Báo chí
[Giaoduc.net] Hành trình của một đứa trẻ biết nói lời xin lỗi!
Link bài viết: https://bit.ly/3a6EXa0
Sự “nổi loạn” của cậu học trò khiến cho cô Trần Thị Thanh Tâm - Giáo viên có nhiều kinh nghiệm làm công tác chủ nhiệm tại Trường Trung học phổ thông Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội) có những lúc tưởng như bất lực. Nhưng rồi tới một ngày V.T.M nhận ra lỗi lầm và thay đổi hoàn toàn, trở thành một học sinh nề nếp, chăm chỉ.
Cô Thanh Tâm chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam: “Tôi còn nhớ cuộc họp phụ huynh cuối học kì 1 năm đó, M. đã mạnh dạn đứng lên và tự chia sẻ sự thay đổi của mình, một câu chuyện nhỏ nhưng xúc động. Có bác phụ huynh phát biểu: Tôi đã rớm nước mắt khi nghe M. chia sẻ, tôi thấy mẹ của M. cũng khóc và nhiều phụ huynh khác có cùng cảm xúc như tôi.
Cũng trong cuộc họp ấy, với cương vị là giáo viên chủ nhiệm, tôi thầm biết ơn câu chuyện truyền cảm hứng đó của V.T.M. Tôi tin là những giáo viên khác, những người cha, người mẹ sẽ không bỏ cuộc với những đứa con nghịch ngợm, có đôi lúc khiến họ tưởng như bất lực.
Suốt một thời gian dài, tôi và cô phó chủ nhiệm thay nhau gọi M. học online mà đa phần không nghe máy. Có lúc, tôi nghĩ mình phải bỏ cuộc vì không thể tiếp tục được với ca “khó đỡ” này. Tôi nhận được sự động viên từ thầy Chủ tịch trường và sau nhiều nỗ lực, chúng tôi thật sự hạnh phúc khi nhìn thấy sự thay đổi hoàn toàn của M”.
Cô Trần Thị Thanh Tâm: "Tôi ghi nhớ lắm giây phút đó, gọi ngay cho mẹ của em chia sẻ niềm vui. Không phải vì điểm 9, 10 của V.T.M. mà vì đứa trẻ đã biết nói lời xin lỗi”. Ảnh: Tùng Dương. |
Cô Tâm kể: “Mẹ của V.T.M cũng công tác trong ngành giáo dục nhưng M thiệt thòi vì hoàn cảnh gia đình, hầu như không có sự quan tâm của bố.
M. hút thuốc lá điện tử từ cấp 2, chơi điện tử triền miên, xuyên đêm và dường như bị ảo giác khi đến lớp. Lúc đi học bình thường, M. chơi đến 2, 3 giờ sáng, lúc nghỉ phòng dịch thì chơi xuyên đêm; tự ý bỏ sang ở nhà bà ngoại đã 80 tuổi, mẹ gọi cũng không về.
Ban ngày thì M. ngủ, bà nấu cơm và gọi dậy ăn, đêm thì chơi, khi bị thua điện tử là chửi bới, đập phá đồ đạc, gào thét giữa đêm. Nhiều lúc bà không chịu được cháu nên gọi mẹ đón nhưng M. không về vì ở nhà bà còn được tự do hơn.
Đầu năm lớp 10, M. nghỉ học thường xuyên. Tôi đã từng phải nhờ các cô ở văn phòng đi qua lớp gọi tên, hỏi và báo rằng bạn V.T.M lớp này đã gần hết ngày nghỉ học, nếu tiếp tục nghỉ thì sẽ lưu ban. M. nghe thế cũng sợ, và cũng sau đó thì nghỉ dịch nên số buổi học chỉ tính online.
M. cũng đi muộn triền miên, bài vở không ghi, lên lớp là ngủ, thầy cô nhắc nhở là em có “thái độ”, thậm chí cãi hỗn, hoặc đập bàn ghế. Tôi cũng đã dành nhiều thời gian tâm sự, chuyện trò và riêng với M.
Tôi chưa bao giờ nặng lời bởi biết rằng càng nói nhiều, nói nặng lời thì càng phản tác dụng, nhưng vẫn phải kiên quyết giúp M. nhận thấy lỗi lầm.
