• HỆ THỐNG GIÁO DỤC CHẤT LƯỢNG CAO

      NGUYỄN BỈNH KHIÊM - CẦU GIẤY

      Trường Tiểu Học Nguyễn Bỉnh Khiêm - Cầu Giấy

      Trường THCS&THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm - Cầu Giấy

    Tin tức & sự kiện

    ĐỂ MỖI GIỜ SINH HOẠT LỚP LÀ MỘT GIỜ HỌC VUI

  • Thứ hai, 18:23 Ngày 12/08/2019
  • Thời đi học chắc hẳn nhiều người sẽ thích giờ sinh hoạt bởi đơn giản giờ đó không phải học, không phải ghi bài mỏi tay. Học trò hầy hết ai cũng thích vậy! Nhưng ra trường rồi mới thấy trân trọng và nhớ nhung hơn những tiết sinh hoạt. Những câu chuyện kí ức về giờ sinh hoạt đong đầy kỉ niệm được gợi nhắc qua câu chuyện của cô giáo Thái Thị Thu xin được gửi đến quý thầy cô vfa các con học sinh.

    Hồi học cấp III, lớp tôi tuy là lớp chọn của trường nhưng cũng không thiếu các trò nghịch ngợm. Thầy chủ nhiệm lớp là một giáo viên toán. Thầy yêu thương chúng tôi nhưng cũng rất nghiêm khắc. Giờ sinh hoạt thầy thường phê bình lớp về những khuyết điểm trong tuần. Những giờ đó cứ chậm chạp trôi đi và không biết từ bao giờ chúng tôi rất ngại giờ đó. Có một lần, một bạn nam trong lớp đã giấu sổ đầu bài đi vì bạn ấy bị ghi tên vào sổ. Thế là giờ sinh hoạt của tuần đó cả lớp phải nghe thầy phê bình thật nhiều. Không khí lớp rất nặng nề. Một cô bạn trong lớp là thành viên đội tuyển văn đã viết mấy câu thơ “tức cảnh sinh tình”:

    “Cứ đến giờ lại ca nhạc thầy ơi!”

    Em nghe mãi thấy chán chường cuộc sống

    Tình thầy trò như trời cao biển rộng

    Nhưng giờ đây em chỉ thấy nặng nề”

    Thế rồi mấy câu thơ đó được lặng lẽ truyền đi. Bạn tôi có lẽ cũng quên luôn bốn câu thơ của mình vừa sáng tác nếu như không có việc thầy chủ nhiệm gặp riêng bạn vào ngày hôm sau. Bạn tôi sợ và ân hận lắm. Cả lớp họp bàn và quyết định cử bạn lớp trưởng đến gặp thầy để xin lỗi thầy

    Sau này tôi đã chọn con đường đi giống thầy: làm nhà giáo. Thầy luôn là tấm gương cho tôi về lòng yêu thương học sinh, tinh thần trách nhiệm trong công việc. Nhưng kỉ niệm về giờ sinh hoạt ấy còn đọng mãi trong tôi và tôi luôn mong muốn học sinh của mình không cảm thấy nặng nề trước những giờ sinh hoạt lớp. Tôi nghĩ giờ sinh hoạt không chỉ sơ kết tuần trước, triển khai kế hoạch tuần sau mà còn là nơi giúp học sinh thể hiện tài năng, là diễn đàn để học sinh chia sẻ, giúp thầy trò thêm gắn kết, giúp học sinh biết cách tổ chức một hoạt động tập thể… Giờ sinh hoạt bổ ích có tác dụng giáo dục về nhiều mặt: rèn đạo đức, nề nếp, tác phong, cung cấp các kiến thức của cuộc sống cho học sinh…

                 Khi vào công tác tại trường Nguyễn Bỉnh Khiêm, tôi thấy rất hứng thú với việc sinh hoạt theo chủ đề. Ngoài các nội dung gợi ý mà trường đưa ra, tôi cũng tùy theo đặc điểm tình hình của lớp mà bổ sung các chủ đề khác. Tôi chia lớp thành ba tổ, các tổ luân phiên tổ chức các giờ sinh hoạt theo chủ đề đưa ra. Tuy vậy tôi vẫn thấy có sự gượng ép và thực ra, dù chia theo tổ nhưng cũng chỉ một số học sinh có khả năng trong tổ làm, các học sinh khác vẫn rất thụ động. Đang loay hoay, trăn trở thì rất may năm học này nhà trường đã gợi ý cho chủ đề “Học sinh nói về học sinh, học sinh nói về mình”. Đây thực sự là chủ đề mở, mọi học sinh đều được tham gia và lựa chọn nội dung.

