• HỆ THỐNG GIÁO DỤC CHẤT LƯỢNG CAO

      NGUYỄN BỈNH KHIÊM - CẦU GIẤY

      Trường Tiểu Học Nguyễn Bỉnh Khiêm - Cầu Giấy

      Trường THCS&THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm - Cầu Giấy

    Báo chí

    [Giaoduc.net] Lớp tôi có bốn em “Nhất, Định, Không, Học”

  • Thứ hai, 16:23 Ngày 12/04/2021
  • Link bài viết: https://bit.ly/3wPy5r1

    “Lớp 9 là một năm học vô cùng đặc biệt với những giáo viên như tôi, năm học cuối cấp Trung học cơ sở. Tôi cũng giật mình nhận ra thời gian trôi thật là nhanh, nhớ lại năm đó tôi nhận lớp. Nóng lòng và hồi hộp!

    Bốn năm không dài nhưng cũng không ngắn, đủ để các con hiểu hơn về nhau, đủ để giáo viên chủ nhiệm thuộc lòng tính cách, đặc điểm gia đình, điểm mạnh, điểm yếu của từng con.

    Cũng thật may, trong buổi họp phụ huynh đầu năm đó tôi được ban giám hiệu nhà trường dành thời gian chia sẻ phân tích cho cha mẹ học sinh và tôi cảm nhận được từng câu từng chữ như đang mở đường cho mình.

    Tôi lấy lại tự tin và quyết tâm trong năm học cuối cấp bởi lớp của tôi từ trước đến giờ về học tập chưa bằng lớp khác”, cô Đặng Thị Hà Thu - Giáo viên Trường Trung học cơ sở Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.

    Cô Thu cho biết: “Tôi sốc lại tinh thần cho các con, hướng dẫn các con lập mục tiêu cá nhân thật chi tiết cho năm học này. Ngay từ đầu năm lớp 9, cả lớp có ý thức học tập vui vẻ, tích cực. Tuy vậy vẫn còn một số ‘lô cốt’ mà tôi luôn đau đầu, đó là 4 chàng trai đều có kết quả học tập không tốt.

    Năm lớp 9 so với những năm học trước thì học sinh có phần áp lực hơn bởi kỳ thi vào lớp 10. Cả 4 học sinh này đều có sự thay đổi tích cực, đều có mặt mạnh riêng nhưng lại không mạnh việc học. Chính vì các em đều có điểm chung như vậy nên tôi đặt tên gọi thân mật trong lớp là ‘Nhất, Định, Không, Học’.

    Tôi nhận thấy cần phải chấp nhận tính cách riêng để tìm cách động viên, phải tìm những giải pháp phù hợp để dần dần các bạn ấy thay đổi. Những bạn có cá tính mạnh như vậy hoàn toàn có thể tìm thấy đam mê và thành công với những gì yêu thích”.

    Cô Đặng Thị Hà Thu: "Mình chấp nhận và tôn trọng sự khác biệt của các con, tìm cách để giúp đỡ, đưa ra yêu cầu phù hợp với từng bạn". Ảnh: Tùng Dương.

    Chấp nhận tính cách riêng

    Cô Thu kể: "Anh chàng đầu tiên tên là Nhất. Các bạn khác thì tranh nhau vị trí số một nhưng bạn này thì không cần phải tranh đấu gì cũng luôn ẵm vị trí “nhất lớp”.

    Tư duy của con không tệ, đều có thể trả lời câu hỏi của thầy cô nhưng rất lười ghi chép, lười suy nghĩ nếu không có người kè kè bên cạnh. Ở nhà con “bắt nạt” mẹ, không cho mẹ ngồi học cùng, không cho mẹ nhắc nhở nhưng bản thân thì chưa tự giác, luôn tìm cách lẩn tránh ngồi vào bàn học.

    Chính con luôn nói với bố mẹ là sẽ đi học nghề, không muốn học cấp 3. Chuyện đó thì bố mẹ cũng đã xác định. Nhưng chẳng lẽ vì thế mà để con cứ bê trễ, hàng ngày tới lớp chỉ để điểm danh?

    Khó khăn trong việc dạy dỗ con nhưng tôi vẫn cố gắng. Phân tích cho con hiểu ý nghĩa của việc học, trao đổi với con để mẹ hỗ trợ khi ở nhà. Tôi cũng phải tự mình giảm tải cho con một số áp lực.