Vấn đề của M. chủ yếu ở chơi điện tử và ở thái độ hỗn hào với mẹ, với thầy cô, khả năng quản lý cảm xúc bản thân thấp. M. mất kết nối tình cảm với gia đình, với cả cha, cả mẹ. M. có tư chất tốt, cái cần là thay đổi con người, việc học tự khắc sẽ ổn hơn”.
Cô Tâm cho biết: “Có đêm đã 11h mẹ M. gọi cho tôi trong nước mắt: “Em ơi, chị không chịu nổi nó nữa rồi, nó hỗn láo với chị quá. Chị làm sao đây em ơi?” Câu chuyện suốt cả tiếng đồng hồ càng khiến tôi hiểu thêm về M.
Từ lớp 6 chưa từng bao giờ biết nói một lời xin lỗi với ai dù sai, hầu hết chơi với bạn bè ngoài xã hội, bạn game đua đòi, bỏ học, mua đồ chơi điện tử trong game, không có tiền về nhà hạch sách mẹ.
M. liên tục ngã xe máy và mẹ phải chạy vạy chữa trị, rồi tháng nào cũng bị phạt vì không đội mũ đi đường.
Có lần M. còn đi xe máy luồn lách tạt cả đầu xe máy của tôi trên đường đến trường mà em cũng có biết đâu.
M. cãi lại mẹ không ít lần, thậm chí còn đánh chị gái.
Sau này khi đã tỉnh ngộ, M. tâm sự với tôi: “Con tưởng chúng nó tốt, nào ngờ chúng nó lừa con đi ship chất cấm. May mà con phát hiện được”.
Nhưng trong thời gian phải học online ở nhà thì thật khó mà kết nối được với em, và nghỉ ở nhà càng có thêm điều kiện để nuôi dưỡng con người khó bảo. Khi đi học trở lại, M. lại càng xuống dốc.
Bố của M. thỉnh thoảng gặp con, không biết M. đổ lỗi cho nhà trường thế nào mà bố còn dọa đưa cô giáo chủ nhiệm lên mạng xã hội vì bắt con tôi nghỉ học. Lại 11h đêm, mẹ M. phải gọi điện gấp cho tôi trình bày: “Em ơi, bố nó nói ngày mai đến trường xử lý em. Chị sợ em còn trẻ nên sáng mai chị sang nhờ thầy Hiệu trưởng giúp em nhé. Chị ngại quá em ạ”.
Tôi động viên: “Chị yên tâm, nếu bố con đến em sẽ đón tiếp. Còn nếu phiền đến nhà trường, em sẽ nhờ thầy”. Tôi cũng đã gặp thầy Hiệu trưởng trước và xin ý kiến chỉ đạo, đồng thời nhờ thầy nếu có vấn đề gì thì hỗ trợ tôi.
Tôi cũng lo lắng, mẹ M. thì rất hợp tác và hiểu chuyện. Nhưng còn bố em thì sao? Cả ngày hôm sau tôi chờ đợi và chuẩn bị... nhưng bố của M không đến, cũng không gọi lại gì nữa. Tôi chưa biết mặt bác và cũng không có cơ hội nào được gặp cho đến giờ. Tôi báo lại sự việc cho thầy Hiệu trưởng và nhận được sự chỉ đạo chu đáo của thầy. Sự việc này tạm thời yên ổn qua đi”.
Các em học sinh của Trường Trung học phổ thông Nguyễn Bỉnh Khiêm trong giờ học. Ảnh minh họa: Tùng Dương. |
Cảm hóa học trò bằng tấm lòng bao dung
Cô Tâm kể tiếp: “Tháng đó M. tiếp tục ngã xe, lần này rất đau và phải nghỉ học. Tôi tìm đến nhà bà ngoại thăm em, tôi mua hoa quả biếu bà, mua sữa cho em. Hôm đó, tôi ngồi nói chuyện với M. hơn 1 tiếng đồng hồ và không nghĩ rằng một hành động nhỏ mà làm thay đổi suy nghĩ của em.
V.T.M đã viết trong cuộc họp phụ huynh hôm đó: “Con cứ tưởng cô trù con. Nhưng con đã nhầm! Khi con ngã xe, cô còn mua quà đến thăm con. Con vui lắm, tự nhiên con thấy con được quan tâm”. Tôi bừng tỉnh sau lời tâm sự ấy. Hoá ra, với con trẻ, sự quan tâm đúng thời điểm thực sự rất quan trọng.
