• HỆ THỐNG GIÁO DỤC CHẤT LƯỢNG CAO

      NGUYỄN BỈNH KHIÊM - CẦU GIẤY

      Trường Tiểu Học Nguyễn Bỉnh Khiêm - Cầu Giấy

      Trường THCS&THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm - Cầu Giấy

    Báo chí

    [VN EXPRESS] Thầy cô sáng tạo khi dạy online

  • Thứ sáu, 15:25 Ngày 17/04/2020
  • Cô Trương Thu, giáo viên Lịch sử ở Hà Nội, tổ chức buổi học online với những câu hỏi như chương trình Đường lên đỉnh Olympia, Ai là triệu phú, Rung chuông vàng.

    Từ ngày 4/2, khi Hà Nội mới cho học sinh nghỉ một tuần phòng Covid-19, trường Nguyễn Bỉnh Khiêm - Cầu Giấy (Hà Nội) đã tổ chức dạy online. Song song với ghi hình bài giảng đăng lên kênh Youtube, trường còn tổ chức các buổi livestream trên Facebook và thầy cô chủ động dạy qua các ứng dụng như Zoom để ôn luyện và cung cấp kiến thức cho học sinh.  

    Ở các buổi livestream, bài giảng môn Lịch sử lớp 12 của cô Trương Thu luôn thu hút nhiều người theo dõi. Do phát trên Facebook của trường, không chỉ học sinh lớp 12 mà cả các em lớp dưới hay phụ huynh cũng có thể cùng xem và tương tác.

    Cô Trương Thu (quận Cầu Giấy, Hà Nội) trong bài giảng Đất nước hiểm nghèo sau Cách Mạng Tháng Tám 1945. Ảnh cắt từ video bài giảng.

    Cô Trương Thu (quận Cầu Giấy, Hà Nội) trong bài giảng "Đất nước hiểm nghèo sau Cách Mạng Tháng Tám 1945". Ảnh cắt từ video bài giảng.

    Cô Thu cho hay từ ngày chuyển sang dạy trực tuyến thay vì trực tiếp, cô phải thay đổi phong cách giảng dạy rất nhiều, đưa vào nhiều hình thức mới để gây hứng thú cho học sinh. "Khi dạy online, đa số lựa chọn cách thuyết trình vì dễ làm nhất nhưng nó khá nhàm chán. Nếu giáo viên nào cũng giảng theo hình thức đó, học sinh rất mệt mỏi. Vì vậy, tôi quyết định phải làm mọi cách để học sinh được tương tác, thể hiện khả năng hiểu biết và sự cạnh tranh", cô Thu nói.

    Bài giảng online đầu tiên trong thời gian học sinh nghỉ phòng dịch là ôn lại kiến thức cũ, cô Thu đưa vào trò chơi tương tự phần Vượt chướng ngại vật của cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia. Học sinh được chọn ô hàng ngang gợi ý, cô đọc câu hỏi, các em trả lời tương tác bằng cách bình luận trực tiếp dưới video. Mỗi từ hàng ngang được lật mở, cô Thu lại giảng phần nội dung kiến thức xoay quanh đó. Tất cả liên quan đến chướng ngại vật cuối cùng, cũng là chủ đề của bài học.

    Ở một lần khác, cô cho học sinh tìm hiểu kiến thức thông qua các trò chơi tương tự chương trình Ai là triệu phú hay Rung chuông vàng. Bạn nào có nhiều câu trả lời đúng, nhanh và chính xác sẽ được nhận phần quà.

    Theo cô Thu, vì có tính cạnh tranh, học sinh rất hào hứng thể hiện kiến thức của mình, từ đó ghi nhớ bài học tốt hơn. Không chỉ khi livestream, cả khi dạy qua Zoom, cô cũng áp dụng các trò chơi vào bài giảng.

    Ngoài đưa vào bài giảng các trò chơi giải trí, cô Thu còn chú trọng việc sử dụng nhiều hình ảnh tư liệu, đồ họa, video, cả âm nhạc và phim ảnh. "Không có bảng, khó sử dụng ngôn ngữ cơ thể để nhấn nhá, cũng không đến từng bàn chỉ bảo các con được nên giáo viên phải phát huy hết khả năng sử dụng công nghệ thông tin, đồ họa để cho ra bài giảng hấp dẫn và đổi mới nhất", cô giáo 45 tuổi nói.

    Cũng theo giáo viên này, môn Sử khiến nhiều học sinh sợ hãi vì phải ghi nhớ nhiều. Nếu thiết kế bài giảng thành các slide toàn chữ, ghi rất nhiều đầu mục, học sinh sẽ khó khăn trong việc ghi nhớ, tóm tắt. Vì vậy, cô thường biến nội dung trong sách thành sơ đồ tư duy (mindmap) theo chủ đề để học sinh có thể chia nhánh, phát triển ý. Khi mindmap hiện trên màn hình, các em cũng có thể chụp lại để xem bất cứ khi nào, ngay cả khi không có mạng.

    Ngoài ra, cô thường tóm tắt các sự kiện lịch sử thành timeline. Với nội dung phải học trong nhiều ngày, học sinh chỉ cần nhìn vào một trang "timeline" là khái quát và nhớ được một cách logic.

    Không chỉ sáng tạo trong cách dạy, môn Sử còn được thầy cô đổi mới trong cách ra đề kiểm tra ngay trong những ngày nghỉ phòng dịch. Đầu tháng 3, bên cạnh việc dạy trực tuyến, thầy Nguyễn Viết Đăng Du, Tổ trưởng Lịch sử, trường THPT Lê Quý Đôn (TP HCM) ra đề kiểm tra 15 phút yêu cầu học sinh thể hiện sự hiểu biết về một nhân vật lịch sử Việt Nam bằng hình thức tự chọn. Thầy gợi ý các em có thể thiết kế sơ đồ tư duy, vẽ tranh, làm video không quá 3 phút.