    Ví dụ bài tập toán hình là con không thể làm và thế nào cũng bỏ qua, vậy nên tôi căn dặn trước để khi tổ trưởng kiểm tra bài tập về nhà sẽ không kiểm tra bài đó, chỉ yêu cầu con phải vẽ hình. Tôi biết con chưa có sự thay đổi đột phá nhưng so với chính mình thì đã có những tiến bộ nhất định, hàng ngày con đã có ý thức hơn trong việc làm bài, những nội dung cơ bản đều làm hết”.

    Giờ tập thể dục tại Trường Trung học phổ thông Nguyễn Bỉnh Khiêm. Những phút rèn luyện sức khoẻ, cũng là lúc kết nối tình bạn. Ảnh minh họa: Tùng Dương.

    Theo cô Thu: “Anh chàng thứ hai tên Định. Em này thoạt đầu tưởng chừng là người ít nói, lầm lì, luôn trong trạng thái mơ mơ, lúc nào trong cũng giống đang chú ý nghe giảng nhưng khi hỏi đến thì không biết gì.

    Thế nhưng khi nhắn tin cho cô thì bạn ấy lại như một người khác. Tôi đã giật mình khi bạn ấy nhắn tin với tôi rằng: Cô Thu ơi, ước mơ của cô là gì ạ? Ước mơ của con là trở thành cầu thủ đá bóng. Nhưng gia đình con không ai ủng hộ, cô có thấy ước mơ đó viển vông không?

    Tôi đã đọc tin nhắn nhưng không vội trả lời vì sợ mình vội vàng sẽ làm hại một đứa trẻ. Lí thuyết thì tôi rất rõ, tôi không có quyền ngăn cấm ước mơ của con nhưng cũng không thể cổ vũ cho con chạy theo ước mơ mà bỏ bê học hành. Thấy tôi không trả lời,con tiếp tục nhắn, con dự định sẽ thi vào Trường Thể dục thể thao và trở thành một vận động viên thi đấu chuyên nghiệp.

    Lúc này, cuộc trò chuyện cởi mở hơn:

    - Con thấy khả năng chơi bóng của mình như thế nào?

    + Con rất thích, con đi học ở câu lạc bộ thầy bảo cũng có một chút năng khiếu.

    - Như cô được biết thì để trở thành cầu thủ chuyên nghiệp các bạn ấy phải được đào tạo từ bé, con đã từng tham gia các cuộc thi cho cầu thủ nhí chưa?

    + Con từng thi rồi ạ, nhưng bị loại.

    Và, tôi chia sẻ với con: Cô rất ngưỡng mộ con đấy, từ bé cô luôn trăn trở không biết ước mơ của mình là gì, không biết năng khiếu nổi trội của bản thân là gì. Vì vậy gặp những bạn mà có ước mơ là rất vui.

    Để trở thành vận động viên của đội tuyển quốc gia thì có lẽ rất khó, cả nước ta chỉ có vài chục cầu thủ. Nhưng để trở thành vận động viên thi đấu cho các câu lạc bộ thì cô tin con làm được. Con cũng có nhiều sự lựa chọn khác thỏa mãn đam mê của mình như là thầy giáo dạy thể dục để dạy các em nhỏ đá bóng.

    Và dù làm bất kì việc gì con cũng cần phải học tập. Con hãy nhìn các vận động viên nổi tiếng, họ cũng phải học tập. Cô lấy ví dụ vận động viên Xuân Trường - Đội trưởng đội bóng đá U23 Việt Nam, khi dành chiến thắng, chú ấy đã trả lời phỏng vấn của các phóng viên nước ngoài bằng tiếng anh cực kì trôi chảy và tự tin.

    Chú ấy phải học con ạ, học tập không phải chỉ để phục vụ việc thi cử mà con giúp con phát triển các kĩ năng và phát triển trí tuệ của mình. Lúc này con nhắn lại cho tôi, con hiểu rồi cô ạ. Con vẫn sẽ theo đuổi ước mơ dù gia đình phản đối và sẽ cố gắng học tập.

    Tuy đã nhắn tin cho tôi như vậy, nhưng việc học tập của con cũng chỉ tiến bộ một chút, con có ý thức làm bài ở nhà, ghi bài trên lớp. Năm lớp 9, kiến thức nhiều, con chưa thực sự chú tâm. Tôi cũng phải tự động viên mình, không so sánh con với các bạn khác. So với chính con đã có sự nhúc nhích là mừng lắm rồi”.