Lại có lần, M. không học thể dục, hỗn hào với một số thầy cô. Một giáo viên đã phải gọi điện cho tôi để gọi M. ra trao đổi. Tôi đã nghĩ, làm thế nào để một đứa trẻ từ lớp 6 không bao giờ biết xin lỗi sẽ nói lời xin lỗi đây? Tự nhiên tôi nghĩ ra một vấn đề trong con người của M. và nó chính xác.
Tôi không dạy dỗ, không lên giọng giáo điều, không mắng mỏ. Tôi chỉ nói với V.T.M: Vấn đề của con là sự quản lý cảm xúc, trước lúc đi thi con rất hay bất ổn tâm lí, khi chơi bóng đá thua con cũng khóc, và trước thầy cô, con hay nổi nóng không kiềm chế được mình, với mẹ con cũng thế.
Khi nghe tôi đọc được đúng tính cách, M. oà khóc. Sau cuộc nói chuyện đó, M. lên xin lỗi giáo viên. Có cô còn gọi riêng M. ra nhắc nhở và động viên.
M. như trút bỏ mặc cảm, vui vẻ hơn nhiều. Tôi ghi nhớ lắm giây phút đó, gọi ngay cho mẹ của em chia sẻ niềm vui. Không phải vì điểm 9, 10 của M. mà vì đứa trẻ đã biết nói lời xin lỗi!”.
Cô Tâm chia sẻ thêm: “Giờ thì V.T.M đã khác nhiều, tôi chẳng phải gọi con dậy học online mỗi sáng, bài vở ghi đầy đủ. Môn Toán năm trước chỉ 2 với 3 điểm. Văn cũng thế. Năm nay 2 lần thi chung M. đều được 9 điểm Toán.
Ở lần thi giữa kì 2 này con còn được thầy Quốc động viên, cả trường có hai điểm 9, trong đó có con. Thầy rất tự hào về con. Môn Văn bây giờ con đã trên được trung bình, đã đạt 6.5 điểm dù trước đó tưởng chừng không thể.
M. nói với mẹ: Con phải làm gương cho các bạn.
M. còn nói với tôi: Cô có tin con phấn đấu đạt học sinh giỏi không?
Cô tin chứ và dẫu kết quả ra sao thì con cũng xứng đáng được ngợi khen vì những nỗ lực tuyệt vời ấy! Con giống như hạt mầm vươn ra ánh sáng.
Những lúc chia sẻ thế này, tôi xúc động khi nghĩ về V.T.M. Trong tôi như có điều gì đó thôi thúc, có lẽ, câu chuyện nhỏ này có thể truyền cảm hứng cho ai đó, hoặc cho chính tôi chăng? Khi không còn niềm tin ở sự đổi thay ở con người.
Tuổi trẻ của chúng, những đứa trẻ kia, chỉ có một lần, và thầy cô chúng ta là người chung tay kiến tạo. Hãy cứ tin ở trò, rằng chúng xứng đáng được yêu thương, được bao dung và chờ đợi”.
Thứ ba, 12/08/2024
[GIÁO DỤC & THỜI ĐẠI] Xây dựng trường tiểu học an toàn, hạnh phúc
GD&TĐ - Ngày 9/8, tại Đắk Lắk, Cục Nhà giáo (Bộ GD&ĐT) tổ chức tập huấn quản trị nhà trường xây dựng trường tiểu học an toàn, hạnh phúc.
Thứ ba, 22/04/2024
[TRÀ VINH ONLINE] Hội thảo “Trường học hạnh phúc - Con đường chúng ta đi”
Sáng ngày 23/3, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Trà Vinh tổ chức khai mạc hội thảo “Trường học hạnh phúc - Con đường chúng ta đi”. Hội thảo tổ chức trực tiếp tại giảng đường D5 (Trường Đại học Trà Vinh) kết hợp trực tuyến với 430 điểm trường trong tỉnh.
Thứ ba, 22/04/2024
[TUỔI TRẺ THỦ ĐÔ] Sứ giả của “Trường học hạnh phúc" đến với cực Nam của Tổ quốc
TTTĐ - Ngày 23/3, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Trà Vinh tổ chức khai mạc hội thảo “Trường học hạnh phúc - Con đường chúng ta đi”. Hội thảo tổ chức trực tiếp tại giảng đường D5, trường Đại học Trà Vinh kết hợp trực tuyến với 430 điểm trường trong tỉnh, thu hút gần 10.500 giáo viên các điểm cầu tham gia.
