• HỆ THỐNG GIÁO DỤC CHẤT LƯỢNG CAO

      NGUYỄN BỈNH KHIÊM - CẦU GIẤY

      Trường Tiểu Học Nguyễn Bỉnh Khiêm - Cầu Giấy

      Trường THCS&THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm - Cầu Giấy

    Tin tức - Sự kiện

    Phòng tâm lý học đường đồng hành cùng cha mẹ và con vào lớp 1

  • Thứ tư, 14:36 Ngày 13/05/2020
  • Lớp 1 là dấu mốc quan trọng trong sự trưởng thành của con muốn con tự tin bước vào lớp 1 thì vai trò của cha mẹ trong việc đồng hành cùng con thực sự rất quan trọng và có ý nghĩa. Để cả cha mẹ và con sẵn sàng tâm thế bước vào lớp 1, phòng Tâm lý chia sẻ một số thông tin các bậc Phụ huynh thường quan quan tâm.

    1. Sự khác biệt giữa mầm non và tiểu học

    Khi bước vào lớp 1, phần lớn các con đều cảm thấy hụt hẫng và gặp khó khăn nhất định mà nguyên nhân chính là sự khác biệt về môi trường và hoạt động học tập.

    Ở trường mầm non,hoạt động chủ yếu của con là vui. Các con đến trường được các cô giáo chăm sóc chu đáo, một số việc con không tự làm được thì vẫn được bố mẹ và thầy cô hỗ trợ.

    Khi lên lớp 1, hoạt động chủ yếu của con là các hoạt động học tập - mang tính bắt buộc, có tổ chức, có mục đích, có kế hoạch hỏi các con cần có sự tập trung chú ý và tuân thủ nội quy của giờ học. Bản thân mỗi học sinh đều phải cố gắng mới có thể đạt tới kết quả tốt đẹp. Khi trẻ bước vào lớp 1, trẻ cũng đồng thời phải đối mặt với hàng loạt những thói quen sinh hoạt mới. Thay vì chăm sóc từng chút thì Giáo viên lớp 1 sẽ là những người hướng dẫn, động viên, khuyến khích con tự hoàn thành nhiệm vụ.

    1. Những khó khăn con có thể gặp phải khi vào lớp 1

    Môi trường thay đổi khiến các con phải thích nghi với hàng loạt thói quen mới. Con có thể gặp một số khó khăn như:

    - Con thiếu tự tin, sợ đến lớp: Lên lớp 1 các con được làm quen với các cô giáo mới, bạn bè mới. Với một số trẻ điều đó khiến cho các con rụt rè, ngại giao tiếp. Đặc biệt, trẻ ở lứa tuổi này phải làm quen với phương pháp học tập mới, học nhiều môn khác nhau, kể cả những môn các em không thích, khiến cho một số trẻ sợ đến lớp vì lượng kiến thức vừa mới vừa trừu tượng.

    • Dễ bị phân tán và thiếu tập trung chú ý: học tập ở lớp 1 là hoạt động đòi hỏi tính chủ định cao với mục đích lĩnh hội kiến thức, ở giai đoạn mầm non nếu trẻ không được rèn luyện tính chủ đích trong các hoạt động, nhất là hoạt động trí óc thì trẻ sẽ dễ bị phân tán chú ý, thích gì làm đó, dễ chán nản và không hoàn thành nhiệm vụ.

    Vì vậy để trẻ sẵn sàng đi học, yêu và thích việc học là yếu tố tâm lý rất quan trọng, thôi thúc, tạo niềm vui khi trẻ đến trường, kích thích tính tích cực học tập và tham gia các hoạt động ở trường tiểu học.

    1. Chuẩn bị tâm lý cho con vào lớp 1
    • Cho trẻ có cơ hội được biết và “làm quen” với trường tiểu học

    Khi trẻ được 5 tuổi, bố mẹ nên tạo cơ hội cho trẻ được làm quen với trường tiểu học, giới thiệu cho con về ngôi trường con sẽ học, cho trẻ đi tham quan, trải nghiệm học tập, những điều thú vị về ngôi trường mà con sẽ học. Động lực được đi học chỉ nảy sinh khi trẻ nhận thấy trường học là nơi giải đáp được những vấn đề mà trẻ băn khoăn, thắc mắc và mong muốn được giải thích. Do đó, người lớn cần nói cho các con hiểu rằng khi đến trường, bé sẽ biết được nhiều điều mới lạ, thú vị. Ngoài ra, cần cho trẻ nhận thấy việc đi học là một niềm hạnh phúc.

    • Phát triển kỹ năng giao tiếp, gia tăng sự tự tin cho trẻ

    Khuyến khích, động viên trẻ chủ động thể hiện các kỹ năng giao tiếp (chào hỏi, lắng nghe khi người khác nói, chờ đợi đến lượt mình, tìm kiếm sự trợ giúp...) với mọi người xung quanh, tham gia nhiều hoạt động trải nghiệm, giao lưu với nhiều người để trẻ tự tin, mạnh dạn và tăng khả năng thích ứng với môi trường mới.

    • Đồng hành và hình thành các kỹ năng tự phục vụ cho trẻ

    Ở lứa tuổi này, các con đã có thể tự chủ được một số các việc cá nhân của mình như: tự chọn và mặc quần áo; chuẩn bị sách vở, dụng cụ học tập; tự xúc ăn… việc khuyến khích, động viên khen ngợi của gia đình sẽ giúp con chủ động thực hiện, tạo thói quen tốt cho con khi vào lớp 1.

    • Nuôi dưỡng hứng thú nhận thức cho trẻ

    Cha mẹ có thể nuôi dưỡng cho trẻ hứng thú nhận thức thông qua các trò chơi, tình huống để kích thích sự ham hiểu biết, óc tìm tòi, khám phá của trẻ. Giới thiệu cho trẻ về những điều mới lại xung quanh qua sách báo, tivi… khuyến khích trẻ khám phá hoặc đặt trẻ vào các tình huống đòi hỏi trẻ suy nghĩ, phân tích và tìm ra cách giải quyết…khuyến khích, khen ngợi kịp thời khi trẻ làm tốt.

    • Giúp trẻ làm quen với hoạt động trí óc

    Ở tiểu học, hoạt động học tập là hoạt động chủ đạo và đòi hỏi tính chủ đích để nắm bắt tri thức. Cha mẹ có thể tạo điều kiện giúp trẻ chuyển dần từ thái độ chú ý không chủ định đến chú ý có chủ định vào một việc nào đó. Điều này có thể thực hiện trong hoạt động vui chơi, bằng cách đặt ra cho các con một nhiệm vụ nhất định, nhất là nhiệm vụ nhận thức. Chẳng hạn như kể lại câu chuyện vừa mới nghe hay miêu tả một sự vật nào đó vừa mới được nhìn thấy, hoàn thành một bức vẽ, đặt các câu hỏi gợi mở cho trẻ phát hiện sự vật hiện tượng…

    Chúc cha mẹ và các con sẽ có khởi đầu tốt đẹp ở trường Tiểu học!

    Bài viết liên quan
    Tư vấn online 0987.266.630