    Cô Thu nói: “Anh chàng thứ ba tên Ngộ Không. Nghe cái tên là có thể tưởng tượng ra phong cách của con rồi. Con thuộc mẫu người thông minh, thích vận động, không chịu đi bình thường mà phải luôn ở trạng thái hoặc chạy nhảy hoặc tập tễnh. Thành tích chấn thương của con được điểm danh theo tuần.

    Anh chàng này không bao giờ học bài ở nhà. Mẹ con kể, đi học về là quăng cái cặp rồi đi xe đạp, đi cầu lông, đi đá bóng, đi bơi, đi sang nhà bạn… đến giờ cơm mới về. Ăn uống, tắm giặt xong, loanh quanh là đi ngủ.

    Môn Toán của con ở mức trung bình nếu học tập nghiêm túc, môn Văn và Anh thì đáng lo ngại. Bực nhất là môn Văn, mẹ con bảo ở nhà học thuộc rồi nhưng không hiểu sao làm bài lại bị điểm dưới trung bình.

    Khổ một nỗi là bạn ấy toàn nộp giấy trắng hoặc có làm bài được vài dòng chữ “giun dế”, các thầy cô lấy gì mà chấm. Phải động viện, nhắc nhở đủ kiểu! Nói thật tôi rất thương cô Nga dạy Văn vì phải mất nhiều thời gian, dùng mọi cách, chỉ dẫn từng li từng tí cho con.

    Phải qua lần tôi mời phụ huynh tới trường để trao đổi tình hình học tập, mong gia đình sẽ vào cuộc hỗ trợ con. Lúc đó, con mới nhận ra là mình đã làm bố mẹ và thầy cô phiền lòng như thế nào. Giờ đây, con đã cố gắng làm bài ở nhà, số lần thiếu bài giảm dần nhưng chưa giảm về không. Như vậy là con có tiến bộ rồi”.

    Giờ tập trung đầu tuần tại Trường Trung học phổ thông Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ảnh minh họa: Tùng Dương.

    Giáo viên cố gắng tìm ra điểm mạnh để khích lệ học trò

    Cô Thu chia sẻ thêm: “Anh chàng thứ tư tên là Học. Đây là một “bài toán” khó đối với tôi vì tư chất con không kém. Con học các môn tự nhiên như lí, sinh, công nghệ khá ổn, thi khảo sát môn lí con được 9 điểm, môn sinh được 8 điểm.

    Con có hoàn cảnh gia đình đặc biệt hơn những bạn khác. Có thời gian ngày nào con cũng về nhà muộn, thường xuyên là sau 8 giờ, 9 giờ tối. Nếu hỏi thì con nói là đi dạo, đi ngắm phố phường… luôn có lý do.

    Tôi và bố của con đều rất lo lắng. Sau một tuần điều tra, chúng tôi phát hiện con nghiện chơi game chứ không phải bị stress.

    Lúc này, bố phải dành nhiều thời gian cho con. Trước đây mỗi khi cô trao đổi thì bố chỉ nhắc con tự điều chỉnh, nhưng không theo dõi xem đã thay đổi chưa?

    Giờ con đã có thể tự mình điều chỉnh việc chơi game, tích cực ghi chép bài hơn và quyết tâm hơn trong học tập”.

    Cô Thu chia sẻ: “Nhiều khi tôi cũng cảm thấy mệt mỏi nhưng cả bốn bạn đều có điểm chung là luôn vui vẻ, lúc nào cũng tươi cười và yêu đời, yêu trường, mến lớp. Tôi cũng không ép các con quá, cũng không ép mình quá, vì tôi luôn muốn làm các con tự nhận ra và điều chỉnh chứ không áp đặt.

    Bốn bạn có điểm mạnh riêng chỉ là không phải điểm số trong học tập mà thôi. Tôi tin sau này các con sẽ chọn được hướng đi riêng, trở thành những người có ích cho xã hội.

    Trước kia, tôi rất khó chấp nhận sự khác biệt quá lớn, nhưng rồi sau nhiều trải nghiệm thì tôi thấy cần tôn trọng sự khác biệt, tìm cách để giúp đỡ, đưa ra yêu cầu phù hợp với từng bạn. Điều quan trọng là các con suy nghĩ tích cực, cư xử chuẩn mực, trở thành người tốt”.

    Bài viết liên quan
    Tư vấn online 0987.266.630