    Tổ Sử lập một Fanpage Vietnamese Heroes để học sinh ba khối 10, 11, 12 "nộp" bài tập, đồng thời giới thiệu sản phẩm cho bạn bè cả trường cùng xem. Từ đầu tháng 4, thầy cô khi chấm bài đã bất ngờ khi nhận được nhiều bài làm hay, vượt xa sự mong đợi.

    Có học sinh thiết kế trang Facebook cho vị tướng Trần Hưng Đạo với đầy đủ thông tin năm sinh, quê quán, tước hiệu được sắc phong và những chiến thắng lẫy lừng dưới sự lãnh đạo của ông. Một nữ sinh lớp 11 thì chọn hình ảnh Đại tướng Võ Nguyễn Giáp thiết kế thành trang báo "Những anh hùng Việt Nam" với thông tin về cuộc đời, sự nghiệp và công lao của ông. Một em khác lại chọn nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình để làm bìa một cuốn tạp chí; có em lại thể hiện kể chuyện cuộc đời của bác sĩ, liệt sĩ Đặng Thuỳ Trâm bằng một bài hát rap.

    "Dường như các em đã dùng hết sự năng động, sáng tạo của mình ở từng sản phẩm. Tìm hiểu về nhân vật lịch sử luôn mang đến những hứng thú cho học sinh, thay vì những diễn biến, con số, địa danh khô khan", thầy Du nói.

    Tiểu sử vị tướng Trần Hưng Đạo được học sinh thiết kế như một trang cá nhân trên Facebook. Ảnh: Vietnamese Heroes.

    Tiểu sử vị tướng Trần Hưng Đạo được học sinh thiết kế như một trang cá nhân trên Facebook. Ảnh: Vietnamese Heroes.

    Từ kết quả bài kiểm tra mang tính tình thế này, thầy Du cho rằng Lịch sử không phải là môn học nhàm chán, học sinh cũng không chán sử mà thầy cô cần thay đổi cách truyền tải. "Hiện các em có thể dễ dàng tìm bất cứ tiểu sử, diễn biến cuộc chiến, hình ảnh, tư liệu phong phú về giai đoạn lịch sử trên mạng. Thầy cô nên khơi gợi, cho các em những khoảng sáng tạo, chắc chắn sẽ đem lại hứng thú và hiệu quả nhất định", thầy nói.

    Tại trường THPT Nguyễn Du, từ giữa tháng 2, hơn 100 giáo viên bắt đầu dạy E-learning thông qua phần mềm 789, gửi bài qua Zalo, Facebook. Ngoài ra, các tổ bộ môn còn tổ chức quay các bài giảng mới, rèn kỹ năng làm bài thi đưa lên Facebook để học sinh 12 tự học.

    Với chuyên môn Hóa học, Hiệu trưởng Huỳnh Thanh Phú cũng tham gia ôn tập, luyện giải đề minh họa cho học sinh. "Một phần do dịch bệnh, nhà trường cũng hạn chế để thầy cô lên trường, chỉ trực ban giám hiệu nên tôi tranh thủ làm video ôn bài cho các em luôn", thầy Phú chia sẻ.

    Đúc kết từ nhiều năm đi dạy, thầy Phú làm video bài giảng về các dạng cân bằng phản ứng hoá học cơ bản mà học sinh thường gặp và đặt tên là "phương pháp cân bằng HTP". Video dài 17 phút đăng trên trang cá nhân của thầy thu hút hơn 5.000 lượt xem và hàng trăm chia sẻ. Đa số hứng thú vì nội dung hài hước, dễ nhớ.

    Ngoài bài học, các bài giảng của thầy hiệu trưởng cũng lồng ghép những lưu ý trong quá trình ôn tập thi THPT quốc gia, nhắc nhở về giữ gìn sức khỏe trong mùa dịch. "Thông điệp mà tôi muốn gửi tới các em là Ban giám hiệu và thầy cô trong trường luôn ở bên các em, dù trong bất cứ khó khăn nào. Tất cả phải cố gắng để vượt qua đại dịch", thầy Phú chia sẻ.

    Thầy Huỳnh Thanh Phú (trường THPT Nguyễn Du, TP HCM) trong một bài ôn Hoá học cho học sinh khối 12 của trường hồi đầu tháng 4. Ảnh: THPT Nguyễn Du.

    Thầy Huỳnh Thanh Phú (trường THPT Nguyễn Du, TP HCM) trong một bài ôn Hoá học cho học sinh khối 12 của trường hồi đầu tháng 4. Ảnh: THPT Nguyễn Du.

    Năm học 2019-2020, học sinh cả nước mới học hết tuần 20 thì nghỉ Tết và nghỉ phòng tránh Covid-19. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã lần thứ hai điều chỉnh khung thời gian năm học 2029-2020. Thời điểm kết thúc năm học được lùi đến trước ngày 15/7, thi THPT quốc gia ngày 8-11/8, chậm một tháng rưỡi so với mọi năm và chậm nửa tháng so với lần điều chỉnh đầu tiên.  

    Từ giữa tháng 3, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các địa phương hướng dẫn nhà trường tăng cường dạy học qua Internet và truyền hình, phân công giáo viên phối hợp với gia đình quản lý, nhận xét. Hiện các trường học đã triển khai dạy trực tuyến bài mới, chứ không còn ôn tập như trong tháng 2 và 3.

    Bài viết liên quan
    Tư vấn online 0987.266.630