• HỆ THỐNG GIÁO DỤC CHẤT LƯỢNG CAO

      NGUYỄN BỈNH KHIÊM - CẦU GIẤY

      Trường Tiểu Học Nguyễn Bỉnh Khiêm - Cầu Giấy

      Trường THCS&THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm - Cầu Giấy

    Tin tức & sự kiện

    THẦY NGUYỄN VĂN HÒA THAM LUẬN TẠI HỘI NGHỊ TRỰC TUYẾN TOÀN QUỐC VỀ BẢO ĐẢM AN NINH, AN TOÀN TRƯỜNG HỌC PHÒNG, CHỐNG BẠO LỰC HỌC ĐƯỜNG

  • Thứ tư, 08:29 Ngày 17/04/2019
  • Sáng ngày 17/04/2019, thầy Nguyễn Văn Hòa – Chủ tịch HĐQT trường Nguyễn Bỉnh Khiêm đã có bài phát biểu tại “Hội nghị trực tuyến toàn quốc về bảo đảm an ninh, an toàn trường học phòng, chống bạo lực học đường” do Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chủ trì. Hội nghị được thực hiện trực tuyến tới 640 điểm cầu trên toàn quốc với sự tham gia của gần 20.000 đại biểu. Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm vinh dự là đơn vị trường phổ thông duy nhất được báo cáo trong hội nghị lần này.

    Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc với 640 điểm cầu trên cả nước

    Bạo lực học đường đang là một vấn đề thu hút sự quan tâm của không chỉ gia đình, nhà trường mà còn của toàn xã hội. Gần đây, trên những thông tin đại chúng đang rộ lên các câu chuyện về bạo lực học đường, các video, hình ảnh về bạo lực học làm bận tâm và đau lòng cho các bậc phụ huynh, các thầy cô và các nhà quản lý giáo dục.

    Thầy Hòa phát biểu tại "Hội nghị trực tuyến toàn quốc về bảo đảm an ninh, an toàn trường học phòng, chống bạo lực học đường"

    Trong bài phát biểu, thầy Hòa nhận định “bạo lực học đường thực ra là những vấn đề thường ngày của nhà trường” và thầy đã đề xuất những giải pháp thiết thực nhằm giải quyết vấn đề này. Thầy lí giải: “Bạo lực học đường thực ra là những vấn đề thường ngày của nhà trường. Chúng ta đang dạy trẻ con, mà đã là trẻ con và dạy trẻ con thì sẽ có nhiều chuyện xảy ra. Vì thế, bạo lực học đường sẽ sống cùng hằng ngày với nhà trường mà không phải muốn chấm dứt là chấm dứt ngay được. Điều quan trọng là cách nhìn nhận và đánh giá của xã hội cũng như giải pháp cho vấn đề.”

    Theo thầy, trong những nguyên nhân để xảy ra bạo lực học đường thì cần chú trọng đến vấn đề tâm lý học lứa tuổi, khoa học tâm lý giáo dục và vấn đề xây dựng văn hoá trường học. Thầy Hòa đã khẳng định vai trò quan trọng của người giáo viên trong việc xử lý vấn đề bạo lực học đường. Các thầy cô không chỉ là những người giáo viên bình thường mà chính là những nhà giáo dục, những nhà tâm lý. Chính vì vậy, thầy Hòa đề xuất đưa giáo dục kĩ năng sống, tâm lý vào trong nhà trường; quan trọng hơn là người giáo viên phải tự thay đổi, tự học hỏi để đổi mới mình để trở thành người có trình độ nghiệp vụ, năng lực ứng xử sư phạm và có trách nhiệm cũng như năng lực quản lý giáo dục.

    Đứng ở vai trò là người quản lý, là người đứng đầu tại trường Nguyễn Bỉnh Khiêm, thầy chia sẻ ở trường Nguyễn Bỉnh Khiêm có 3 yêu cầu đối với giáo viên và cán bộ quản lý: Thầy cô thay đổi, thầy cô cảm nhận được hạnh phúc, tôn trọng và chấp nhận sự khác biệt. Và để làm được điều đó, trường Nguyễn Bỉnh Khiêm có chương trình bồi dưỡng giáo viên và giáo viên chủ nhiệm hàng tháng về “thầy cô chúng ta đã thay đổi”, về kĩ năng ứng xử sư phạm, về xây dựng lớp học hạnh phúc. Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm coi công tác chủ nhiệm lớp là nhiệm vụ trọng tâm và có vai trò cốt yếu trong việc hình thành phẩm chất, phát triển năng lực của người học.

    Bài viết liên quan
    Tư vấn online 0987.266.630