểm 1 môn vật Lý vì không thuộc bài.

    Chính vì vậy mà cô hy vọng các con có thái độ nghiêm túc trong các môn học nói chung và môn Văn của cô nói riêng.

    Bản thân tôi cũng thường câp nhật các trang báo mạng, tìm hiểu những xu hướng mới mà các con quan tâm nên khi các con nói chuyện thì tôi cũng hòa nhập được ngay, chính vì vậy khoảng cách tình cảm giữa cô và trò ngày càng gắn bó, hòa đồng và các con coi tôi như là người mẹ thứ 2, như một người bạn.

    Tôi hay đưa những thói quen, sở thích của các con lồng ghép vào bài học trên lớp nên các con rất thích. Ví dụ hôm trước tôi dạy bài hai đứa trẻ của Thạch Lam và các con cảm thấy rất thương các bạn nhỏ trong câu chuyện.

    Nhưng các con lại nhận thấy tác phẩm này không hề nhàm chán mà ngược lại rất hấp dẫn khiến cho thời gian tiết học trôi qua rất nhanh, trống báo hết giờ nhưng không con nào chịu đứng dậy ra chơi mà muốn tôi giảng tiếp. Đó cũng là niềm vui chung của giáo viên chúng tôi khi vào lớp mà học sinh có hứng thú như vậy”.

    Gắn bó, sẻ chia với các con hàng ngày

    Cô Khánh chia sẻ: “Tôi đã làm công tác chủ nhiệm lớp được hơn 15 năm nhưng đối với bản thân tôi có lúc chủ nhiệm tới 3 lớp cùng lúc thì việc phải bám sát các con sẽ nhiều hơn các giáo viên khác.

    Đầu giờ sáng tôi đã có mặt tại trường, điểm danh, nhắc nhở từng con. Nhiều hôm đợi các con học hết tiết 5 tôi cùng xuống nhà ăn, tranh thủ thời gian ít ỏi để gần gũi, nhắc nhở các con ăn hết suất để đảm bảo sức khỏe, hỏi xem các con có khúc mắc gì, giờ học các môn khác có hiểu bài… có cần cô giúp đỡ gì không?

    Cô Đào Thị Vân Khánh và các em học sinh lớp 11D6 Trường Trung học cơ sở, Trung học phổ thông Nguyễn Bỉnh Khiêm, Cầu Giấy, Hà Nội. Ảnh: Tùng Dương.

    Cứ như vậy đan xen lịch sinh hoạt của các lớp tôi chủ nhiệm để làm sao có mặt được ở tất cả các lớp, nhờ vậy mà tôi nắm bắt tình hình các con khá sát sao, có vướng mắc gì thì kịp thời giải quyết.

    Cũng rất may mắn cho tôi là các con học sinh trong trường rất mong muốn được chia sẻ, xem thầy cô như những người bạn nên chính vì vậy đã xóa được khoảng cách giữa thầy và trò.

    Có nhiều điều các con không nói với bố mẹ nhưng lại thổ lộ với tôi, bằng rất nhiều hình thức như gọi điện thoại buổi tối có khi cả tiếng đồng hồ chỉ để chia sẻ rằng bố mẹ con bắt con thi trường này, trường kia mà con tự biết sức mình không thi được.

    Có con giận dỗi với bạn khác giới cũng tìm đến tôi nhờ phân xử, cô giúp con với, và những lúc như vậy tôi lại phân tích, dỗ dành, an ủi cả hai bạn vì tôi biết tâm lý các con đang không ổn định.

    Nhiều khi chỉ là những mâu thuẫn của các con trên mạng xã hội hay ở ngoài cuộc sống thì tôi cũng phải tìm hiểu ngay, vừa ngăn chặn và cũng giúp các con biết cách phòng tránh.

    Những định hướng về giới tính thì tôi cũng cố gắng bằng mọi cách để chia sẻ được hết với các con, cũng như với phụ huynh.