                  Với nội dung “Học sinh nói về mình” tôi dựa trên tinh thần xung phong, lựa chọn các học sinh nhanh nhẹn, hoạt bát, có khả năng để tham gia trước. Cách làm cũng không có gì sáng tạo so với gợi ý của trường. Các con đăng kí trước chủ đề sẽ chia sẻ và năng khiếu muốn thể hiện. Dựa vào đó tôi chuẩn bị một số câu hỏi để giao lưu với các con và hỗ trợ những gì cần thiết cho phần thể hiện năng khiếu. Đúng là tôi rất bất ngờ trước khả năng nổi trội mà các con thể hiện, rất phong phú, đa dạng. Nào thì hát, nhảy, chơi đàn ghita, thổi sáo, ảo thuật, thuyết trình, vẽ tranh,…. Nhiều con rất nghiêm túc đầu tư thời gian cho phần chia sẻ của mình, tranh thủ buổi trưa, buổi chiều sau tan học để tập luyện Có những học sinh chưa dám thể hiện một mình nên được các bạn trợ giúp, cùng hát hoặc cùng nhảy. Tôi cảm thấy sau những hoạt động đó, các con trở nên thân thiết, gần gũi hơn. Dần dần các học sinh vốn nhút nhát cũng mạnh dạn vào cuộc.

                   Tuy vậy, không phải học sinh nào cũng có khả năng nổi trội để thể hiện. Học sinh Lê Nhật Minh là một ví dụ. Con hiền, ít nói, không thích tham gia các hoạt động tập thể. Khi được giao nhiệm vụ chia sẻ trong giờ sinh hoạt tới, con lo lắng ra mặt. Con xin hoãn lại một tuần để chuẩn bị. Nhưng đến tuần sau con vẫn chẳng biết nói gì ngoài phần chia sẻ về bản thân. Con là một học sinh có hoàn cảnh đặc biệt, bố con mất từ khi con còn nhỏ. Có lẽ do thiếu tình thương yêu của cha nên con rụt rè, nhút nhát hơn các bạn khác. Tôi để ý thấy lần nào lớp liên hoan con cũng để dành một phần mang về cho mẹ và em. Thấy con vẫn đang lúng túng trong việc chọn chủ đề, tôi gợi ý cho con chia sẻ về mẹ. Quả thật những tình cảm con dành cho mẹ qua những câu chuyện về nỗi vất vả của mẹ nuôi hai anh em con khôn lớn đã gây sự xúc động lớn trong lớp. Nhiều học sinh chia sẻ cảm thấy quý trọng hơn tình cảm gia đình, biết ơn cha mẹ. Giờ sinh hoạt hôm đó không có những nốt nhạc vui mà là một khoảng lặng đầy ý nghĩa.

                 Để giờ sinh hoạt thêm phong phú, trong một số tuần tôi xen kẽ nội dung “Học sinh nói về học sinh” dưới dạng trò chơi “Người bạn bí mật”. Sẽ có một học sinh là nhân vật của tuần được hai người bạn khác bí mật quan sát mỗi hành động đẹp, mỗi việc làm tốt trong một tuần. Luật chơi là hai người theo dõi không được tiết lộ bí mật và chỉ tìm ưu điểm của bạn mà thôi. Giờ sinh hoạt, khi tôi đọc những mẩu giấy nhỏ ghi những việc tốt mà bạn học sinh đó đã làm được, cả lớp thi nhau đoán xem đó là ai. Có những học sinh rất ngỡ ngàng vì không nghĩ trong tuần mình đã làm được nhiều việc tốt như thế. Có học sinh rất thật thà thổ lộ:”Con cứ tưởng tuần này con được theo dõi nên con rất cố gắng giữ gìn không vi phạm”. Có những việc tốt thật là giản dị được ghi lại: “Thứ hai giờ ăn trưa bạn đã nhường món tôm rán cho mình vì bạn không thích ăn tôm” hay là “Hôm nay thứ ba bạn quét nhà rất sạch”… Cũng có những hình ảnh thực sự đắt giá: “Hôm nay Halloween bạn tự động ở lại dọn lớp sau khi mọi người đã ra về, không cần cô phải nhắc”. Hình ảnh đó còn được báo cáo trong cuộc họp phụ huynh học kỳ I vừa rồi như một “việc tử tế” rất được phụ huynh hoan nghênh và đây thực sự là một thành công của nhà trường trong công tác giáo dục, dạy học sinh nên người

    Giờ sinh hoạt có vai trò hết sức quan trọng. Đó là yếu tố giúp giáo viên chủ nhiệm hoàn thành tốt công tác giáo dục học sinh. Người giáo viên chủ nhiệm phải luôn luôn cải tiến nội dung và biện pháp tiến hành giờ sinh hoạt lớp để có thể tạo được sự hấp dẫn cuốn hút học sinh. Thông qua giờ sinh hoạt tác động tới các con tinh thần phấn đấu vươn lên trong học tập, ý thức rèn luyện đạo đức tác phong, hình thành nhân cách. GVCN cần cố gắng để các giờ sinh hoạt là những giờ học vui – bổ ích – lý thú để đối với mỗi học sinh, mỗi giờ sinh hoạt thực sự là một giờ “Để nhớ”

    Thái Thị Thu - Giáo viên chủ nhiệm THCS

    Bài viết liên quan
    Tư vấn online 0987.266.630