Thứ ba, 22/04/2024
[TUỔI TRẺ THỦ ĐÔ] Trường học hạnh phúc - học sinh phát triển bản thân, làm chủ tương lai
TTTĐ - Trường THCS-THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm - Cầu Giấy (Hà Nội) - Trường học hạnh phúc - có bề dày truyền thống xây dựng và phát triển hơn 30 năm qua.
Thứ ba, 22/04/2024
[VTCNEWS] Nữ sinh lớp 6 'trình làng' bộ thiết kế thời trang tái chế từ quần áo cũ
Cô học trò Dương Tuệ Mẫn, học sinh lớp 6 trường THCS - THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm chia sẻ về bộ thiết kế thời trang "Gió bấc".
Thứ ba, 17/05/2022
[VNEXPRESS] Đổi mới dạy và học Sử như thế nào
Trải qua hai giai đoạn trước và sau khi đổi mới cách dạy và học Lịch sử ở trường THCS & THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm - Cầu Giấy (Hà Nội), cô Trương Thu, Tổ trưởng tổ Lịch sử, thấy rõ tầm quan trọng của việc cải tổ cách dạy và thi Lịch sử.
Thứ ba, 22/12/2021
[VNExpress] Mệt mỏi do học online, thầy - trò mong được hỗ trợ tâm lý
Khảo sát cho thấy học sinh tiểu học và trung học cơ sở gặp nhiều vấn đề về học tập, thể chất; còn giáo viên luôn "căng thẳng, quá tải" khi dạy online.
Thứ ba, 20/12/2021
[DÂN TRÍ] VÌ SAO HỌC SINH KHÔNG HÀO HỨNG QUAY TRỞ LẠI TRƯỜNG ĐỂ HỌC TRỰC TIẾP
Trong thời điểm dịch bệnh gây ra nhiều khó khăn nhất, học sinh không thể đến trường trong thời gian dài, xã hội càng thấy rõ hơn vai trò không gì thay thế được, cùng những giá trị lớn lao của nhà trường, đặc biệt là giá trị của những ngôi trường hạnh phúc, nơi học sinh đến trường không chỉ để học mà còn để trải nghiệm, để sống, để thích ứng, để hoàn thiện và khám phá những tiềm năng vô hạn của bản thân.
Thứ ba, 07/08/2021
[Giaoducc.net] Ở tiểu học các con đều giỏi, sao lên lớp 6 lại lúng túng, nhút nhát?
Học sinh lớp 6 bỗng trở nên nhút nhát, lúng túng, đó là tâm lý chung của các em đang lớn nhất tại trường tiểu học, nay lại trở thành nhỏ nhất ở trường Trung học.
Thứ ba, 25/07/2021
[Giaoducc.net] Chỉ có yêu thương mới thuyết phục được học trò
Lớp học hạnh phúc là nơi cả cô và trò đều muốn tới mỗi ngày, nơi rộn vang tiếng cười, có niềm vui, có tình yêu thương.
Thứ ba, 22/06/2021
[TIENPHONG.VN] NAM SINH LỚP 9 CHƠI 'AI LÀ TRIỆU PHÚ' LẤY TIỀN MUA GẠO GIÚP CÔNG NHÂN VÙNG DỊCH
Ngày 18/6, Nguyễn Như Khôi, học sinh lớp 9D1, trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận Cầu Giấy (Hà Nội), sau khi tham gia chương trình "Ai là triệu phú", đã dành toàn bộ tiền mua 1 tấn gạo và nhu yếu phẩm cho nhân dân vùng dịch tỉnh Bắc Ninh.
Thứ ba, 22/06/2021
[LAODONG.VN] GIÁO VIÊN CHIA SẺ KINH NGHIỆM ÔN THI TIẾNG ANH KỲ THI TỐT NGHIỆP THPT
Thầy Lê Thanh Quý - Thạc sĩ chuyên ngành Lý luận và Phương pháp dạy học tiếng Anh của ĐH Southern New Hampshire của Mỹ, Giáo viên, tổ trưởng tổ bộ môn Tiếng Anh trường THCS&THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm – Cầu Giấy (Hà Nội) chia sẻ kinh nghiệm ôn thi Tiếng Anh cho các sĩ tử sắp bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia năm 2021-2022.
Copyright © 2018 Bản quyền thuộc về NGUYỄN BỈNH KHIÊM - CẦU GIẤY | Thiết kế và phát triển bởi P.A Việt Nam
Đang Online: 64 | Tổng lượt online : 22,484,564