    Nhiều người thấy tôi có lúc làm công tác chủ nhiệm tới 3 lớp thì cũng rất ngạc nhiên vì thực sự công việc này rất vất vả, nhưng cũng may mắn là các lớp tôi chủ nhiệm thì học sinh đã vào nề nếp, rất ngoan và ý thức, biết bảo nhau học tập.

    Tôi cũng đã xây dựng được đội ngũ cán bộ lớp rất tốt nên các em này giúp tôi khá nhiều trong việc quán xuyến ở lớp, nhiều khi các con còn nhắc tôi trong công việc. Đặc biệt là ban phụ huynh của lớp rất đồng tình ủng hộ tôi, chính vì thế nên công tác chủ nhiệm của tôi khá thuận lợi”.

    Chủ nhiệm một lớp “Liên hợp quốc”

    Cô Khánh cho biết: “Có một lớp mà tôi nhớ mãi, tôi dạy ngang từ đầu năm lớp 11, với 30 con trong lớp đều đến từ các trường và tỉnh khác nhau, và cùng bắt đầu học năm đầu tiên tại trường này. Chính vì thế mà mọi người hay nói đùa đây là lớp “Liên hợp quốc”.

    Các con đều chuyển trường nên chưa quen mọi nề nếp của trường mới, thầy cô mới, các bạn cũng mới và mỗi con một cá tính, tính cách rất mạnh nên cả một năm đó không biết bao nhiêu “sóng gió” đã xảy ra trong lớp tôi. Các con chưa quen nhau nên bạn nào cũng thích thể hiện và cả lớp không tìm được tiếng nói chung.

    Tôi thường nói đùa với các con rằng đây thực sự là một năm quá kinh khủng đối với cô và “sóng gió” còn kéo dài sang cả đầu năm học sau nữa mới thôi.

    Ngay từ những ngày đầu của năm học đó là lớp tôi đã có “chuyện” vài bạn học sinh nữ gây gổ với bạn ở lớp khác trong trường, tôi và Ban giám hiệu nhà trường phải giải quyết suốt nhiều tuần thì mọi việc mới tạm ổn.

    Nhưng vừa xong vụ việc đó thì lại đến lượt học sinh nam mâu thuẫn với bạn ở lớp khác, nguyên nhân việc này cũng chỉ vì tình cảm với bạn cũ khác giới. Vụ việc này đến mức phải đưa ra Hội đồng kỷ luật của nhà trường.

    Tháng 8 đầu năm học có 1 vụ, tháng 9 lại có 1 vụ nữa. Yên ổn được tháng 10, tháng 11 thì đến đầu năm sau đợt nghỉ Tết vừa đi học lại xảy ra vụ nữa. Thời điểm này nói chuyện với học sinh mà nước mắt tôi cứ trào ra, tôi khóc suốt và vừa giận nhưng cũng vừa thương các con.

    Không khí lớp học tất cả đều trùng xuống, mọi người lẫn phụ huynh đều lo sợ và bản thân tôi cũng thấy bất an với những sự việc đến từ bên ngoài cổng trường. Tự nhủ như vậy là công tác chủ nhiệm lớp của tôi chưa tròn.

    Nhưng sau cùng với tất cả sự cố gắng của các giáo viên cũng như Ban giám hiệu nhà trường, học sinh, phụ huynh, thì sự việc cuối cùng cũng được giải quyết triệt để, dứt điểm. Không khí lớp học đã trở lại bình thường, kết quả học tập cuối năm của lớp có tiến bộ rõ rệt.

    Có lẽ đó là một năm học mà cả đời giáo viên của tôi cũng như các con học sinh lớp đó sẽ không bao giờ quên, vừa thương vừa giận các con và bản thân tôi cũng đã rút ra được nhiều điều từ những “sóng gió” đó, nhưng trên tất cả vẫn là tình cảm và lòng thương yêu con trẻ đã giúp tôi lấy lại được thăng bằng sau những biến cố”.

    Bài viết liên quan
    Tư vấn online 0987.266.630